Mua bảo hiểm vật chất ô tô với mong muốn khi xảy ra tai nạn sẽ nhận được sự hỗ trợ, bồi thường. Tuy nhiên, thực tế hiện nay rất nhiều khách hàng mua bảo hiểm cảm thấy bực bội, bức xúc về cách đối xử với khách hàng của các hãng bảo hiểm khi có tai nạn xảy ra.
Gây khó và tìm cách chối bỏ trách nhiệm
Lúc 12h30 ngày 2/7, anh Lê Phi Hằng (trú phố Vọng Hà, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đang lái xe Toyota Innova thì va chạm với một chiếc Ford Escape tại địa điểm ngã ba đường Rặng Nhãn (phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội), khiến hai xe bị móp méo phần mũi xe.
Anh Hằng đã gọi điện ngay đến đường dây nóng của Bảo Việt ghi trên Giấy chứng nhận bảo hiểm và được công ty cử nhân viên giám định xuống hiện trường. Sau đó, giám định viên tên Nguyễn Văn Doanh đề nghị đưa xe về Toyota Hoàn Kiếm để giám định. Tại đây, Toyota Hoàn Kiếm báo giá sửa chữa là 10.991.200 đồng. Thấy mức giá sửa chữa chính hãng quá cao, anh Hằng đề nghị đưa ra gara ngoài, thì được báo giá thấp hơn là 7.023.000 đồng.
Tuy nhiên, sau đó căn cứ vào hồ sơ công an, nhân viên giám định đưa ra mức chế tài (miễn thường) là 50% với lý do anh Hằng là người có lỗi trong vụ va chạm do lái xe thiếu quan sát và thông báo mức bồi thường mà bảo hiểm chi trả chỉ là 1,681 triệu đồng. Anh Hằng thắc mắc về mức bồi thường nhưng nhân viên này không nêu lý do cụ thể và khẳng định sẽ chỉ có thể bồi thường mức đó. Bức xúc, anh Hằng đăng phản ánh lên mạng xã hội. Sau đó, một nhân viên khác của Bảo Việt gọi điện cho anh Hằng đề nghị gỡ status bài và cho biết sẽ nâng mức bồi thường từ 1,689 triệu đồng lên mức 2,8 triệu đồng.
Điều khiến anh Lê Phi Hằng bức xúc là mức “chế tài” hoàn toàn do giám định viên ấn định mà không hề có văn bản thông báo cụ thể, chỉ thông báo qua điện thoại. “Tôi có đọc kỹ quy định về chế tài bồi thường bảo hiểm vật chất ô tô của Bảo Việt thì thấy không có điều khoản nào nói lỗi “lái xe thiếu quan sát sẽ bị từ chối bồi thường bảo hiểm 50%. Không những thế, nếu có bị chế tài ở mức 50% thì đáng lý ra Bảo Việt sẽ phải chi trả ở mức 3,5 triệu đồng chứ không phải 2,8 triệu đồng”, anh Hằng cho biết.
Trao đổi với Báo Giao thông, chuyên gia bảo hiểm Dương Thị Nhi (Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo bảo hiểm - Bộ Tài chính) cho biết: “Nguyên tắc của Luật Bảo hiểm là không gây bất lợi cho khách hàng nên nếu có trường hợp quy định không rõ thì phải xử có lợi cho khách hàng. Trong hợp đồng bảo hiểm xe cơ giới phải được quy định chặt chẽ, rõ ràng đến chi tiết, không thể do giám định viên tùy tiện quyết định…”.
Bắt bí khách hàng
Vào lúc 19h ngày 7/3 trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ xảy ra vụ va chạm giữa 2 xe chiếc xe hạng sang Audi Q5 và một chiếc xe Mercedes S-Class. Trao đổi với PV Báo Giao thông, chủ nhân chiếc Audi Q5 là anh Phan Hải Linh, khách hàng mua bảo hiểm của Công ty Bảo hiểm BSH Thăng Long với mức gần 20 triệu đồng/năm cho biết, ngay sau khi xảy ra tai nạn, cả 2 chủ xe đều lập tức thông báo cho bảo hiểm của mỗi bên.
“Khi chúng tôi liên lạc với bảo hiểm thì không hãng bảo hiểm nào cử người xuống hiện trường để giám định vụ tai nạn mà chỉ trả lời ngắn gọn “cứ báo công an, bảo hiểm sẽ làm việc theo biên bản hiện trường của công an”.
Phía công an sau đó xác định lỗi giao thông xuất phát từ phía chủ xe Audi. Theo quy định, chủ xe Mercedes S-Class (xe bị tông từ phía sau) sẽ được chủ xe Audi bồi thường toàn bộ chi phí sửa chữa.
Sau khi đưa xe vào gara chính hãng, chiếc Mercedes S-Class được gara báo giá sửa chữa gần 1 tỷ đồng nhưng khi đưa ra gara ngoài được báo giá 300 triệu đồng còn chi phí sửa chữa chiếc Audi Q5 là 120 triệu đồng (gara ngoài).
Tuy nhiên, điều bất ngờ là cả 2 chủ xe nêu trên đều bị 2 hãng bảo hiểm từ chối bồi thường. Với xe Audi, phía bảo hiểm BSH Thăng Long đưa ra lý do là xe đã nâng cấp cỡ vành nên bị từ chối bảo hiểm vật chất thân vỏ. Tuy nhiên, theo anh Linh, chiếc vành mà anh lắp cho xe là hàng chính hãng Audi, được đại lý chính hãng của Audi Việt Nam lắp và không hề ảnh hưởng đến các yếu tố an toàn, kỹ thuật của xe. “Nếu nói lý do nâng cấp cỡ vành để từ chối bồi thường thì bên bảo hiểm phải có trưng cầu giám định của cơ quan đăng kiểm. Tuy nhiên, đến thời điểm này bản thân tôi chưa nhận được bất cứ văn bản nào về việc này”, anh Linh cho biết.
Chiều 17/7, trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Đông, Giám đốc Bảo hiểm BSH Thăng Long cho biết, đơn vị đang thu xếp một cuộc họp với anh Phan Hữu Linh làm rõ các thông tin về vụ việc, đồng thời sẽ cung cấp thông tin về trường hợp khách hàng khiếu nại quyết định từ chối bảo hiểm của BSH. Báo Giao thông sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.
Vụ việc này kéo dài đến nay đã gần 5 tháng khiến cả 2 chủ xe đều cảm thấy ngao ngán. Điểm mấu chốt trong vụ việc này, là cả 2 xe đều là xe hạng sang, chủ xe đều cẩn thận mua gói bảo hiểm “kịch nóc” nhưng xảy ra rủi ro tiền tỷ, không ai được bồi hoàn xu nào.
“Hợp đồng bảo hiểm là một thỏa thuận dân sự nhưng trao cho một bên (công ty bảo hiểm) quá nhiều quyền tài phán khiến bên còn lại (bên mua bảo hiểm) nhận phần lớn rủi ro, thậm chí hoàn toàn bị từ chối trong những trường hợp không rõ ràng, khiến phần lớn khách hàng cảm thấy thiệt thòi đến mức vô lý, bất công trong khi hàng năm phải chi trả số tiền rất lớn để tái tục bảo hiểm”, anh Linh cho biết.
Nhận định về trường hợp này, giám đốc một trung tâm đăng kiểm tại Hà Nội cho rằng: “Thực tế có những mẫu xe có thể lắp nhiều cỡ lốp, vành khác nhau và được cơ quan đăng kiểm chấp nhận vì vẫn bảo đảm an toàn. Bộ quy chuẩn kỹ thuật của xe đầy đủ nhất chính là hồ sơ đăng ký kiểu loại phương tiện được Cục Đăng kiểm Việt Nam quản lý. Hồ sơ này rất dày, có nhiều thông tin không thể thể hiện hết trên tờ giấy chứng nhận đăng kiểm. Vì thế nếu công ty bảo hiểm nghi vấn chiếc xe có vi phạm quy chuẩn an toàn hay không có thể tham khảo hồ sơ đăng ký kiểu loại phương tiện trên Cục Đăng kiểm Việt Nam”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận