Thế giới giao thông

Bất ổn trên Biển Đỏ khiến các doanh nghiệp Trung Quốc lao đao

21/01/2024, 10:40

Các cuộc tấn công tàu thuyền tại Biển Đỏ khiến nhiều nhà xuất khẩu tại Trung Quốc gặp khó khăn khi quá trình vận chuyển hàng hóa bị chậm trễ, chi phí tăng cao.

Chi phí vận chuyển tăng gấp đôi

Đối với doanh nhân Trung Quốc Han Changming, việc hoạt động vận chuyển hàng hóa qua Biển Đỏ bị gián đoạn đang đe dọa công ty thương mại Fuzhou Han Changming International Trade Co Ltd, do ông thành lập vào năm 2016 tại tỉnh Phúc Kiến, miền đông Trung Quốc.

Công ty của ông Han xuất khẩu ô tô do Trung Quốc sản xuất sang châu Phi đồng thời nhập khẩu xe địa hình từ châu Âu. Ông Han cho hay chi phí vận chuyển một container tới châu Âu hiện đã tăng tới mức 7.000 USD so với mức phí 3.000 USD vào tháng 12/2023 sau khi nhóm vũ trang Houthi tại Yemen đẩy mạnh các cuộc tấn công nhằm vào tàu thuyền thương mại tại Biển Đỏ. Dù vậy, doanh nhân này cho hay thời gian vận chuyển một số đơn hàng đã bị hoãn tới vài tuần.

Ngoài ra, theo ông Han, phí bảo hiểm vận tải cũng tăng cao. Những yếu tố trên ảnh hưởng rất lớn tới lợi nhuận của doanh nghiệp. Do đó, ông Han đã đề nghị khách hàng, các nhà cung cấp hỗ trợ một phần chi phí bị đội lên để giúp doanh nghiệp tiếp tục hoạt động.

Các cuộc tấn công tàu thuyền ở Biển Đỏ khiến nhiều doanh nghiệp Trung Quốc lao đao- Ảnh 1.

Ảnh minh họa cảng biển nước sâu Dương Sơn, Thượng Hải, Trung Quốc.

Một số công ty như BDI Furniture có trụ sở tại Mỹ thông báo sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào cơ sở sản xuất tại những địa điểm khác như Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của tình trạng gián đoạn hoạt động vận chuyển hàng hóa qua Biển Đỏ.

Hãng tin Reuters nhận định lĩnh vực chế tạo sản xuất của Trung Quốc có thể bị đe dọa nếu các công ty khác cũng theo sau BDI Furniture và chuyển địa điểm sản xuất.

Ông Marco Castelli, nhà sáng lập IC Trade (công ty xuất khẩu bộ phận máy móc cơ khí do Trung Quốc sản xuất sang châu Âu) nhận định: “Nếu tình trạng gián đoạn tại Biển Đỏ kéo dài, toàn bộ cơ chế sẽ phải điều chỉnh. Một số công ty có thể sẽ cân nhắc chuyển hoạt động sản xuất sang Ấn Độ bởi thời gian vận chuyển hàng hóa từ quốc gia này sang châu Âu ngắn hơn một tuần so với từ Trung Quốc”.

Theo hãng tin Reuters, tình trạng gián đoạn hoạt động vận tải hàng hóa ở Biển Đỏ diễn ra đúng vào đỉnh điểm vận chuyển hàng hóa phục vụ tết Nguyên đán 2024 vào tháng 2.

Thời điểm đó, hầu như toàn bộ công ty tại Trung Quốc đều đóng cửa và các doanh nghiệp gặp rất nhiều áp lực về vận chuyển hàng hóa kịp thời trong những tuần trước kỳ nghỉ lễ.

Theo hãng tin Reuters, việc chuyển hướng tàu thuyền tránh khỏi Biển Đỏ (tức tuyến đường biển ngắn nhất từ châu Á sang châu Âu, đi qua kênh đào Suez) và thay vào đó, di chuyển qua mũi Hảo Vọng có thể khiến thời gian vận chuyển kéo dài thêm hai tuần. Việc này có thể dẫn tới chậm trễ vận chuyển những loại hàng hóa dự kiến sẽ được bày bán trên các kệ hàng ở phương Tây vào tháng 4 hoặc tháng 5.

Theo tổ chức Middle East Institute, kênh đào Suez là tuyến vận tải chính hàng hóa của Trung Quốc sang phương Tây, chiếm tới 60% lượng hàng hóa xuất khẩu của Bắc Kinh sang châu Âu.

Nguy cơ nhiều công ty phá sản

Ông Yang Bingben, chủ doanh nghiệp sản xuất van sử dụng trong công nghiệp tại thành phố Ôn Châu, miền đông Trung Quốc cho biết mới đây, một khách hàng tại Thượng Hải đã giảm số lượng van trong đơn hàng từ 75 xuống còn 15 chiếc với lý do chi phí vận chuyển hàng hóa tăng cao. Những chiếc van trong đơn hàng này sẽ được lắp ráp vào máy móc cỡ lớn rồi vận chuyển ra nước ngoài.

Ông Yang cho hay, sự thay đổi này là rất lớn vì công ty ông đã chuẩn bị sẵn vật liệu thô và không thể trả lại số vật liệu do đã được gia công.

Ông Yang đang phải cân nhắc số lượng lao động công ty của ông có nhu cầu thuê trong năm nay. Dù vậy, doanh nhân này vẫn lo ngại không thể đảm bảo mức lương đủ sống công nhân vì lương được tính theo năng suất.

Ông Gerhard Flatz, Giám đốc điều hành hãng sản xuất đồ thể thao KTC tại thành phố Đông Hoản, thậm chí còn cho rằng các công ty vốn đang gặp khó khăn với lợi nhuận thấp nay lại đối mặt thách thức chồng chất vì cuộc khủng hoảng logistics do đó có thể không tránh khỏi kết cục phải đóng cửa.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.