Xã hội

Thủ tướng chấp thuận giảm giá BOT đối với một số loại xe

28/12/2017, 15:46

Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phương án giảm giá BOT đối với một số loại xe.

giam-gia-BOT

Ảnh minh hoạ

Nỗ lực đàm phán giảm giá BOT

Về nỗ lực giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, liên quan vấn đề tiếp tục giảm phí BOT, trên cơ sở rà soát sơ bộ chi phí đầu tư và phương án tài chính của các dự án BOT,  Bộ GTVT đã phối hợp với Bộ Tài chính có các văn bản triển khai việc rà soát, điều chỉnh mức thu giá đường bộ, báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phương án giảm giá đối với xe loại 4 (xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn; xe chở hàng bằng container 20 feet) từ mức 140.000 đồng xuống 120.000 đồng và nhóm 5 (xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên; xe chở hàng bằng container 40 feet) từ mức 200.000 đồng xuống 180.000 đồng. Đồng thời, đàm phán thống nhất với các nhà đầu tư để giảm mức giá tại các trạm thu của các dự án BOT.

Ông Dũng cho biết, trong thời gian vừa qua, Bộ GTVT đã và đang tích cực đàm phán với các Nhà đầu tư để tiếp tục giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ (giảm phí) khi áp dụng Thông tư 35 của Bộ GTVT.

Tính đến thời điểm báo cáo, trong tổng số 73 trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ, (bao gồm: 55 trạm thuộc các dự án BOT đã hoàn thành đi vào khai thác và 18 trạm thuộc các dự án BOT đang thực hiện đầu tư, chưa thu giá dịch vụ), Bộ đã triển khai thực hiện giảm giá 35 trạm.

Cụ thể, đối với 55 dự án đã hoàn thành đưa vào khai thác đã thực hiện giảm giá đối với 31 trạm (xe loại 4 và loại 5); 18 trạm hiện có mức thu thấp theo quy định, chưa thực hiện giảm giá; 6 trạm còn lại chưa giảm giá do nhà đầu tư chưa thống nhất điều chỉnh giá.

Đối với 18 dự án đang thực hiện đầu tư đã thực hiện giảm giá đối với 4 trạm (xe loại 4 và loại 5); 9 trạm có mức thu thấp theo quy định, chưa thực hiện giảm giá; 5 trạm còn lại chưa giảm giá do nhà đầu tư chưa thống nhất điều chỉnh giá.

Cùng với đó, Bộ GTVT đã lập tổ công tác liên ngành xem xét, đề xuất tăng cường quản lý, giám sát giá; cắt giảm các khoản phụ thu bất hợp lý đối với hàng hóa xuất nhập khẩu vận chuyển bằng đường biển.

Việt Nam thực hiện nhiều cải cách nhất trong 15 năm qua

Trình bày Báo cáo Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã điểm lại một số điểm nổi bật như Thủ tướng đã ký ban hành Chỉ thị số 20 ngay trong quá trình diễn ra Hội nghị của Thủ tướng với doanh nghiệp với nội dung yêu cầu các cơ quan chức năng không được thanh tra quá 1 lần mỗi năm đối với mỗi doanh nghiệp.

Thanh tra Chính phủ đã quán triệt và tăng cường công tác thanh tra, xử lý vi phạm theo hướng lồng ghép, phối hợp và kế thừa, thực hiện theo nội dung và nguyên tắc: thanh/kiểm tra không quá 1 lần/năm. Định kỳ hàng quý, tổ chức họp báo công bố kết quả thanh tra, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng và trả lời câu hỏi mà dư luận quan tâm.

Trong năm 2017, việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành, địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, coi doanh nghiệp là động lực phát triển kinh tế, lấy tinh thần phục vụ doanh nghiệp làm phương châm hoạt động của chính quyền các cấp đã có tác động tích cực, góp phần quan trọng đạt được các mục tiêu đề ra của Nghị quyết.

Những nỗ lực trên đã góp phần quan trọng trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam thời gian qua, đã được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh năm 2018 của Ngân hàng thế giới, Việt Nam xếp thứ 68 trong số 190 nền kinh tế xếp hạng (tăng 14 bậc so với vị trí 82 của năm 2017).

Đáng lưu ý, Việt Nam (cùng với Indonesia) là hai nước thực hiện nhiều cải cách nhất trong 15 năm qua, trong đó mỗi nước cùng có 39 cải cách.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.