• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái
360° xe

Hậu trường ra mắt ô tô trên... mạng xã hội

23/06/2020, 09:30

Việc ra mắt xe trực tuyến trên mạng xã hội dù cho là giải pháp tình thế nhưng cũng là một trải nghiệm mới với hãng xe và người quan tâm.

Ông Laurent Genet - Tổng giám đốc Audi Việt Nam trực tiếp giới thiệu 3 mẫu xe mới Audi Q3 - Audi A4 - Audi Q7 trong video phát trên kênh Fanpage của Audi hôm 8/5/2020

Để thích nghi với cuộc sống thời Covid-19, khi các triển lãm lớn nhỏ cũng như mọi sự kiện tập trung đông người bị hủy bỏ, việc ra mắt xe trực tuyến trên mạng xã hội dù cho là giải pháp tình thế nhưng cũng là một trải nghiệm mới không chỉ đối với các hãng xe mà cả những người quan tâm đến xe hơi.

Chuyện chẳng đặng đừng

Mọi việc bắt đầu vào ngày 27/2/2020, một tuần trước khi Triển lãm Ô tô quốc tế Geneva (Geneva Motor Show, dự kiến diễn ra ngày 2 - 15/3/2020) chính thức khai màn, ban tổ chức bất ngờ thông báo, triển lãm ô tô thường niên lớn nhất châu Âu chính thức bị đình hoãn vô thời hạn do dịch Covid-19.

Việc Geneva Motor Show 2020 - một trong 5 triển lãm ô tô lớn nhất thế giới bị hủy khiến nhiều mẫu xe mới không thể trình làng như dự kiến. Những ngày sau đó, giới công nghiệp ô tô toàn cầu liên tiếp được xác nhận từ các quốc gia thông báo đình hoãn mọi cuộc triển lãm ô tô trong hai quý đầu năm, từ Bangkok Motorshow (dự kiến tháng 3), cho đến Triển lãm Ô tô Bắc Kinh (dự kiến tháng 4) - khiến màn ra mắt của hàng chục mẫu xe phải dừng lại hoặc tính đến phương án tự giới thiệu trực tuyến qua mạng.

Theo một thống kê của AutoCar, trong năm 2020 ngành công nghiệp ô tô thế giới dự kiến ra mắt tổng cộng 63 mẫu xe mới, gồm 50 xe động cơ đốt trong và 13 xe điện. Nhưng đến cuối tháng 6, đại dịch Covid-19 đã khiến hơn nửa số xe mới mất cơ hội trình làng. Lúc này ý tưởng ra mắt trực tuyến bắt đầu trở thành một yêu cầu cấp bách đối với các nhà sản xuất bởi một tiền lệ không thể thiếu trước khi bán xe mới ra thị trường phải có một lễ ra mắt xứng tầm.

Tại Việt Nam, tính từ đầu năm đến hết tháng 5/2020, có cả thảy 3 cuộc ra mắt xe đều thuộc về các thương hiệu nước Đức. Đầu tiên là màn ra mắt 6 sản phẩm mới của Mercedes-Benz Việt Nam (MBV) vào ngày 6/3/2020 tại nhà máy MBV ở tỉnh Long An. Thời điểm đó, Việt Nam đã có một số ca nhiễm Covid-19 nhưng chưa có chỉ thị của Chính phủ về giãn cách xã hội nên đây là lễ ra mắt chính thức cuối cùng cho đến thời điểm này.

Sau đó ngày 22/4/2020, ngày cuối cùng thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16, màn ra mắt xe hơi trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam là cuộc đổ bộ của 10 mẫu xe BMW do THACO phân phối.

Đối với giới phóng viên, do đây là lần đầu tiên theo dõi ra mắt xe qua mạng nên tâm trạng vừa tò mò xen lẫn tiếc nuối vì không thể tận mắt chứng kiến và ghi lại những khoảnh khắc “đầu tiên” của những mẫu xe mới nhất. Nhiều phóng viên đã phải túc trực trước giờ ra mắt để tìm link theo dõi qua mạng. Theo nhận xét của giới phóng viên, ra mắt xe trực tuyến như vậy không “đã mắt” như theo dõi trực tiếp nhưng cũng là một trải nghiệm khó quên.

Sau đó đúng nửa tháng, thương hiệu ô tô Đức thứ ba là Audi thực hiện màn ra mắt trực tuyến 3 mẫu xe mới gồm: Audi Q3 - Audi A4 - Audi Q7. Điểm mới tại sự kiện này là màn giới thiệu trực tiếp của ông Laurent Genet, Tổng giám đốc Audi Việt Nam.

Chia sẻ với Báo Giao thông về quyết định ra mắt trực tuyến 3 mẫu xe Audi mới, ông Laurent Genet cho hay: “Các triển lãm hàng đầu thế giới đã bị hủy bỏ, buộc chúng tôi phải thay đổi để thích nghi. Vì vậy, Tập đoàn Audi AG tại Đức đã phải ra mắt trực tuyến trên toàn thế giới mẫu Audi A3 mới. Các khóa đào tạo cũng phải tiến hành trực tuyến bởi lệnh hạn chế đi lại. 35.000 nhân viên kinh doanh và dịch vụ trên 90 quốc gia phải sử dụng các công nghệ thực tế ảo để tập huấn về xe. Các định dạng đào tạo gồm nhiều hình thức từ đào tạo dựa trên web, hướng dẫn bằng video và trò chuyện trực tuyến, đến tăng cường đào tạo bằng công nghệ thực tế ảo”.

Để một buổi ra mắt trở nên đáng nhớ và có tác động mạnh mẽ, Audi Việt Nam phải tìm cách tạo nên những điều mới mẻ. Ví dụ như họ đã từng ra mắt Audi Q5 trên sông Sài Gòn hay Audi A8L đi ra từ một bể bơi trong khách sạn Tajmasago, một chiếc trực thăng hạ cánh tại buổi ra mắt Audi A7 Sportback, ra mắt Audi A4 với các chương trình biểu diễn trong 3 ngày liên tiếp tại một sân vận động ở Hà Nội.

Tiết kiệm nhưng hiệu quả khó đo đếm

Chia sẻ về lý do lựa chọn mạng xã hội để trình làng xe mới, vị Tổng giám đốc Audi Việt Nam cho hay, sử dụng mạng xã hội là cách tốt nhất để giao tiếp với khách hàng, chia sẻ sự đồng cảm bởi “chúng ta đều đang phải đối mặt với những thời khắc khó khăn”.

Theo ông Laurent Genet, dù video được quay sẵn và phát lại vào ngày giờ ấn định lễ ra mắt xe, nhưng bất kỳ sự kiện nào của Audi đều có sự chuẩn bị kỹ càng từ công tác hậu cần, âm thanh, ánh sáng. Là người trực tiếp giới thiệu sản phẩm, ông Laurent Genet cho hay, thông điệp gửi tới khách hàng cần rõ ràng, phản ánh đúng giá trị thương hiệu và định vị sản phẩm trong thị trường. Thiết kế, dàn dựng và lắp đặt sân khấu phản ánh được thông điệp và tất cả đều được tổng duyệt trước khi ghi hình, sau đó phần hậu kỳ chỉnh sửa âm thanh hình ảnh cũng được xem xét lại một cách kỹ lưỡng, công phu và cầu kỳ như làm một bộ phim tài liệu.


Rủi ro của việc ra mắt trực tuyến là kết quả cuối cùng sẽ thiếu chuyên nghiệp nếu không có sự đầu tư đầy đủ vào quy trình quay video, người thuyết trình thiếu kinh nghiệm. Tuy nhiên, lợi ích về chi phí thì rõ ràng là tiết kiệm hơn hẳn so với một sự kiện truyền thống vốn phải di chuyển con người và vận chuyển thiết bị. Đơn cử, chỉ tính riêng chi phí cho công tác nhân lực, việc ra mắt trực tuyến chi phí rẻ hơn hẳn.

“Video lễ ra mắt của Audi hôm 8/5 vừa rồi đạt hơn 1,15 triệu lượt tiếp cận chỉ trong một tuần, các kết quả tương tác trên các kênh của Audi Việt Nam đều khá ngoạn mục. Lượt xem rõ ràng cho thấy sự quan tâm của người xem tới hoạt động trực tuyến. Song song với đó, chúng tôi cũng trang trí các đại lý Audi Đà Nẵng, Hà Nội và TP HCM với những hình ảnh đẹp bao phủ hoàn toàn mặt tiền nhằm quảng bá cho các sản phẩm mới. Audi Q3, A4 và Q7 đang được trưng bày ở tất cả các đại lý và có sẵn để trải nghiệm. Các khách hàng đã bắt đầu đặt cọc và chúng tôi cũng đã bàn giao tới tay khách hàng những chiếc Q3-Q7 mới đầu tiên”, ông Laurent Genet nói.

Điều gây bất ngờ nhất không chỉ tại Việt Nam mà cả những màn ra mắt xe trực tuyến trên thế giới đều được hãng xe sản xuất video trước đó rồi phát trực tiếp.

Chính vì vậy, sự hấp dẫn và yếu tố “nóng hổi” của các màn ra mắt xe không còn. Đến nay ngoài việc thống kê những con số về lượt theo dõi sự kiện hay bình luận của độc giả thì có lẽ cũng chưa hãng xe nào có thể đo đếm được hiệu quả thực sự của những màn ra mắt xe trực tuyến.

Vì vậy, khi mọi thứ trở về trạng thái bình thường mới, những màn ra mắt xe trực tuyến cũng sẽ chỉ được coi là một kỷ niệm góp thêm trong chuỗi ký ức không thể nào quên về những ngày đại dịch.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.