Tài chính

Bi kịch nợ nần, mất nhà cửa từ tàu vỏ thép 67

12/04/2022, 07:06

Liên tục đánh bắt thua lỗ, ngư dân bỏ hoang tàu thép gỉ sét ở các cảng biển Bình Định, Quảng Ngãi. Nhiều chủ tàu nợ nần hàng chục tỷ đồng...

Nước mắt chủ tàu 67

Nhiều ngày qua, ông Phạm Trí Thức ở thôn An Kỳ (xã Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi) chỉ biết ngồi bần thần giữa nhà, chẳng muốn đi đâu.

Mới đây, con tàu vỏ thép trị giá 16,6 tỷ đồng của ông từ nguồn vay ngân hàng đã bị bán đấu giá với số tiền 1,6 tỷ đồng do không trả được nợ.

img

Tàu vỏ thép NĐ-67 của ngư dân Nguyễn Văn Lý (huyện Phù Mỹ, Bình Định) hư hỏng phải nằm bờ suốt nhiều năm

Giữa tháng 3 vừa qua, ông Thức nhận được thông báo cưỡng chế của Chi cục Thi hành án dân sự TP Quảng Ngãi sẽ kê biên ngôi nhà 122m2 cả gia đình ông đang ở để tiếp tục trả nợ cho tàu vỏ thép.

Khối tài sản hàng chục tỷ đồng khi thanh lý, đấu giá chỉ còn 10-15% so với giá trị ban đầu khiến ngư dân điêu đứng. Còn ngành chức năng loay hoay giải quyết hệ quả này. Khi thi hành án, đơn vị gặp khó vì tàu vỏ sắt khó bán, giá thấp hơn nhiều so với giá trị ban đầu, nhưng vẫn không có người mua. Điều này khiến các án dân sự liên quan đến tàu theo Nghị định 67 bị kéo dài.

Ông Võ Văn Xông, Quyền Cục trưởng Thi hành án dân sự Bình Định


Ông Thức nhớ lại, năm 2017 tàu vỏ thép của ông ra khơi, anh em thuyền viên chưa quen nên đánh bắt không hiệu quả.

Đến khi quen dần thì nợ quá hạn gối đầu. Năm 2018, ông cùng phía ngân hàng đạt được thoả thuận sau lần khởi kiện đầu tiên.

Cuối năm đó, tàu gặp lốc xoáy bất ngờ mất 158 tấm lưới, thiệt hại 2 tỷ đồng.

Mặc dù có xác nhận của cơ quan chức năng nhưng cơ quan bảo hiểm không chi trả. Không còn tiền, không thể vay vốn nên tàu ông nằm bờ, thất thu, nợ chồng nợ.

Bị ngân hàng khởi kiện lần thứ hai năm 2019, ông Thức đã gửi đơn cứu xét đến nhiều nơi.

Ông cho rằng, Nghị định 67 quy định “con tàu là tài sản thế chấp”, nhưng ngân hàng ràng buộc ông phải thế chấp quyền sử dụng đất.

“Lúc đó, phía ngân hàng bảo cắm sổ đỏ để làm các thủ tục xong thì trả lại. Tôi nghĩ sau này cũng cần vay mua phí tổn, sửa tàu nên buộc thế phải đưa sổ đỏ cho họ. Không còn khả năng trả nợ, năm 2021 con tàu vỏ thép 16,6 tỷ đồng đã được bán với giá 1,6 tỷ đồng. Sau 3 năm, khối tài sản tàu thép chỉ còn 10% so với giá trị ban đầu”, ông Thức xót xa.

Từ cuối năm 2016 - 2018, tại Bình Định cũng xảy ra sự cố liên quan hàng loạt tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67.

Lão ngư Đinh Công Khánh (57 tuổi, xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, Bình Định) - chủ tàu vỏ thép BĐ 99086 TS kể, trước 2015, ông là chủ của 2 tàu vỏ gỗ với 25 lao động trực chỉ các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa và Nhà giàn ĐK1. Thời đó, làm ăn rất trúng, ông Khánh xây nhà cao, cửa rộng với đời sống sung túc.

Tuy nhiên, bi kịch ập đến từ khi ông đóng tàu vỏ thép trên 19 tỷ đồng (trả trước 5%, vay Ngân hàng BIDV 95% còn lại).

Tàu vừa hạ thủy thì liên tục hư hỏng, đánh bắt không được nên liên tục lỗ biển. Tàu nằm bờ, chủ tàu lao vào cuộc tranh chấp với công ty đóng tàu kéo dài hơn 2 năm mới đạt thỏa thuận.

“Tưởng sau đó chúng tôi yên tâm làm ăn, đánh bắt. Ai dè nguồn lợi suy giảm, ngư trường thu hẹp do quy định đánh bắt mới. Đến nay, tàu chúng tôi phải đậu bờ do phí tổn, giá xăng dầu quá cao. Mỗi chuyến ra khơi tôi phải bỏ phí tổn 400 – 420 triệu đồng mà ra khơi liên tục lỗ, nên giờ nợ xấu ngân hàng chồng chất.

Hiện, tôi còn nợ ngân hàng 17 tỷ đồng cả gốc lẫn lãi, ngoài ra vay ngoài thêm 700 triệu đồng. Mới đây, ngân hàng dọa kiện ra tòa. Giờ tôi sợ phải ra tòa, ngồi tù, nhà cửa không còn”, ông Khánh chua xót.

