Chính phủ vừa ban hành quyết định 07/QĐ-TTg phê duyệt "Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030".
Cụ thể, tại điểm c điều 7 quyết định của Thủ tướng yêu cầu: "Thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin giữa doanh nghiệp bảo hiểm nhằm phòng chống gian lận, giải quyết khiếu nại, hỗ trợ và tư vấn pháp lý đồng thời chia sẻ dữ liệu này với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành và dữ liệu quốc gia".
Theo luật sư, chuyên gia bảo hiểm Đỗ Hồng Sơn (Công ty CP tư vấn dịch vụ bảo hiểm Việt Nam - VICS), chiến lược phát triển ngành bảo hiểm đến năm 2030 mà Chính phủ vừa ban hành có điểm đáng lưu ý khi lần đầu tiên đề cập “xây dựng khung thể chế thử nghiệm cho các dịch vụ công nghệ bảo hiểm (InsurTech) theo thông lệ tốt nhất, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển các dịch vụ bảo hiểm số mới”.
Lịch sử tổn thất của người lái và phương tiện sẽ được xây dựng dựa trên việc thực thi yêu cầu chia sẻ dữ liệu trong ngành bảo hiểm. Ảnh minh họa
Theo ông Sơn, công nghệ mới sẽ giúp việc chia sẻ dữ liệu trong ngành bảo hiểm thuận tiện hơn, chỉ nói riêng dữ liệu của mảng bảo hiểm xe cơ giới, hiện nay đang nằm phân tán ở các doanh nghiệp, khiến việc xây dựng lịch sử tổn thất của phương tiện chưa khả thi.
Trong khi trên thế giới, lịch sử tai nạn giao thông (TNGT) của người lái và phương tiện lại là căn cứ quan trọng để tính phí bảo hiểm cho năm kế tiếp, thậm chí người lái xe từng bị cảnh sát phạt nhiều lần sẽ khó mua bảo hiểm, hoặc mức phí sẽ rất cao.
Cơ sở dữ liệu chung giúp tra cứu thông tin liên quan đến tổn thất xe cơ giới để áp dụng chính sách chào phí bảo hiểm phù hợp, đảm bảo công bằng giữa các khách hàng.
Theo ông Nguyễn Khắc Xuân (Công ty TNHH tư vấn dịch vụ bảo hiểm InFair), yêu cầu chia sẻ thông tin giữa các doanh nghiệp bảo hiểm đã được luật hóa, cụ thể tại Điều 11 của Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi (Luật KDBH sửa đổi số 08/2022/QH15) quy định: “Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu về hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm xây dựng, quản lý và vận hành cơ sở dữ liệu về hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhằm phục vụ hoạt động quản lý nhà nước, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm”.
"Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô có trách nhiệm cung cấp thông tin về bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm, đại lý bảo hiểm và thông tin khác có liên quan để xây dựng cơ sở dữ liệu về hoạt động kinh doanh bảo hiểm", trích khoản 2 điều 11 của luật.
Hồi tháng 10/2022, Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam (IAV) cũng đề xuất khởi động lại việc triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu về xe cơ giới có tỷ lệ tổn thất cao (CIC) dùng chung cho toàn ngành bảo hiểm.
Đề xuất này xuất phát từ nguyên nhân tỷ lệ bồi thường xe cơ giới gia tăng mạnh, thực tế nhiều vụ có dấu hiệu gian lận bảo hiểm xe cơ giới.
Theo Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2022 tỷ lệ bồi thường tổn thất xe cơ giới (gồm cả tự nguyện và bắt buộc) chiếm xấp xỉ 40% doanh thu.
Cụ thể, doanh thu bảo hiểm xe cơ giới là 9.367 tỷ đồng, bồi thường 3.732 tỷ đồng, chiếm 39,8% doanh thu trong nửa đầu năm 2022.
Thống kê mới nhất của Bộ Tài chính tại cuộc họp báo ngày 9/1/2023, tỷ lệ bồi thường bảo hiểm bắt buộc TNDS của xe ô tô chiếm gần 25% doanh thu tính đến hết quý ba năm 2022.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận