Bất động sản

Bỏ tiền tỷ mua nhà vẫn chịu cảnh “sống chui”

26/09/2023, 06:42

Công trình xây sai thiết kế, quy hoạch được duyệt; Chủ đầu tư chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính hoặc tự ý chuyển nhượng dự án cho các nhà đầu tư thứ cấp... khiến nhiều người bỏ tiền tỷ mua nhà nhưng không được cấp sổ, như người "sống chui".

Ngày 10/8 vừa qua, ông Lê Thanh Thản, Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh bị TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử về tội lừa dối khách hàng. Tuy nhiên, sau 1 giờ thẩm vấn, tòa trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.

Ông Thản bị khởi tố cách đây bốn năm, bị cấm đi khỏi nơi cư trú. Nguyên nhân xuất phát từ những vi phạm tại dự án CT6 Kiến Hưng do Công ty Bemes mà ông Thản là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, làm chủ đầu tư. 

Ở chục năm không có sổ, không xin được học cho con

photo-1695663564675

Dự án Đầu tư xây dựng khu nhà ở cán bộ chiến sỹ công an quận Hoàng Mai (79 phố Thanh Đàm, Thanh Trì, Hoàng Mai, Hà Nội).

Theo cáo trạng, tại dự án trên, ông Thản chỉ đạo thi công sai quy hoạch, xây dựng vào chỉ giới đường đỏ, vi phạm nghiêm trọng quy hoạch xây dựng.

Trên hợp đồng mua bán căn hộ, ông Thản trực tiếp ký với khách hàng, cam kết hồ sơ dự án đã được phê duyệt, thiết kế tuân thủ đúng quy định về xây dựng và sẽ hỗ trợ bên mua làm thủ tục cấp sổ đỏ. Hiện, có tới 483 căn hộ của tòa tháp CT6C và 82 căn hộ khác chưa được cấp sổ.

Trên thực tế, những dự án vi phạm pháp luật về đất đai, xây dựng, thuế, quy hoạch khiến người mua nhà không được cấp sổ hồng khá phổ biến.

Đơn cử như dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở cán bộ chiến sỹ công an quận Hoàng Mai (79 phố Thanh Đàm, Thanh Trì, Hoàng Mai, Hà Nội) do Công ty TNHH Xây dựng công trình Hoàng Hà (Công ty Hoàng Hà) làm chủ đầu tư.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Trưởng ban quản trị tòa nhà, đại diện 300 hộ dân sinh sống tại chung cư phản ánh, họ đã về ở tại đây từ năm 2014. Thế nhưng, 9 năm nay, họ chưa được ký biên bản bàn giao nhà, chưa được nhận sổ hồng. Nguyên nhân do chủ đầu tư còn nợ hơn 130 tỷ đồng tiền thuế và có nhiều vi phạm về thiết kế, xây dựng. 

Tương tự là dự án chung cư Stellar Garden, 35 Lê Văn Thiêm, Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân, Hà Nội do Công ty CP Kinh doanh và xây dựng Quang Minh làm chủ đầu tư. Dự án gồm hai tòa tháp chung cư 30 tầng với hơn 300 căn hộ. Chủ đầu tư đã đưa dân vào ở từ giữa năm 2020 song đến nay chưa ai nhận được sổ hồng.

Anh N.V.Đ, một cư dân sống trong tòa  bức xúc: "Chúng tôi không thể đăng ký thường trú, cho con học đúng tuyến. Mất 4-5 tỷ đồng mua nhà đàng hoàng mà như sống chui".

Cư dân dự án Tổ hợp nhà ở, văn phòng và dịch vụ thương mại (Phương Đông Green Park), số 1 Trần Thủ Độ, Hoàng Mai do Công ty TNHH MTV Đầu tư Phương Đông làm chủ đầu tư cũng đang sốt ruột, vì tiền làm sổ thì nộp rồi mà sổ thì chưa thấy đâu. 

Theo một thống kê của Hà Nội, trên địa bàn TP còn gần 30 nghìn căn hộ chậm trễ làm sổ đỏ cho người dân.

Chủ đầu tư viện đủ lý do

Trao đổi với PV, đại diện Công ty Hoàng Hà thừa nhận, hiện nay chủ đầu tư đang vướng một số việc nên chưa đủ điều kiện cấp sổ hồng cho cư dân. Chủ đầu tư đã nộp hồ sơ lên Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội nhưng chưa được chấp thuận do dự án chưa giải phóng xong mặt bằng. 

Liên quan đến phản ánh chủ đầu tư nợ 130 tỷ tiền thuế, vị đại diện này xác nhận: "Việc này ai cũng biết".

Trong khi đó, với dự án chung cư Stellar Garden, người dân rất khó để tìm được chủ đầu tư. Theo địa chỉ đăng ký doanh nghiệp, văn phòng công ty đặt tại tầng 3 của dự án, người đại diện pháp luật là bà Trần Minh Hằng. Nhưng khi PV tới nơi, nhân viên lễ tân cho biết, văn phòng không có ai. PV cần gặp ai thì liên hệ trước qua điện thoại. PV liên hệ với bà Hằng theo số điện thoại cư dân cung cấp, đầu dây nghe máy báo "nhầm số".

Ông Nguyễn Mạnh Đạt, Chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Trung cho biết, dự án Stellar Garden hiện chưa được Bộ Xây dựng nghiệm thu, đưa công trình vào sử dụng. Nguyên nhân là do xây dựng sai so với thiết kế đã được phê duyệt. Do đó, dự án cũng chưa đủ điều kiện hoàn thiện hồ sơ xin cấp sổ hồng.

Trong khi đó, trao đổi với PV, ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư Phương Đông, chủ đầu tư dự án Tổ hợp nhà ở, văn phòng và dịch vụ thương mại (Phương Đông Green Park) lại đẩy trách nhiệm cho Sở Tài nguyên & Môi trường.

Trong khi đó, Văn phòng Đăng ký đất đai TP Hà Nội cho hay, hai trường hợp Công ty Phương Đông và Công ty Quang Minh đều chưa nộp hồ sơ tại văn phòng. Hệ thống văn phòng đăng ký đất đai chưa tiếp nhận hồ sơ pháp lý làm cơ sở để thẩm định cấp giấy chứng nhận cho cư dân tại 2 dự án này. 

Xử nghiêm tội lừa dối khách hàng

Trước thực trạng trên, Văn phòng Đăng ký đất đai TP Hà Nội đề nghị, lực lượng quản lý trật tự xây dựng, cơ quan chính quyền cấp quận, xã cần quyết liệt ngăn chặn vi phạm ngay từ đầu. Bởi, cấp sổ chỉ là khâu cuối cùng. Nếu có những vi phạm không kịp thời khắc phục, người dân sẽ không được cấp sổ, chịu thiệt thòi.

Đơn vị này cũng kiến nghị, cần xử lý tách bạch trách nhiệm của chủ đầu tư để xảy ra vi phạm với quyền lợi của người dân. Không đánh đồng vi phạm của chủ đầu tư với việc hoàn thành các nghĩa vụ của người dân. Đồng thời, cần sửa Luật Đất đai theo hướng, người dân chỉ cần có hợp đồng mua bán, hoàn thành nghĩa vụ tài chính là được cấp chứng nhận. Còn chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về vi phạm của mình.

Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS cho hay, hiện nay, theo Nghị định 91/2029/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, việc không nộp hoặc chậm nộp hồ sơ cấp sổ hồng cho người mua, thuê mua nhà, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong các dự án, chủ đầu tư xây dựng dự án đầu tư kinh doanh bất động sản có thể bị phạt tiền với mức cao nhất là 1 tỷ đồng. 

Đồng thời, phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, nộp hồ sơ hoặc cung cấp đầy đủ giấy tờ cho người mua, thuê mua nhà, công trình xây dựng, người nhận chuyển quyền sử dụng đất tự nộp hồ sơ để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận theo quy định. 

Nhưng theo ông Tuấn, với doanh nghiệp bất động sản, số tiền phạt 1 tỷ đồng là quá nhỏ, không đủ sức răn đe. 

"Để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người mua nhà, cơ quan chức năng cần xử lý kiên quyết với những đối tượng có hành vi "lừa dối khách hàng". Với những vụ việc có tính chất mức độ nghiêm trọng, cần truy cứu trách nhiệm hình sự như với trường hợp Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh", ông Tuấn nói.

Cùng đó, để xử lý nghiêm minh hành vi lừa dối khách hàng, cần sửa đổi, bổ sung Điều 198 Bộ luật Hình sự theo hướng quy định rõ hành vi "lừa dối" không chỉ dừng lại ở việc cân, đo, đếm, đánh tráo hàng hóa mà còn có cả các hành vi như che giấu thông tin, cung cấp thông tin không chính xác, tư vấn sai lệch về sản phẩm, dịch vụ ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều người…

Trước đó, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết đã thống nhất với Bộ Tài nguyên và Môi trường xử lý tình trạng chậm trễ cấp sổ đỏ cho người dân tại các dự án chung cư, gây thiệt hại cho người mua căn hộ.

Theo đó, với những dự án đã hoàn thành thủ tục, nhưng chủ đầu tư cố tình chậm trễ làm sổ đỏ, các địa phương nghiêm khắc xử phạt hành chính các chủ đầu tư. Nếu chủ đầu tư cố tình chây ỳ không làm thủ tục cấp sổ cho người dân thì đề nghị các địa phương chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý hình sự. 

Để tìm hiểu thông tin, Báo Giao thông đã liên hệ với Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội, đặt vấn đề về giải pháp cho những trường hợp chưa được cấp sổ do những vi phạm xuất phát từ phía chủ đầu tư. Đơn vị này đã có phiếu chuyển lịch làm việc của PV về Văn phòng Đăng ký đất đai TP Hà Nội. Song, đến nay, PV vẫn chưa nhận được phản hồi.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.