Hồ sơ tài liệu

"Át chủ bài" của Nga trong cuộc chiến với Ukraine

16/02/2024, 10:37

Để Nga tiếp tục chiếm thế thượng phong trong cuộc chiến với Ukraine cũng như duy trì đà tăng trưởng kinh tế trong nước bất chấp áp lực trừng phạt bủa vây, phải kể đến bệ đỡ quan trọng bậc nhất là công nghiệp quốc phòng.

Vừa phục vụ chiến sự, vừa nâng cao kinh tế

Theo báo Guardian, trong khi Ukraine đang vật lộn tìm kiếm nguồn cung cấp vũ khí, trang thiết bị quân sự trong bối cảnh cuộc chiến tranh với Nga đã bước sang năm thứ 3 thì đối thủ của họ lại không gặp nhiều khó khăn trong lĩnh vực này nhờ sự chủ động tăng cường sản xuất với quy mô cực lớn của nền công nghiệp quốc phòng.

Guardian dẫn số liệu của nhiều quan chức hoạch định chính sách quốc phòng phương Tây cho thấy, chi tiêu quốc phòng của Nga đã tăng lên mức 7,5% GDP của Nga kể từ thời điểm Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt đối với Ukraine hồi tháng 2/2022.

img

Tổng thống Nga Putin thăm nhà máy quốc phòng Uralvagonzavod (Ảnh: Sputnik).

Bên cạnh đó, việc điều chỉnh lại chuỗi cung ứng cho nền công nghiệp quốc phòng cũng đã giúp Nga duy trì được nguồn cung đầu vào, tránh được các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây trong khi tiếp tục đẩy mạnh sản lượng sản xuất vũ khí, trang thiết bị quân sự lên gấp đôi so với trước đó.

Theo một phân tích về số liệu lao động của tờ Moscow Times hồi tháng 11/2023, công nghiệp quốc phòng giờ đã trở thành trung tâm trong nền kinh tế Nga. Tổng thống Nga Putin tháng 2 này cho biết, chỉ riêng ngành này đã tạo ra thêm 520.000 việc làm nâng tổng số người làm việc trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng ở Nga lên con số 3,5 triệu người chiếm 2,5% dân số nước này. Hơn thế nữa, những người làm việc trong ngành công nghiệp quốc phòng còn kiếm được nhiều tiền hơn cả luật sư hay những nhà quản lý trong các lĩnh vực có thu nhập rất cao khác.

Phát biểu trong chuyến thăm nhà máy sản xuất xe tăng chiến đấu chủ lực lớn nhất tại Nga Uralvagonzavod và cũng là nhà máy đầu tiên hoạt động 24/7 để đáp ứng nhu cầu về trang thiết bị quân sự cho đất nước, Tổng thống Nga Vladimir Putin cam kết sẽ tiếp tục đầu tư tài chính nhằm đào tạo thêm 1.500 lao động có chất lượng cho nhà máy.

Những động thái tập trung đẩy mạnh đầu tư cho ngành công nghiệp quốc phòng của Nga đã khiến các nhà hoạch định chính sách quốc phòng phương Tây bày tỏ quan ngại và lên tiếng chỉ trích NATO đã đánh giá quá thấp năng lực của Nga trong việc duy trì một cuộc chiến dài hạn.

Ông Mark Riisik, Phó Giám đốc Cơ quan Hoạch định Chính sách thuộc Bộ Quốc phòng Estonia nhận định: “Chúng ta vẫn chưa nhận thấy sự đứt gãy của Nga. Về cơ bản, Nga đầu tư tới 1/3 ngân sách cho sản xuất quốc phòng và cho xung đột với Ukraine… nhưng lại không có ảnh hưởng gì đến xã hội. Chính vì thế sẽ rất khó để nói khi nào điều này sẽ chấm dứt”.

Ông Mark Riisik cũng chỉ rõ một trong những chỉ số rất đáng quan tâm của Nga chính là khả năng sản xuất đạn pháo được cho là có thể duy trì ở mức 2,5-5 triệu viên/năm và thậm chí có thể tăng lên mức 4 triệu viên trong một vài năm tới. “Đây thực sự là mức cực cao”, ông Riisik nhận định.

"Con bài" phương Tây không ngờ tới

Một thay đổi khác được đánh giá là khá tích cực khi chính quyền của Tổng thống Nga Putin quyết định đẩy mạnh đầu tư cho công nghiệp quốc phòng với gần 6.000 nhà máy trên khắp đất nước chính là khả năng sinh lời từ những nhà máy này. Đây là một khác biệt rất rõ rệt vì nếu nhìn lại trước năm 2022, những nhà máy này hiếm khi hoạt động hiệu quả.

Ông Richard Connolly, chuyên gia về quân sự và kinh tế Nga tại Viện Hoàng gia Anh, đã gọi việc Nga đầu tư mạnh mẽ cho nền công nghiệp quốc phòng là kiểu “Kinh tế Kalashnikov” – đặt theo tên nhà phát minh vũ khí huyền thoại Mikhail Kalashnikov [ND] và đánh giá cao hình thái kinh tế “đơn giản nhưng ổn định lâu dài, phù hợp với những nền kinh tế quy mô lớn trong thời gian xảy ra xung đột”.

img

Bên trong một nhà máy quốc phòng của Nga ở Ekaterinburg (Ảnh: EPA).

“Người Nga đã đầu tư cho hình thái kinh tế này suốt nhiều năm, họ thậm chí còn hỗ trợ rất nhiều cho nền công nghiệp quốc phòng. Nhiều người có thể cho rằng họ đang ném tiền qua cửa sổ chỉ để phục vụ mục tiêu một ngày nào đó có thể mở rộng quy mô của nền công nghiệp quốc phòng này. Trước năm 2022 có thể coi điều này là không hiệu quả về mặt kinh tế nhưng đột nhiên sau đó mọi thứ thay đổi chóng mặt” - ông Connolly nói.

Sự tăng trưởng của nền công nghiệp quốc phòng Nga là hoàn toàn tương phản với phương Tây, đặc biệt là các quốc gia châu Âu nơi các nhà sản xuất vũ khí tập trung vào việc tinh gọn quá trình vận hành nhằm tối đa hóa lợi nhuận cho các nhà đầu tư, đặc biệt là với những loại vũ khí phức tạp như tên lửa.

“Cuộc chiến với Ukraine đã mang đến sự thịnh vượng chưa từng có cho những người nghèo được hưởng lợi từ chi tiêu của Chính phủ cho ngành công nghiệp quốc phòng”.
Ông Denis Volkov, Giám đốc Trung tâm Levada nhận định

Đây cũng là một trong những loại vũ khí mà phương Tây đặc biệt áp đặt các lệnh trừng phạt nghiêm khắc nhằm vào Nga để gây khó dễ cho nước này trong quá trình sản xuất. Tuy nhiên, điều này cũng không thể ngăn được Nga tiếp tục cung cấp tên lửa đạn đạo Iskander và tên lửa hành trình Kh-101 ra chiến trường.

Từ đầu năm 2023, Nga cũng đã bàn giao nhiều nhà máy quốc phòng cho Tập đoàn Rostec để đồng bộ và hiện đại hóa quá trình sản xuất các loại trang thiết bị, vũ khí, khí tài quân sự. Các công nhân làm việc trrong các nhà máy quốc phòng ở Nga cũng nhận được nguồn thu nhập gia tăng đáng kể. Cụ thể, mức lương của công nhân ở nhà máy sản xuất thuốc súng ở Kazan từ tháng 12/2023 đến nay đã tăng gấp 3 từ 25.000 Rubles lên 90.000 Rubles/tháng.

Khoản thu nhập này được cho là đã thay đổi đáng kể đời sống của người dân Nga. “Những người lao động tại các nhà máy quốc phòng và gia đình của những người lính tham gia chiến đấu tại Ukraine có thêm tiền để chi tiêu. Thu nhập của họ cũng tăng lên đáng kể” - ông Denis Volkov, Giám đốc Trung tâm Levada nhận định.

Trong khi Nga đang hưởng lợi rất nhiều từ việc mở rộng quy mô, tần suất hoạt động của các nhà máy quốc phòng nhằm cung cấp các trang thiết bị quân sự cho cuộc chiến với Ukraine thì ở chiều ngược lại, Ukraine đang gặp rất nhiều khó khăn khi chính quyền nhiều quốc gia phương Tây không còn mặn mà với việc viện trợ cho Ukraine.

Thượng viện Mỹ dù đã thông qua thông qua gói viện trợ trị giá 60 tỷ USD hỗ trợ về mặt quân sự và các nhu cầu thiết yếu khác của Ukraine nhưng gói viện trợ này rất có thể vẫn không đến tay Ukraine do Hạ viện Mỹ hoàn toàn có thể bác dự luật này.

Bản thân Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng lên tiếng kêu gọi Đảng Cộng hòa đang nắm ưu thế tại Hạ viện Mỹ cần ngăn chặn dự luật nói trên. Theo ông Trump, việc thông qua dự luật trên sẽ là “món quà cho đảng Dân chủ và lời trăn trối của đảng Cộng hòa” và cáo buộc đảng Dân chủ đang tìm cách đẩy trách nhiệm về vấn đề Ukraine sang phe Cộng hòa.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.