Vụ tấn công báo mạng VOV: Hacker đối diện mức phạt cao nhất 12 năm tù
Các luật sư cho rằng, hành vi tấn công vào báo mạng VOV của các đối tượng hoàn toàn có thể bị xử phạt từ 7 đến 12 năm tù.
Trên trang Facebook của N.H.K xuất hiện bài viết hướng dẫn cách tấn công Báo Điện tử VOV
Có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng
Dư luận đang xôn xao câu chuyện hacker tấn công, làm ngưng trệ hoạt động Báo Điện tử VOV nhiều thời điểm trong các ngày 12-14/6.
Ngoài các hình thức tấn công trên, nhiều tài khoản khác nhau còn vào bình luận ác ý, chửi bới, đe dọa trên fanpage của Báo Điện tử VOV; đánh giá VOV 1 sao trên Google Map... Hiện VOV đã đề nghị Bộ Công an điều tra làm rõ các cuộc tấn công này.
Nhiều luật sư cho rằng, với chức năng, nhiệm vụ của mình, VOV là một trong các mục tiêu, công trình hạ tầng - kỹ thuật quan trọng đặc biệt về an ninh quốc gia. Do đó, việc tấn công có chủ đích vào trang báo điện tử và nền tảng mạng xã hội của VOV là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của VOV và đe dọa đến lĩnh vực an ninh mạng, công nghệ thông tin, mạng viễn thông được pháp luật Việt Nam bảo vệ.
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP HCM)
Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng, hành vi của các đối tượng có dấu hiệu rất rõ của hành vi Tấn công mạng theo Điều 19 Luật An ninh mạng năm 2018. Tùy vào tính chất, động cơ, mức độ thiệt hại gây ra từ cuộc tấn công này, các đối tượng liên quan sẽ bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự, buộc bồi thường thiệt hại.
"VOV là một cơ quan báo chí quốc gia. Việc các đối tượng kêu gọi tấn công VOV thể hiện sự coi thường pháp luật và coi thường Nhà nước, nhân dân Việt Nam. Cần điều tra xem có mục đích lợi dụng sự kiện này để chống phá Nhà nước hay không và ai là kẻ đứng sau", luật sư Bình nói.
Có thể đối diện mức án cao nhất 12 năm tù
Về mức xử phạt cụ thể, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định, hành vi bẻ khóa, trộm cắp, sử dụng mật khẩu, khóa mật mã và thông tin của tổ chức, cá nhân khác trên môi trường mạng sẽ bị phạt tiền 10-20 triệu đồng. Còn nếu cản trở hoạt động cung cấp dịch vụ của hệ thống thông tin; xâm nhập để sửa đổi, xóa bỏ nội dung thông tin hoặc chiếm quyền điều khiển sẽ bị xử phạt 30-50 triệu đồng.
"Như vậy, ở vụ tấn công VOV, mức xử phạt hành chính hacker có thể phải đối mặt là 50 triệu đồng", luật sư Cường nói.
Dưới góc độ hình sự, cho biết, hành vi tấn công mạng nhằm vào VOV có dấu hiệu của tội Cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy, mạng viễn thông, phương tiện điện tử theo Điều 287 Bộ luật Hình sự 2015.
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)
Tại khoản 3 Điều 287 Bộ luật Hình sự 2015 quy định, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 - 12 năm: Đối với hệ thống dữ liệu thuộc bí mật nhà nước; hệ thống thông tin phục vụ quốc phòng, an ninh...
Điều 287 Bộ luật Hình sự quy định, để thỏa mãn cấu thành tội danh này, người phạm tội phải thu lợi bất chính từ 50 triệu đến dưới 200 triệu đồng; gây thiệt hại từ 100 triệu đến dưới 500 triệu đồng hoặc làm tê liệt, gián đoạn, ngưng trệ hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử từ 30 phút đến dưới 24 giờ, hoặc từ 3 lần đến dưới 10 lần trong thời gian 24 giờ.
Với việc các trang mạng VOV bị ngưng trệ trong 2 ngày 13 và 14/6, hành vi của các hacker có thể đối diện mức án tối đa 12 năm tù.
Trung tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia Tội phạm học (Bộ Công an)
Cần làm rõ động cơ, mục đích
Liên quan đến sự việc này, Trung tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia Tội phạm học (Bộ Công an) cho rằng, VOV là một trong những cơ quan báo chí chính thống, chủ lực của quốc gia, chính vì vậy cần phải mạnh tay xử lý những đối tượng hacker này.
"Đây đương nhiên là hành vi vi phạm pháp luật được quy định trong Bộ luật hình sự", Trung tá Hiếu khẳng định.
Theo ông Hiếu, tấn công DDos là loại tấn công làm nghẽn mạng, hạn chế truy cập. Phương thức tấn công này thường gặp trong thời gian gần đây để tống tiền các đơn vị, doanh nghiệp, khiến họ không thể truy cập vào trang. Khi đó những doanh nghiệp phải trả tiền cho hacker thì mới được gỡ bỏ tấn công. Trong quá trình công tác ông chưa từng gặp phải trường hợp tấn công DDos đối với một cơ quan báo chí chính thống.
“Động cơ và mục đích cần phải được làm rõ khi truy bắt được những đối tượng này. Từ đó chúng ta có những hình thức xử lý thích đáng đối với hành vi vi phạm pháp luật này”, ông Hiếu nêu quan điểm.
Ông Hiếu cũng cho rằng, thời gian qua tình trạng các đối tượng hacker xâm phạm các website của Việt Nam cũng thường diễn ra. Các cơ quan thi hành pháp luật của chúng ta cũng đã tiến hành xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, có dấu hiệu hình sự là xử lý hình sự. Bởi quy định pháp luật hiện hành đã quy định rất rõ về lĩnh vực này", ông Hiếu cho hay.
Trung tá Đào Trung Hiếu cũng cho biết, hoạt động này diễn ra trên không gian mạng, vì vậy để truy tìm những đối tượng này cũng phức tạp và khó khăn hơn bình thường.
"Nếu các đối tượng ở trong nước thì dễ dàng hơn là việc các hacker này ở nước ngoài rồi thực hiện hành vi tấn công vào các website của nước mình", ông Hiếu nói.