Vì đâu nên nỗi?

img

Nhiều tàu vỏ thép NĐ-67 nằm bờ tại cửa biển Đề Gi (Phù Cát, Bình Định) chờ kê khai, bán đấu giá trả nợ ngân hàng

Anh Trần Văn Hạo (TP Quy Nhơn) được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt là chủ tàu có đủ điều kiện đăng ký đóng mới tàu cá theo Nghị định 67/2014.

Thời điểm năm 2015, anh ký hợp đồng tín dụng vay vốn đóng mới tàu cá với Ngân hàng TMCP Ngoại thương, Chi nhánh Bình Định.

Năm 2016, sau vài chuyến biển thành công, chưa kịp vui mừng thì bước sang đầu năm 2017, con tàu của anh cũng như nhiều ngư dân khác gặp sự cố. 8 tháng ròng, tàu BĐ 99029 TS phải nằm ở Cam Ranh (Khánh Hòa) để sửa chữa.

Thời điểm này, nhiều ngư dân rơi vào cảnh khốn đốn. Riêng anh Hạo không có tiền trả lãi ngân hàng, dẫn tới nợ quá hạn.

Anh Hạo xin vay vốn lưu động 600 triệu đồng để trả nợ, song vì sổ đỏ bị ngân hàng giữ nên anh không thể vay được. Áp lực nợ nần, rồi phải lo cho cuộc sống hàng ngày, việc ăn học của con cái khiến anh Hạo đi vay mượn khắp nơi.

Đến đầu năm 2019, sau khi khắc phục xong mọi sự cố, tàu 67 lại vươn khơi mang theo nhiều hy vọng. Tuy nhiên, việc đánh bắt không được suôn sẻ, nhiều chuyến biển liên tục thua lỗ.

Để có kinh phí ra khơi tiếp, anh Hạo phải đi vay nóng “tín dụng đen”. Số tiền vay nóng đội lên 1,2 tỷ đồng. Nợ nần chất đống, đẩy anh vào cảnh tán gia bại sản.

Trước sự bức bách của các chủ nợ, xã hội đen và ngân hàng, vợ anh Hạo dắt con bỏ đi trước, ít tháng sau, anh này cũng bỏ nhà trốn biệt tích.

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định, thực hiện Nghị định 67, tỉnh có 61 chủ tàu ký hợp đồng tín dụng đóng mới (48 tàu vỏ thép, 8 tàu vỏ composite, 5 tàu vỏ gỗ) và 1 hợp đồng nâng cấp tàu cá vỏ gỗ với các ngân hàng thương mại, với tổng số tiền cho vay 921 tỷ đồng. Trong quá trình hoạt động có 4 tàu đã bị chìm (3 tàu vỏ thép, 1 tàu vỏ gỗ), còn lại 57 tàu đang khai thác.

Đến cuối năm 2021, chỉ có 20 tàu cá 67 ở tỉnh Bình Định đang hoạt động bình thường (chiếm 35%), 18 tàu đang nằm bờ (chiếm 31,77%) và 19 tàu bị ngân hàng xử lý (chiếm 33,3%).

Trong số các tàu bị ngân hàng xử lý có 2 tàu đã bị bán đấu giá, các chủ tàu còn lại bị ngân hàng kiện ra tòa để đòi nợ.

Theo ông Nguyễn Công Bình, Phó chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thủy sản Bình Định, một số chủ tàu thiếu thiện chí trả nợ; số khác đánh bắt có hiệu quả nhưng giá thành các loại sản phẩm thấp nên chuyến biển không có lãi để trả ngân hàng.

Còn lại một số do đánh bắt không hiệu quả, nhiều tàu không mua được bảo hiểm nên không đi đánh bắt được, tàu bị chìm…

Ông Bình đề nghị, các ngân hàng thương mại cần cơ cấu lại nợ, ưu tiên thu hồi nợ gốc trước, thu hồi lãi sau để hỗ trợ, tháo gỡ bớt khó khăn cho ngư dân.

Thống kê của Sở NN&PTNT Quảng Ngãi, trong số 62 chiếc tàu của ngư dân địa phương đóng theo Nghị định 67, có tới 48 chiếc hoạt động không hiệu quả. Các chủ tàu không trả được nợ gốc và lãi theo cam kết với ngân hàng. Trong số này, có 43 chủ tàu phát sinh nợ xấu với dư nợ gần 167 tỷ đồng.

Nghị định 67 nhằm giúp ngư dân nâng cao hiệu quả khai thác hải sản, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam. Tuy nhiên, việc chưa lường hết vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện đã gây ra hệ lụy nhiều tàu 67 hoạt động kém hiệu quả, đặc biệt là tàu vỏ thép.

Theo các chủ tàu vỏ thép, do chưa có kinh nghiệm trong quá trình sử dụng, thiết kế tàu chưa phù hợp với ngành nghề khai thác, hao tốn nhiên liệu quá nhiều nên chuyến biển nào cũng thua lỗ nặng đành đưa tàu về nằm bờ. Họ phải đi làm thuê cho các chủ tàu vỏ gỗ khác để mưu sinh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.