Thị trường

Bộ Công thương "lệnh" tăng sản xuất và nhập khẩu điện thêm gần 4,4 tỷ kWh

24/04/2024, 07:31

Theo kế hoạch mới, tổng điện năng sản xuất của các nhà máy điện và nhập khẩu của toàn quốc năm 2024 được điều chỉnh là 310,6 tỷ kWh, tăng thêm gần 4,4 tỷ kWh so với kế hoạch cũ.

Nhu cầu phụ tải điện tăng cao

Bộ Công thương vừa ban hành quyết định điều chỉnh kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2024 và các tháng cao điểm mùa khô (các tháng 4, 5, 6, 7) trong năm 2024.

Cụ thể, đối với kế hoạch cung cấp điện cả năm, tổng điện năng sản xuất của các nhà máy điện và nhập khẩu của toàn quốc năm 2024 được điều chỉnh là 310,6 tỷ kWh, tăng gần 4,4 tỷ kWh hơn so với kế hoạch cũ.

Đối với kế hoạch cung cấp điện cho mùa khô trong các tháng 4, 5, 6, 7, tổng điện năng sản xuất của các nhà máy điện và nhập khẩu của toàn quốc để dự phòng đảm bảo cung ứng điện cho hệ thống được điều chỉnh là 111,468 tỷ kWh, tăng thêm gần 2,3 tỷ kWh so với kế hoạch cũ.

Bộ Công thương "lệnh" tăng sản xuất và nhập khẩu điện thêm gần 4,4 tỷ kWh- Ảnh 1.

Tổng điện năng sản xuất của các nhà máy điện và nhập khẩu mùa khô tăng thêm 2,3 tỷ kWh.

Nguyên nhân điều chỉnh, theo bộ này, quý I, nền kinh tế phục hồi mạnh dẫn đến nhu cầu phụ tải điện tăng cao. Ba tháng đầu, tổng sản lượng điện thương phẩm toàn EVN đạt 62,66 tỷ kWh, tăng trưởng 11,42% so với cùng kỳ 2023.

Trong đó, Công ty điện lực TP.HCM tăng 12,80%, Công ty Điện lực TP Hà Nội tăng 10,64%, Công ty Điện lực miền Bắc tăng 9,87%, Công ty Điện lực miền Nam tăng 13,02%, Công ty Điện lực miền Trung tăng 13,11%.

Đáng lưu ý, một số địa phương nhu cầu điện cấp cho công nghiệp tăng cao như: Quảng Ninh tăng khoảng 44,65%; Tây Ninh tăng 27,09%; Bình Định tăng 24,28%...

Điện cấp cho kinh doanh dịch vụ cũng có mức tăng trưởng cao ở một số địa phương như: Khánh Hòa tăng 38,87%; Quảng Nam tăng 33,11%; Đà Nẵng tăng 28,5%; Kiên Giang tăng 23,89%…

Ngoài ra, điện cho quản lý tiêu dùng chiếm tỷ trọng 35,18% cũng có xu hướng tăng cao với mức tăng trưởng khoảng 13,71%, do nắng nóng kéo dài, dự báo còn khắc nghiệt.

Bộ Công thương đánh giá, việc ban hành quyết định điều hành năm nay là điểm mới trong công tác điều hành cung ứng điện và vận hành hệ thống điện quốc gia, đảm bảo tính linh hoạt, phù hợp với thực tế nhằm chủ động trong mọi tình hình.

Tăng nhập khẩu điện từ Trung Quốc

Trước bối cảnh này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, phương án cơ sở của EVN đưa ra là sẽ điều chỉnh tăng thêm 4,2 tỷ kWh, lên khoảng 310,6 tỷ kWh (tăng 10,4% so với năm ngoái) trên toàn hệ thống. Còn phương án cao khi nhu cầu điện tăng trưởng đột biến, sản lượng toàn hệ thống sẽ tăng 11,4% so với năm ngoái, đạt mức 313,4 tỷkWh và cao hơn phương án cơ sở 2,8 tỷ kWh.

Ngoài việc kết hợp tăng cường truyền tải tối đa từ miền Trung ra Bắc và điều tiết giữ nước các hồ thuỷ điện ở mức nước cao để đảm bảo cung ứng điện mùa khô năm 2024... EVN cũng cho biết, đã tính đến phương án huy động khoảng 2.718 máy phát diesel của khách hàng để bổ sung nguồn điện cho hệ thống điện quốc gia trong tình huống khẩn cấp.

Ngành điện cũng đã đàm phán để tăng nhập khẩu điện Trung Quốc năm 2024 lên 1,8 tỷ kWh, tăng 700 triệu kWh so kế hoạch (trong đó nhập khẩu thêm tại Móng Cái khoảng 70 MW trong các tháng mùa khô). EVN cũng mong Bộ Công thương hỗ trợ gửi Công hàm cho chính quyền tỉnh Vân Nam để chấp thuận tăng sản lượng điện bán cho EVN qua các đường dây 220kV lên khoảng 2,5 tỷ kWh/năm vào năm 2024-2025 và tăng lên 9 tỷ kWh/năm sau năm 2025.

Cùng đó, EVN tiếp tục đàm phán với đối tác Lào tăng nhập khẩu điện về Việt Nam, đặc biệt là các nguồn điện nhập từ Lào qua khu vực Nghệ An, Quảng Trị. Để đảm bảo việc cung ứng, EVN sẽ tập trung nguồn lực hoàn thành đúng tiến độ đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối; Hoàn thành các công trình lưới điện để tăng nhập khẩu điện từ Lào.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.