360° xe

Hưởng ưu đãi trước bạ, xe lắp ráp vẫn giảm doanh số

17/08/2023, 09:30

Dù có lợi thế so với ô tô nhập khẩu nhưng doanh số xe lắp ráp vẫn sụt giảm. Trong khi xe nhập khẩu lại có dấu hiệu tăng trưởng.

Theo báo cáo từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), VinFast và TC Motor, tháng 7/2023, doanh số thị trường ô tô Việt Nam ghi nhận mức sụt giảm gần 1% so với tháng trước.

Doanh số ô tô lắp ráp chưa cho thấy hiệu quả của chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ.

Trong đó, TC Motor và VinFast kinh doanh hầu hết các mẫu xe đều sản xuất lắp ráp trong nước sụt giảm doanh số. Còn các thành viên VAMA có kết quả kinh doanh tăng nhẹ 4% so với tháng trước. Đáng chú ý, lượng xe lắp ráp bán ra cũng sụt giảm 12% so với tháng trước.

Có thể thấy, ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ được áp dụng từ 1/7 cho xe sản xuất lắp ráp trong nước chưa thể giúp các mẫu xe sản xuất trong nước vực dậy doanh số, dù đã bớt khó khăn hơn. Do thị trường khó khăn nên đến nay nhiều hãng xe vẫn phải sử dụng các gói ưu đãi, kích cầu mua sắm.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, ô tô nhập khẩu lại bất ngờ tăng trưởng doanh số. Theo VAMA, tháng 7/2023, ô tô nhập khẩu bán ra 11.112 xe, tăng trưởng 34% so với tháng trước. Thậm chí có một số mẫu xe nhập khẩu được chính hãng ưu đãi tốt khiến doanh số tăng vọt. Có thể kể tới như Mitsubishi Xpander nhập khẩu được hỗ trợ 100% lệ phí trước bạ, tăng doanh số tới 107%. Hay Toyota Corolla Cross giảm 50% lệ phí trước bạ tương đương xe lắp ráp cũng tăng doanh số khoảng 87% so với tháng trước.

Khách hàng có nhu cầu mua xe thực sự đã tập trung mua xe lắp ráp vào tháng 6 nên doanh số tháng 7 không tốt bằng.

Theo chuyên gia nhận định, tháng 6/2023, doanh số xe lắp ráp tăng do những khách hàng có nhu cầu mua xe thực sự chờ giảm lệ phí trước bạ chọn mua khoảng thời gian này vì lo ngại sau 1/7, ưu đãi sẽ không tốt bằng. Vậy nên trong tình hình kinh tế như hiện nay, những người thực sự cần xe đã mua vào tháng trước nên sang tháng 7, doanh số sẽ không tốt bằng.

Bên cạnh đó, theo PGS. TS Ngô Trí Long, chính sách hỗ trợ phí trước bạ từ Chính phủ chỉ là một yếu tố góp phần giúp ngành ô tô hồi phục. Để thị trường nhộn nhịp trở lại như nửa đầu năm 2022, cần nhiều điều kiện khác.

“Đầu tiên, nền kinh tế vĩ mô cần ổn định, kiểm soát được lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng. Cùng đó, việc cải thiện thu nhập của người dân, ví dụ như tăng lương cơ sở từ ngày 1/7, cũng đóng vai trò quan trọng. Khi các yếu tố này được đáp ứng, mới có thể trông đợi thị trường ô tô dần hồi phục”, ông Long nhận định.