Gỡ rối muôn vàn khó khăn trong công tác cứu hộ giao thông |
Tại buổi tọa đàm “Chính sách pháp luật và ứng dụng CNTT trong cứu hộ giao thông” do Báo Giao thông phối hợp với Hội An toàn giao thông tổ chức, đại diện các doanh nghiệp cứu hộ đã nêu ra những bất cập và đặt nhiều câu hỏi liên quan đến hoạt động cứu hộ đường bộ như: xe cứu hộ có phải gắn phù hiệu xe tải, có được lắp đèn vàng ưu tiên?..."Hiện nay có tình trạng xe cứu hộ kéo theo xe được cứu hộ khi qua trạm thu phí vẫn phải trả tiền cho cả 2 xe", ông Phương Văn Vy, đại diện doanh nghiệp cứu hộ Sơn La cho biết.
Phát biểu tại buổi toạ đàm, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch hội An toàn giao thông Việt Nam cũng biết, theo phản ánh có những nơi lực lượng CSGT kiểm tra giấy tờ của cả xe kéo lẫn xe bị kéo (xe gặp sự cố tai nạn). Có nơi CSGT yêu cầu xe cứu hộ phải có phù hiệu xe tải và quy định tải trọng của xe cứu hộ cho phép lưu thông. Nhiều xe cứu hộ vẫn bị kiểm tra tải trọng khi đi qua các trạm cân... Những vấn đề nêu trên đến nay chưa có sự thống nhất, quy định cụ thể, gây khó khăn cho hoạt động cứu hộ.
Từ những vấn đề nêu trên, ông Quyền cho biết, Hội An toàn giao thông đã có 2 văn bản gửi cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Cục CSGT nghiên cứu, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền để giải quyết và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề này. Sau đó, cần đề xuất ban hành thông tư hay bổ sung nội dung này vào thông tư về dịch vụ vận tải. Các quy định, cơ chế chính sách phải tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp làm cứu hộ.
Theo bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam: “Hiện nay, qua rà soát khung pháp lý đối với hoạt động cứu hộ, chúng ta mới căn cứ vào Điều 82 Luật GTĐB, trong đó chỉ có 1 phần là dịch vụ cứu hộ. Đến Thông tư 63, Bộ GTVT mới chỉ có quy định rất chung như: "Dịch vụ cứu hộ vận tải đường bộ phải đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật với Sở Kế hoạch đầu tư; Thực hiện quy trình hoạt động của mình đảm bảo an toàn giao thông, an toàn lao động trong quá trình cứu hộ; Tổ chức cá nhân kinh doanh dịch vụ cứu hộ phải thông báo bằng văn bản đến Sở GTVT mà mình đặt trụ sở và chi nhánh cứu hộ để Sở GTVT biết". Tuy nhiên một loạt các vấn đề liên quan đến tổ chức, quản lý, hoạt động kinh doanh cứu hộ hiện nay vẫn còn nhiều vướng mắc. Sắp tới khi sửa Thông tư 63, với vai trò là cơ quan tham mưu trực tiếp xây dựng dự thảo, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ nghiên cứu bổ sung khung pháp lý đối với hoạt động cứu hộ đường bộ. Chính vì vậy, nếu còn vướng mắc gì, các doanh nghiệp cứu hộ giao thông có thể gửi trực tiếp văn bản đến Hội An toàn giao thông hoặc Tổng cục Đường bộ Việt Nam để các cơ quan có hướng xây dựng văn bản phù hợp với yêu cầu thực tế”.
Xe cứu hộ có phải gắn phù hiệu xe tải khi lưu thông? |
Trả lời câu hỏi, xe cứu hộ có bắt buộc phải có phù hiệu vận tải hay không, bà Hiền cho biết: “Hiện nay đang có sự giao thoa giữa việc thực hiện vận tải hàng hóa và xe cứu hộ. Trong Luật GTĐB đang liệt kê danh mục cứu hộ giao thông là dịch vụ hỗ trợ vận tải, không nằm trong điều kiện kinh doanh vận tải. Trong Thông tư 63 hiện nay, cứu hộ chỉ phải thông báo văn bản đến các cơ quan quản lý mà trực tiếp là Sở GTVT. Vì vậy cần phải có sự làm rõ để các Sở GTVT nhất quán thực hiện".
"Trong thực tế, xe cứu hộ đang thực hiện cứu hộ lại là một loại xe tải. Nếu xét tiêu chuẩn chung thì xe cứu hộ là xe tải. Để làm rõ vấn đề này, khi sửa đổi Thông tư 63, chúng tôi sẽ hướng dẫn để cố gắng tạo điều kiện cho doanh nghiệp cứu hộ. Tuy nhiên, với tất cả các ý kiến đóng góp đã được tiếp nhận, không phải Tổng cục Đường bộ Việt Nam có thể quyết định được tất cả mà phải tham khảo, tổng hợp ý kiến từ nhiều bên như: Bộ GTVT, Bộ Công an,… Những nội dung mang tính chất hướng dẫn, chúng tôi sẽ có văn bản gửi Hội An toàn giao thông để phổ biến đến các thành viên triển khai thực hiện”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận