• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái
Bảo hiểm xe

Bảo hiểm ép chủ xe vào gara liên kết giá “cắt cổ”

26/07/2019, 09:13

Các hãng bảo hiểm thường dùng “quyền phán xử” để ép khách hàng phải vào gara liên kết có mức giá sửa chữa cao hơn từ 15 - 20%.

Gara liên kết của Bảo hiểm BSH tại số 2 Lãng Yên (phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) với cơ sở vật chất nghèo nàn. Ảnh: Lam Anh

Khi một chiếc xe xảy ra tai nạn, chủ xe ô tô thường muốn đưa về các gara chính hãng hoặc quen biết để khắc phục tốt nhất. Tuy nhiên, các hãng bảo hiểm thường dùng “quyền phán xử” để ép khách hàng phải vào gara liên kết có mức giá sửa chữa cao hơn từ 15 - 20%.

Khách hàng bảo hiểm bị ép uổng

Ngày 2/7/2019, chiếc xe Toyota Innova của anh Lê Phi Hằng va chạm với một xe Ford Escape tại đường Rặng Nhãn, quận Tây Hồ, Hà Nội. Giám định viên của Bảo Việt đề nghị đưa xe về gara liên kết để giám định và được báo giá sửa chữa 10,9 triệu đồng. Thấy mức giá quá cao, anh Hằng đề nghị đưa ra gara ngoài thì được báo giá 7 triệu đồng. Sau khi yêu cầu được đưa vào gara ngoài thì nhân viên bảo hiểm cho biết, như vậy sẽ không được bảo lãnh thanh toán, các thủ tục bồi thường sẽ khó khăn hơn. Sau đó để được lấy xe đi lại, anh Hằng đã phải tự bỏ tiền túi ra để thanh toán cho gara trong khi số tiền bồi thường bảo hiểm đến nay vẫn chưa thấy đâu.

Trong vụ tai nạn của xe Audi Q5 mà Báo Giao thông đã từng phản ánh, phía Bảo hiểm BSH Thăng Long cũng tìm mọi cách hướng khách hàng đưa xe về gara liên kết là gara Đức Tùng (số 2 Lãng Yên, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Tại đây, chiếc xe của anh Phan Hữu Linh được báo giá sửa chữa tới 194,7 triệu đồng nhưng tham khảo báo giá của gara Công nghệ Auto (số 2 Nguyễn Khánh Toàn, Hà Nội) về các phần việc tương đương thì chi phí sửa chữa chỉ là 115 triệu đồng. Anh Linh cho biết: “Khi lấy xe từ công an ra, tôi đã yêu cầu bảo hiểm đưa xe về xưởng sửa chữa quen biết thì bị nhân viên BSH từ chối thẳng thừng vì đó không phải là gara liên kết và buộc phải đưa về xưởng liên kết thì mới được bảo lãnh thanh toán”.

“Đối chiếu với điều khoản của hợp đồng bảo hiểm BSH đã ký với khách hàng thì rõ ràng BSH đồng ý để chủ xe lựa chọn cơ sở sửa chữa. Vậy nhưng khi tôi đề xuất đưa ra hãng Audi thì họ một mực từ chối và nói nếu đưa ra hãng hay xưởng dịch vụ của tôi thì họ sẽ không bảo lãnh cho lấy xe và tôi phải tự bỏ tiền đặt cọc vào sửa chữa, sau đó họ mới làm thủ tục hoàn trả chi phí nhưng thời gian sẽ kéo dài rất lâu. Cuối cùng, tôi phải chấp nhận đưa xe về gara liên kết để sửa chữa”, chủ xe Audi Q5 bức xúc.

Thực tế cho thấy, khách hàng phải tham khảo báo giá gara ngoài là bởi trong các vụ tai nạn có chi phí sửa chữa lớn, chủ xe phải chịu tỷ lệ phần trăm chế tài (miễn thường) do bên bảo hiểm ấn định, mức chế tài thường từ 10 - 90% tùy theo vụ việc. Khi đó, khách hàng sẽ phải chia sẻ chi phí cho công việc sửa chữa xe.

Một hình thức buộc khách hàng phải vào gara liên kết khác yêu cầu khách hàng mua phí để được sửa chữa tại gara chính hãng. Như trong bản hướng dẫn bồi thường bảo hiểm vật chất ô tô của Công ty Bảo hiểm Xuân Thành (XTI) quy định, trường hợp khách hàng không đồng ý sửa chữa tại đơn vị sửa chữa do XTI chỉ định, khách hàng sẽ phải chịu phần chi phí tăng thêm và sẽ chịu trách nhiệm thanh toán.

