Chính sách hiệu lực tháng 8: "Khai tử" dùng tiền mặt thu phí trên cao tốc
Chỉ thu phí không dừng trên các tuyến cao tốc; Hộ nghèo được hỗ trợ 40 triệu đồng để xây nhà... là những chính sách có hiệu lực trong tháng 8.
Đốt phụ phẩm từ cây trồng cạnh các tuyến giao thông chính sẽ bị phạt đến 3 triệu đồng
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 45/2022/NĐ-CP, có hiệu lực từ 25/8/2022 và thay thế Nghị định 155/2016/NĐ-CP, Nghị định 55/2021/NĐ-CP.
Đốt rơm tại tuyến giao thông chính sẽ bị phạt đến 3 triệu đồng
Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trong đó quy định cụ thể mức xử phạt đối với vi phạm quy định về bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp.
Cụ thể, phạt tiền từ 2,5-3 triệu đồng đối với hành vi đốt ngoài trời phụ phẩm từ cây trồng cạnh khu vực dân cư, sân bay, các tuyến giao thông chính.
Phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với hành vi không đăng ký, kiểm kê, báo cáo và quản lý thông tin về hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật và thuốc thú y theo quy định; sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y sai quy định và gây ô nhiễm môi trường.
Hành vi không thực hiện việc đánh giá và kiểm soát hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y theo quy định bị phạt tiền từ 30-50 triệu đồng.
Phạt tiền từ 50-70 triệu đồng đối với hành vi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất đã hết hạn sử dụng hoặc ngoài danh mục cho phép và gây ô nhiễm môi trường.
Hành vi nhập khẩu hóa chất, vật liệu chứa hóa chất nguy hại không đáp ứng quy định về bảo vệ môi trường bị phạt tiền từ 50-100 triệu đồng.
Nghị định cũng quy định mức phạt đối với hành vi gây ô nhiễm đất, nước, không khí; gây ô nhiễm môi trường kéo dài. Cụ thể, phạt tiền từ 40-50 triệu đồng đối với hành vi rò rỉ, thải hóa chất độc vào môi trường đất, nước trái quy định về bảo vệ môi trường.
Từ ngày 1/8 chỉ thu phí không dừng trên các tuyến cao tốc
Chỉ thu phí không dừng trên các tuyến cao tốc
Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 19/7/2022 về đẩy nhanh tiến độ dán thẻ định danh đối với xe ôtô để sử dụng dịch vụ thu phí theo hình thức điện tử không dừng.
Chỉ thị nêu rõ, thời gian qua, Bộ GTVT, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cùng với các nhà đầu tư dự án BOT, các nhà cung cấp dịch vụ thu phí điện tử không dừng (ETC) và các đơn vị có liên quan đã quyết liệt triển khai đầu tư hệ thống thu phí theo hình thức ETC tại các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ trên toàn quốc theo quy định tại Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg ngày 17/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm kết nối liên thông, đồng bộ, thuận tiện cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Tuy nhiên, đến nay số phương tiện dán thẻ định danh và sử dụng dịch vụ thu phí ETC còn thấp, điều này chưa phát huy được hiệu quả của hệ thống thu phí ETC.
Để đẩy nhanh tiến độ dán thẻ định danh đối với phương tiện xe ôtô, nhằm phát huy tối đa hiệu quả hệ thống thu phí ETC theo đúng yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết số 62/2022/QH15 ngày 16/6/2022, góp phần giảm ùn tắc giao thông và minh bạch trong hoạt động thu phí, tiến tới xóa bỏ hình thức thu phí một dừng (sử dụng tiền mặt), Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; đề nghị người đứng đầu các cơ quan và tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội ở trung ương và địa phương tiếp tục chỉ đạo dán thẻ định danh đối với toàn bộ phương tiện xe ôtô thuộc phạm vi quản lý của cơ quan, đơn vị (kể cả đối với các đơn vị trực thuộc) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 155/CĐ-TTg ngày 22/02/2022.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu không sử dụng hình thức thu phí một dừng (dùng tiền mặt) kể từ ngày 1/8/2022.
Quy định mới về lãi suất rút trước hạn tiền gửi
Ngày 16/6/2022, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 04/2022/TT-NHNN quy định về việc áp dụng lãi suất rút trước hạn tiền gửi tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Lãi suất rút trước hạn tiền gửi tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, được quy định như sau:
Trường hợp rút toàn bộ tiền gửi: áp dụng mức lãi suất tối đa bằng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của tổ chức tín dụng đó theo đối tượng khách hàng và/hoặc theo loại đồng tiền đã gửi tại thời điểm rút trước hạn.
Trường hợp rút một phần tiền gửi: Đối với phần tiền gửi rút trước hạn, áp dụng mức lãi suất bằng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của tổ chức tín dụng đó theo đối tượng khách hàng và/hoặc theo loại đồng tiền đã gửi tại thời điểm rút trước hạn; đối với phần tiền gửi còn lại, áp dụng mức lãi suất đang áp dụng đối với khoản tiền gửi khách hàng rút trước hạn một phần.
So với hiện hành, Thông tư số 04/2022/TT-NHNN đã phân chia quy định lãi suất rút trước hạn tiền gửi trong trường hợp rút trước hạn toàn bộ tiền gửi và rút trước hạn một phần tiền gửi.
Thông tư số 04/2022/TT-NHNN có hiệu lực kể từ ngày 01/8/2022 và thay thế Thông tư số 04/2011/TT-NHNN ngày 10/3/2011.
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 40/2022/TT-BTC quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính
Quy định mới về giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính
Ngày 29/6/2022 Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 40/2022/TT-BTC quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính.
Trong đó quy định giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính bao gồm giám định tư pháp về kế toán, kiểm toán; giám định tư pháp về giá; giám định tư pháp về chứng khoán; giám định tư pháp về thuế; giám định tư pháp về hải quan; giám định tư pháp về tải sản công; giám định tư pháp về tài chính doanh nghiệp; giám định tư pháp về các lĩnh vực tài chính khác theo quy định của pháp luật.
So với Thông tư số 138/2013/TT-BTC hiện hành Thông tư số 40/2022/TT-BTC đã bổ sung 2 lĩnh vực giám định tư pháp là giám định tư pháp về tài sản công và giám định tư pháp về tài chính doanh nghiệp.
Thông tư số 40/2022/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 15/8/2022 và thay thế Thông tư 138/2013/TT-BTC.
Hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ 40 triệu đồng để xây mới nhà ở
Đây là nội dung tại Thông tư số 01/2022/TT-BXD hướng dẫn thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, có hiệu lực từ ngày 15/8/2022.
Đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo sau đây được hỗ trợ xây nhà mới 40 triệu đồng/hộ; sửa chữa nhà 20 triệu đồng/hộ:
Hộ nghèo, hộ cận nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025) trong danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý, đang cư trú trên địa bàn huyện nghèo và là hộ độc lập có thời gian tách hộ đến khi Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 (sau đây viết tắt là Chương trình) có hiệu lực thi hành tối thiểu 3 năm.
Đối tượng thụ hưởng hỗ trợ nhà ở không bao gồm các hộ đã được hỗ trợ nhà ở thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và các chương trình, đề án, chính sách khác