Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, 6 tháng đầu năm tổng doanh thu bảo hiểm xe cơ giới đạt 9.367 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 27,7% trong tổng doanh thu toàn thị trường, tăng 10% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên tổng mức bồi thường bảo hiểm lên tới 3.732 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường ở mức cao, chiếm tới 39,8% doanh thu.
Tai nạn giao thông tại cầu vượt Thái Hà, Hà Nội. Ảnh: Việt Linh
Doanh thu bảo hiểm bắt buộc (bảo hiểm TNDS) đạt 2.356 tỷ đồng, tăng 11,8% so với cùng kỳ, số tiền bồi thường 346 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 14,7%.
Doanh thu bảo hiểm xe cơ giới tự nguyện đạt 7.010 tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ, số tiền bồi thường 3.386 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 48,3%.
Như vậy, chỉ tính riêng nghiệp vụ bảo hiểm tự nguyện, mức bồi thường chiếm gần 50% doanh thu của nghiệp vụ này.
Với tỷ lệ bồi thường xe cơ giới gia tăng mạnh cùng hiện thực đã xảy ra nhiều vụ có dấu hiệu gian lận bảo hiểm xe cơ giới, tại một diễn đàn chuyên về bảo hiểm phi nhân thọ mới đây, các công ty bảo hiểm đã nhất trí tiếp tục tăng cường chia sẻ thông tin tổn thất, tuân thủ quy định pháp luật, giải quyết tranh chấp với khách hàng.
Đồng thời, Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam (IAV) cũng đề xuất khởi động lại việc triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu về xe cơ giới có tỷ lệ tổn thất cao (CIC) dùng chung cho toàn ngành bảo hiểm.
Qua đó có thể tra cứu thông tin liên quan đến tổn thất xe cơ giới để áp dụng chính sách chào phí bảo hiểm phù hợp, đảm bảo công bằng giữa các khách hàng.
Theo đó, khách hàng quản lý rủi ro tốt thì được giảm phí, khách hàng quản lý rủi ro chưa tốt sẽ phải đóng mức phí bảo hiểm cao hơn.
Theo chuyên gia bảo hiểm Nguyễn Khắc Xuân (Công ty TNHH dịch vụ bảo hiểm InFair), Luật Kinh doanh bảo hiểm mới (Luật KDBH sửa đổi số 08/2022/QH15) vừa được ban hành đã bổ sung quy định về cơ sở dữ liệu về hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Cụ thể, Điều 11 của luật quy định: Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu về hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm xây dựng, quản lý và vận hành cơ sở dữ liệu về hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhằm phục vụ hoạt động quản lý nhà nước, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
"Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô có trách nhiệm cung cấp thông tin về bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm, đại lý bảo hiểm và thông tin khác có liên quan để xây dựng cơ sở dữ liệu về hoạt động kinh doanh bảo hiểm", trích khoản 2 điều 11 của luật.
Tuy nhiên, theo ông Xuân việc xây dựng kho dữ liệu chung của các doanh nghiệp bảo hiểm phải cần thời gian để xem xét mức độ khả thi, do các nguyên nhân sau:
Thứ nhất, doanh nghiệp bảo hiểm phải chia sẻ một số thông tin khách hàng khi dùng chung cơ sở dữ liệu.
Thứ hai, việc xây dựng tệp khách hàng "có mức độ rủi ro cao" có bị xem là phân biệt đối xử với khách hàng hay không, căn cứ theo quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) mà Việt Nam làm thành viên.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận