Thế giới

Bất chấp vụ nổ tàu Titan, vẫn có công ty muốn tổ chức thám hiểm tàu Titanic

01/09/2023, 20:00

Chính phủ Mỹ đang ngăn cản một công ty có kế hoạch tổ chức chuyến thám hiểm, thu thập cổ vật từ xác tàu Titanic vào năm 2024.

Nổ ra tranh cãi ngay sau vụ nổ tàu thám hiểm Titan

Theo hãng tin AP,  công ty RMS Titanic Inc có trụ sở tại bang Georgia, Mỹ - đơn vị sở hữu quyền khai thác, thu thập cổ vật từ xác tàu Titanic - đã lên kế hoạch thực hiện chuyến thám hiểm vào tháng 5/2024. 

Công ty này từng tổ chức triển lãm trưng bày cổ vật thu thập từ xác tàu Titanic dưới đáy Bắc Đại Tây Dương, từ một số đồ dùng bằng bạc cho tới một mảnh vỏ thân tàu.

Chính phủ Mỹ và công ty RMST đang tranh cãi về pháp lý tại tòa án quận Norfolk, bang Virginia - nơi giám sát các vấn đề về trục vớt cổ vật từ xác tàu Titanic. 

Chính phủ Mỹ đang tìm cách ngăn chuyến thám hiểm, trục vớt cổ vật từ xác tàu Titanic - Ảnh 1.

Xác tàu Titanic dưới đáy Bắc Đại Tây Dương (Ảnh: Getty).

Cuộc chiến pháp lý giữa Chính phủ Mỹ và công ty RMST diễn ra hơn hai tháng sau vụ tàu lặn Titan phát nổ trong chuyến tham quan xác tàu Titanic, khiến 5 người thiệt mạng. Tuy nhiên, vụ việc không liên quan tới thảm kịch tàu Titan.

Chính phủ Mỹ viện dẫn luật liên bang và thỏa thuận quốc tế giữa Mỹ và Vương quốc Anh về việc coi xác tàu Titanic là khu tưởng niệm hơn 1.500 người thiệt mạng khi tàu Titanic bị đắm trong chuyến hải trình đầu tiên với lịch trình từ Southampton, Anh tới New York vào năm 1912.

Phía Chính phủ Mỹ lập luận, trong luật liên bang và thỏa thuận giữa Mỹ với Vương quốc Anh, có quy định về việc xâm nhập vào thân tàu Titanic, thực hiện thay đổi tại khu vực xác tàu.

Ngoài ra, Chính phủ Mỹ còn quan ngại hoạt động thám hiểm có thể gây xáo trộn cổ vật, thậm chí cả những thi thể vẫn nằm lại trong xác tàu.

Công ty Mỹ muốn thu thập cổ vật bên trong xác tàu Titanic

Về phía RMST, công ty cho biết có kế hoạch chụp ảnh toàn bộ xác tàu Titanic, thu thập cổ vật từ khu vực mảnh vỡ xung quanh xác tàu và “có thể thu thập những vật thể bên trong xác tàu”. 

Những vật thể này bao gồm vật dụng bên trong phòng Marconi - nơi đặt máy điện tín không dây Marconi, truyền tín hiệu khẩn cấp từ tàu Titanic khi tàu va phải tảng băng trôi. Tin nhắn bằng mã Morse đã được các tàu khác và các trạm nhận tín hiệu trên đất liền bắt được, qua đó giúp cứu sống 700 người rời khỏi tàu Titanic bằng xuồng cứu sinh.

Tuy nhiên, công ty RMST khẳng định sẽ chỉ thu thập những vật thể bên trong xác tàu nếu những cổ vật này không gắn chặt vào xác tàu. “Công ty không có ý định khoan cắt xác tàu hoặc tách rời các bộ phận”, RMST cho biết.

Công ty RMST cũng cho biết sẽ phối hợp với Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) - cơ quan đại diện cho lợi ích của cộng đồng liên quan tới việc trục vớt cổ vật từ xác tàu Titanic. Tuy vậy, công ty khẳng định không có ý định xin giấy phép.

Các luật sư của Chính phủ Mỹ cho rằng RMST không thể thực hiện chuyến thám hiểm và trục vớt nếu chưa xin được xin giấy phép và chưa được Bộ trưởng Thương mại Mỹ - quan chức giám sát NOAA đồng ý. 

Trước đó, RMST từng tranh cãi tính hợp hiến khi Chính phủ Mỹ định hủy bỏ quyền trục vớt cổ vật từ xác tàu Titanic của công ty này tại vùng biển quốc tế. RMST cho rằng chỉ tòa án tại Norfolk mới có quyền xét xử.

Năm 2020, Chính phủ Mỹ và RMST từng vướng phải tranh cãi pháp lý tương tự liên quan kế hoạch thám hiểm của công ty bao gồm hoạt động khoan cắt vào xác tàu. Tuy nhiên, chuyến đi đã bị hoãn lại do ảnh hưởng của dịch Covid-19. 


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.