Công ty bảo hiểm có quyền điều hướng khách hàng vào gara liên kết?

Liên quan đến bài viết trên Báo Giao thông phản ánh đơn khiếu nại của anh Phan Hữu Linh, khách hàng mua bảo hiểm của Công ty BSH Thăng Long cho chiếc xe Audi Q5 nhưng bị từ chối bồi thường gần 120 triệu đồng với lý do chiếc xe lắp sai cỡ vành. Làm việc với PV, Giám đốc BSH Thăng Long cho rằng, giấy đăng kiểm là căn cứ quan trọng chứng nhận điều kiện kỹ thuật vận hành của phương tiện tại thời điểm xảy ra sự kiện bảo hiểm.
Tuy nhiên, theo giám đốc một số trung tâm đăng kiểm tại Hà Nội, thông tin cỡ vành ghi trên giấy đăng kiểm chỉ là những thông số cơ bản trong khi thực tế các hãng xe có rất nhiều những lựa chọn cỡ vành khác nhau đã được cơ quan đăng kiểm chấp thuận không thể hiện hết được trên giấy chứng nhận đăng kiểm. Vì thế, các hãng bảo hiểm có thể tham khảo hồ sơ tại cơ quan đăng kiểm.
Thực tế thông tin trên chiếc ô tô Audi Q5 của anh Linh ghi rõ tiêu chuẩn cỡ vành “235/55 R19 101 W” là cỡ vành của chiếc xe khi xảy ra tai nạn.


Theo một chuyên gia bảo hiểm, việc cài vào điều kiện sửa chữa tại gara liên kết, chính hãng hoặc gara tự chọn là điều khoản thừa mà các công ty bảo hiểm vẽ ra để thu thêm phí. Trong quy tắc bảo hiểm của tất cả các công ty bảo hiểm đều không có câu nào quy định công ty bảo hiểm có quyền chỉ định cơ sở sửa chữa.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, hiện nay các công ty bảo hiểm đều xây dựng hệ thống gara liên kết trải dài trên toàn quốc. Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Khắc Xuân, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ hỗ trợ bảo hiểm Infair cho biết: “Khi xe có bảo hiểm vật chất, chủ xe có 3 lựa chọn nơi sửa chữa gồm sửa tại hãng, vào garage liên kết với bảo hiểm, sửa tại gara ngoài tự chọn. Chọn sửa tại gara chính hãng thì chất lượng đảm bảo, hãng báo thế nào công ty bảo hiểm phải chấp nhận giá đó, hoặc tự thỏa thuận với hãng về giá. Chủ xe không phải trả thêm tiền, nhận xe về chạy”.

“Lựa chọn sửa chữa tại gara ngoài có liên kết bảo hiểm, khách hàng cũng không phải trả thêm tiền, nhưng không kiểm soát được chất lượng phụ tùng và thi công. Lựa chọn phương án sửa tại gara tự chọn, chủ xe có thể yên tâm về chất lượng nhưng giám định viên sẽ duyệt giá rất thấp, phần chênh lệch chủ xe phải tự chi trả, dẫn đến tranh cãi giữa khách hàng với giám định viên khá thường xuyên”, ông Xuân cho hay.

Giám đốc một gara ô tô từng liên kết với bảo hiểm tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, gara liên kết thường có giá cao hơn so với gara ngoài bởi nhiều yếu tố, trong đó có thỏa thuận ngầm sẽ có phần trăm trích lại cho bên duyệt mức bồi thường. Phần trăm này nằm trong chi phí sửa chữa xe. “Thực tế, trong các trường hợp đòi bồi thường bảo hiểm, nếu công ty bảo hiểm bảo là gara ngoài không đảm bảo tiêu chuẩn nên chỉ duyệt mức thấp thì khách hàng cũng không làm được gì”, vị này cho biết.

Luật sư Nguyễn Quang Ngọc (VP Luật sư Thiên Việt - Đoàn Luật sư TP Hà Nội) phân tích: “Trong luật không cấm việc bảo hiểm liên kết với gara sửa chữa xe. Tuy nhiên, việc điều hướng khách hàng bằng các điều khoản trong hợp đồng hay việc tạo thuận lợi khi bảo lãnh thanh toán về bản chất chưa phải là tạo thuận lợi cho khách hàng. Các trường hợp bị gây khó khăn chủ xe có quyền lựa chọn khiếu nại hoặc khởi kiện doanh nghiệp bảo hiểm”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.