Những thành công từ sự hợp tác hỗ trợ
Sau ba năm triển khai, dự án hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp trong nước trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ô tô đã đạt được nhiều kết quả đáng kể như tổ chức được các khóa đào tạo về nâng cao hiệu quả công việc cho hơn 60 nhà cung cấp mới.
Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương.
Trong đó, dự án đã hỗ trợ thành công 2 nhà cung cấp đạt tiêu chuẩn 5S mức 3 và từng bước hỗ trợ tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Thông qua các hoạt động hợp tác với Bộ Công thương, Toyota Việt Nam (TMV) cũng đã tuyển dụng được 1 nhà cung cấp và lựa chọn thêm 7 nhà cung cấp tiềm năng.
Hiện, nhà máy Toyota Vĩnh Phúc tăng từ 6 lên 12 nhà cung cấp Việt Nam, nội địa hoá hơn 1.000 linh kiện các loại.
Để có được kết quả trên, khi được chọn tham gia vào dự án, các doanh nghiệp sản xuất phải được sàng lọc, sau đó lập thành danh sách nhà cung cấp tiềm năng về phụ tùng, linh kiện ô tô để kết nối với các nhà sản xuất lắp ráp ô tô tại Việt Nam.
Tiếp đến, các doanh nghiệp sẽ được tổ chức những chuyến thăm thực tế tại nhà máy TMV và nhà cung cấp nội địa của Toyota, tham gia đào tạo theo một số chương trình phát triển nhà cung cấp Việt Nam. Doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô sẽ được hỗ trợ tư vấn, cải tiến theo chiều sâu (nâng cao năng lực cho các nhà cung cấp Việt về 5S, an toàn, quản lý chất lượng) bằng cách cử chuyên gia trực tiếp xuống tận cơ sở để hỗ trợ, hướng dẫn, tư vấn, kiểm tra, đánh giá và đồng hành sát sao hàng ngày, hàng tuần. Qua đó giúp nâng cao hiệu quả hoạt động cải tiến.
Từ năm 2018, TMV đã thành lập riêng một bộ phận chuyên trách với phương châm “Cùng làm việc” để hỗ trợ các nhà cung cấp, ưu tiên các nhà cung cấp Việt Nam. Qua đó nâng cao hiệu suất làm việc, chất lượng sản phẩm, hạ giá thành sản phẩm.
Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương đánh giá: “Các chương trình hợp tác này đã và đang nhận được nhiều phản hồi tích cực từ cộng đồng các doanh nghiệp trong nước và sự hưởng ứng, học tập kinh nghiệm từ các doanh nghiệp quốc tế khác”.
Ông Hải cũng khẳng định việc đẩy mạnh quan hệ hợp tác thông qua biên bản ghi nhớ giữa Bộ Công thương và TMV là một trong những mục tiêu quan trọng và hành động thiết thực nhất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nội địa tăng cơ hội phát triển và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Tiền Quốc Hào, Phó giám đốc điều hành Toyota khu vực châu Á.
Phó giám đốc điều hành Toyota khu vực châu Á, ông Tiền Quốc Hào đánh giá cao những kết quả đạt được và khẳng định định hướng của Toyota toàn cầu về công nghiệp hỗ trợ: “Toyota nhận thức rõ tầm quan trọng của ngành công nghiệp hỗ trợ. Vì vậy, chúng tôi xây dựng mối quan hệ dựa trên nguyên tắc đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế sở tại thông qua tăng cường hoạt động nội địa hóa”. Với định hướng đó, Toyota Việt Nam đã đặt ra mục tiêu hàng đầu là đóng góp tích cực cho sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ ô tô tại Việt Nam.
Ông Phạm Ngọc Sáng, Trưởng ban kỹ thuật mua hàng TMV cho biết, các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam đang đứng trước rất nhiều thách thức, phải cạnh tranh với những tập đoàn lớn không chỉ ngay trong thị trường nội địa mà còn trên thị trường quốc tế. Vì vậy, việc nâng cao năng lực sản xuất cho các nhà cung ứng là điều hết sức cần thiết.
Đại diện Toyota Việt Nam và Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) ký kết biên bản ghi nhớ.
Những điểm mới của dự án năm 2023 - 2026
Năm 2023, TMV và Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) tiếp tục ký kết Biên bản ghi nhớ dự án hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp trong nước trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ô tô nhằm nâng cao năng lực và tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp hỗ trợ trong nước với các nhà lắp ráp ô tô.
“Năm 2022, chúng tôi đã hỗ trợ 4 doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất là công ty Kim sen, Cao su 75, Nhật Minh và Osaka. Với tinh thần cải tiến liên tục, chương trình hỗ trợ năm 2023 có một số điểm mới.
Thứ nhất, Toyota sẽ hợp tác với các doanh nghiệp đã được Toyota hỗ trợ (doanh nghiệp nòng cốt) để tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp trong các năm tiếp theo. Công ty Kim Sen và Cao su 75 đã tham gia hỗ trợ 2 doanh nghiệp trong năm 2023, qua đó nâng số công ty được hỗ trợ trực tiếp lên con số 6.
Thứ hai, ngoài các công ty được lựa chọn chính thức, năm nay chúng tôi cũng lựa chọn thêm một số công ty với vai trò quan sát viên. Các công ty này cũng sẽ được tham gia vào các lớp đào tạo và quan sát quá trình tư vấn của các chuyên gia Toyota, qua đó nâng cao hiệu quả hỗ trợ khi được lựa chọn là công ty nhận hỗ trợ chính thức trong năm tới.
Ngoài ra, phối hợp với Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), chúng tôi cũng đưa thêm tiêu chí có sự cam kết đồng hành chia sẻ sự hỗ trợ tới các doanh nghiệp khác vào quá trình lựa chọn doanh nghiệp hỗ trợ.
Chúng tôi tin rằng với tinh thần cải tiến liên tục, sự hỗ trợ của Toyota sẽ ngày càng lan tỏa góp phần vào sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ nói riêng và ngành công nghiệp ô tô nói chung”, ông Phạm Ngọc Sáng, Trưởng Ban kỹ thuật mua hàng TMV cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận