Xã hội

Báo chí ASEAN chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số, phụng sự xã hội

07/12/2023, 21:27

Đại diện các hiệp hội báo chí truyền thông và các nhà báo giàu kinh nghiệm của các nước khu vực ASEAN chia sẻ kinh nghiệm về công cuộc chuyển đổi số, phụng sự xã hội tại hội thảo diễn ra tại Hà Nội.

Ngày 7/12, tại Hà Nội, Hội thảo báo chí quốc tế “Quản trị tòa soạn báo chí số: Lý luận, thực tiễn, kinh nghiệm tại khu vực ASEAN” do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, với sự tham dự của 7 đoàn đại biểu quốc tế đến từ Liên đoàn các nhà báo ASEAN, gồm: Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, Singapore; các cơ quan quản lý báo chí, cơ quan báo chí, cơ sở đào tạo báo chí tại Việt Nam.

Báo chí ASEAN chuyển đổi số, tìm hướng đi mới - Ảnh 1.

Quang cảnh Hội thảo báo chí quốc tế “Quản trị tòa soạn báo chí số: Lý luận, thực tiễn, kinh nghiệm tại khu vực ASEAN”.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng báo chí số thúc đẩy tương tác xã hội mạnh mẽ: Tương tác giữa các tờ báo với nhau, giữa tờ báo với công chúng, giữa tờ báo với mạng xã hội, giữa công chúng với nhau, giữa công chúng với cơ quan chức năng, giữa cơ quan báo chí với các cơ quan hoạch định và điều hành chính sách…

Báo chí số tạo siêu dữ liệu thông tin trên môi trường mạng, kết nối và huy động công chúng cùng giải quyết các vấn đề xã hội ở phạm vi cộng đồng, quốc gia, quốc tế… Cùng với đó, chuyển đổi số cũng mang lại những thách thức không nhỏ, mà lớn nhất là sự cạnh tranh quyết liệt của mạng xã hội với đặc điểm dễ tiếp cận, dễ chia sẻ, thông tin nhanh nhạy, đa dạng…

Ngày nay, trong bối cảnh chuyển đổi số toàn diện xã hội, ngành truyền thông không thể đứng ngoài cuộc. Việc chuyển đổi số của các phương tiện truyền thông không chỉ đơn thuần là vấn đề sống còn; nó là điều cần thiết cho sức sống của ngành. Thói quen tiêu dùng của người dùng phương tiện truyền thông cũng như quá trình sáng tạo và phổ biến nội dung đã trải qua một sự chuyển đổi nhanh chóng và chưa từng có.

Báo chí ASEAN chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số, phụng sự xã hội - Ảnh 2.

Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi phát biểu đề dẫn tại hội thảo.

Một thế hệ người tiêu dùng mới trong kỷ nguyên số đã đặt ra tốc độ thích ứng và mọi thứ đều sẵn sàng: Thị phần, quảng cáo, mô hình kinh doanh, sở hữu trí tuệ, phương pháp kể chuyện, nhưng quan trọng nhất là khả năng thông tin, giáo dục, trao quyền cho người dân, bảo tồn và truyền lại di sản của chúng ta cho các thế hệ tương lai.

Báo chí ASEAN chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số, phụng sự xã hội - Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho biết, Việt Nam hiện có hơn 800 cơ quan thông tấn, báo chí, với gần 1 triệu bài báo được sản xuất hằng ngày. Số lượng lớn các cơ quan thông tấn, báo chí và các bài báo tạo ra một kho thông tin khổng lồ. Bằng cách áp dụng các công cụ và kỹ thuật phân tích dữ liệu, chúng ta có thể xác định các xu hướng, mối tương quan và hiểu biết quan trọng từ nguồn này.

Doanh thu truyền thông đạt gần 4 tỷ USD cho thấy sự tăng trưởng và tiềm năng của ngành truyền thông trong việc tạo ra giá trị kinh tế. Tuy nhiên, doanh thu quảng cáo đang chảy vào các nền tảng xuyên biên giới và dữ liệu đang được các nền tảng này thu thập, sở hữu. Các cơ quan báo chí và truyền thông trong nước mất nguồn thu từ quảng cáo, phụ thuộc vào các công cụ phân tích, đánh giá dữ liệu của các nền tảng này.

Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, các phương tiện truyền thông nói chung và các cơ quan thông tấn, báo chí nói riêng cần phải ghi nhớ sứ mệnh cao cả của mình, thông tin phải được cung cấp chính xác và phân tích có ý nghĩa, bảo vệ người dân khỏi các tin tức giả và thông tin sai lệch.

Ông Lâm cho rằng, chuyển đổi số trong truyền thông thực chất là việc ứng dụng công nghệ ngày càng hiện đại vào hoạt động báo chí, làm phong phú thêm hệ sinh thái truyền thông số với những tính năng mới, ưu việt, giúp nâng cao chất lượng và hiệu quả truyền thông tới người tiêu dùng thông tin. 

Việc các nước ASEAN cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm và hiểu biết về chiến lược, cách làm hay trong việc thúc đẩy và định hướng các cơ quan báo chí truyền thông trong nước chuyển đổi số một cách bền vững là rất cần thiết.

Báo chí ASEAN chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số, phụng sự xã hội - Ảnh 4.

Đoàn chủ tọa phiên thảo luận Lý luận chung về quản trị tòa soạn số.

Tham dự Hội thảo, các nhà quản lý báo chí, đại diện các hiệp hội báo chí truyền thông và các nhà báo giàu kinh nghiệm của các nước khu vực ASEAN chia sẻ kinh nghiệm về công cuộc chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí của thành viên trong Liên đoàn báo chí ASEAN; về chính sách, giải pháp của các nước trong việc hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số báo chí, truyền thông; về những mô hình thành công của chuyển đổi số báo chí, truyền thông...

Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự đoàn kết, ông Atal S Depari - Chủ tịch Liên đoàn báo chí ASEAN chia sẻ: "Trong dịp đặc biệt này, tại Hội thảo báo chí quốc tế được tổ chức bởi các đồng nghiệp từ Hội Nhà báo Việt Nam, tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đoàn kết, hợp tác và mối liên kết mạnh mẽ trong cộng đồng báo chí ASEAN, đặc biệt là khi đối mặt với những thách thức nảy sinh trong thời đại công nghệ số".

Theo ông Atal S Depari, công nghệ số đã cách mạng hóa việc phổ biến và tiêu thụ thông tin. Ngày nay, điều quan trọng hơn bao giờ hết là những nhà báo phải hợp nhất lại. Sự đoàn kết sẽ khuyến khích trao đổi ý kiến, chiến lược và thực hành tốt nhất trong nền báo chí. 

"Điều này không chỉ là về việc đưa tin. Đó còn là giữ vững đạo đức nghề báo, sự thật và tính chính trực trong mỗi bài báo. Sự đoàn kết này giúp báo chí đối mặt với tình trạng tin giả, thao túng thông tin và những thách thức khác đang hiện diện rộng rãi trong thế giới số", ông nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.