Quản lý

Bộ trưởng TN&MT: Cần linh động điều phối nguồn cát thi công dự án giao thông

11/10/2023, 19:28

“Chúng ta phải có sự linh động, không nên cứng nhắc trong việc phân bổ. Nếu các mỏ của cao tốc trục dọc chưa xong thủ tục thì có thể điều phối cát từ các mỏ cấp cho trục ngang", Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh nói.

Gỡ khó nguồn vật liệu cát cho các công trình trọng điểm Quốc gia - Ảnh 2.

Ông Đặng Quốc Khánh, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (giữa, áo xanh) và ông Nguyễn Duy Lâm, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (áo trắng) kiểm tra mỏ cát.

Ngày 11/10, đoàn công tác do ông Đặng Quốc Khánh (Bộ trưởng Bộ TN&MT) và ông Nguyễn Duy Lâm (Thứ trưởng Bộ GTVT) khảo sát các mỏ cát trên địa bàn An Giang và Đồng Tháp.

Đề xuất cơ chế đặc thù

Tại buổi làm việc cùng đoàn, UBND tỉnh An Giang kiến nghị Bộ TN&MT đề xuất Chính phủ xem xét cho áp dụng cơ chế đặc thù để giao các mỏ thuộc địa bàn tỉnh cho nhà thầu thi công để khai thác phục vụ các tuyến cao tốc. Trong đó có các mỏ đã thu hồi giấy phép theo Kết luận 1522/KL-TTCP, ngày 6/7/2023 của Thanh tra Chính phủ (trữ lượng khoáng sản còn lại có thể khai thác khoảng 4 triệu m3).

Đối với khu mỏ của Công ty CP Đầu tư xây dựng thương mại Tấn Thắng, dự kiến cung cấp cho cao tốc Cần Thơ - Cà Mau hơn 1,58 triệu m3, dù còn giấy phép hoạt động đến năm 2024 nhưng báo cáo đánh giá tác động môi trường đã hết hạn.

UBND tỉnh An Giang kiến nghị đẩy nhanh thủ tục cấp báo cáo đánh giá tác động môi trường để doanh nghiệp khai thác cát, cung ứng cho cao tốc và các công trình trọng điểm.

Gỡ khó nguồn vật liệu cát cho các công trình trọng điểm Quốc gia - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, kiến nghị tháo gỡ khó khăn về cát trong thi công các công trình trọng điểm quốc gia.

Đối với dự án nạo vét chỉnh trị Vàm Nao có trữ lượng khai thác khoảng 3 triệu m3, các thủ tục đều xong. Tuy nhiên, mỏ này còn vướng ý kiến của Cục Đường thủy nội địa liên quan thực hiện phương án đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa. UBND tỉnh An Giang kiến nghị Bộ GTVT hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc này.

Tỉnh An Giang cũng đề nghị Bộ GTVT chủ trì, phối hợp UBND các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long xem xét đưa các đoạn sông đủ điều kiện vào danh mục các đoạn sông nạo vét thông luồng giao thông thủy và triển khai nạo vét, thu hồi khoáng sản. Việc này nhằm chia sẻ bớt khó khăn về nguồn vật liệu phục vụ cho các công trình trong giai đoạn hiện nay.

Đối với Bộ TN&MT, UBND tỉnh An Giang đề nghị hướng dẫn địa phương thực hiện việc kiểm kê trữ lượng khoáng sản, theo dõi, giám sát chặt chẽ khối lượng khai thác thực tế tại các mỏ đã được cấp phép khai thác...

Gỡ khó nguồn vật liệu cát cho các công trình trọng điểm Quốc gia - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Duy Lâm, Thứ trưởng Bộ GTVT, phát biểu tại buổi làm việc.

Cát còn nhiều nhưng vướng thủ tục

Tại tỉnh Đồng Tháp, năm 2023, tổng lượng cát dự kiến cung ứng cao tốc là 4 triệu m3 (cao tốc Cao Lãnh - An Hữu 0,7 triệu m3; Cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau 3,3 triệu m3).

Đối với cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, UBND tỉnh Đồng Tháp bố trí 3 mỏ cát phục vụ cung ứng cát. Để đáp ứng nhu cầu cát ngay trong tháng 9 và tháng 10, theo đề xuất của cơ quan chức năng địa phương, UBND tỉnh đã thống nhất tạm điều chuyển 121.000 m3 cát để ưu tiên cung ứng cho cao tốc Cao Lãnh - An Hữu.

Gỡ khó nguồn vật liệu cát cho các công trình trọng điểm Quốc gia - Ảnh 5.

Nhà thầu đang thi công cao tốc Cao Lãnh - An Hữu.

Đối với cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau, để cung ứng đủ 7 triệu m3 cát theo yêu cầu của Thủ tướng, UBND tỉnh Đồng Tháp đã báo cáo về Trung ương để bố trí cung ứng theo yêu cầu trước mắt. Cụ thể, đã cung ứng xong 371.000 m3, tăng 50% công suất cấp phép khai thác theo cơ chế đặc thù.

Tỉnh cũng giới thiệu 6 mỏ cho nhà thầu thi công theo cơ chế đặc thù. Hiện, 5/6 mỏ có chất lượng cát có thể khai thác để đáp ứng yêu cầu, trữ lượng khoảng 3,5 triệu m3. Ngày 20/9/2023, tỉnh đã bàn giao 1 mỏ cát tại huyện Châu Thành để nhà thầu khai thác. Còn lại 4 mỏ, tỉnh đã thông qua Hội đồng thẩm định trữ lượng, Hội đồng đánh giá báo cáo tác động môi trường để trong tháng 10 hoàn thành thủ tục đưa vào khai thác.

Gỡ khó nguồn vật liệu cát cho các công trình trọng điểm Quốc gia - Ảnh 6.

Mỏ cát thuộc xã An Nhơn, huyện Châu Thành được Đồng Tháp bàn giao cho đơn vị thi công theo cơ chế đặc thù.

Để tháo gỡ những khó khăn, UBND tỉnh Đồng Tháp đề nghị Bộ TN&MT cho khảo sát, đánh giá tổng thể lượng cát và tác động môi trường trên các tuyến sông Tiền và sông Hậu để xác định sản lượng, chất lượng khoáng sản, có kế hoạch khai thác hợp lý, hiệu quả, bền vững.

Bên cạnh đó, có hướng dẫn cụ thể trình tự, các bước triển khai thực hiện nạo vét chỉnh trị dòng chảy các bãi bồi, cồn nổi để hạn chế sạt lở (có kết hợp thu hồi sản phẩm nạo vét để cung ứng vật liệu cho công trình).

"Không nên cứng nhắc trong việc phân bổ"

Ông Đặng Quốc Khánh, Bộ trưởng Bộ TN&MT, nói rằng vai trò của việc điều phối nguồn vật liệu cho các dự án cao tốc là rất quan trọng. Hiện nay, Quốc hội, Chính phủ đã bố trí nguồn lực để triển khai các dự án giao thông cho khu vực ĐBSCL nhưng công tác triển khai thi công lại vướng về nguồn vật liệu.

“Chúng ta phải có sự linh động, điều phối cát như thế nào, không nên cứng nhắc trong việc phân bổ. Nếu các mỏ của cao tốc trục dọc chưa xong thủ tục thì có thể điều phối cát từ các mỏ cấp cho trục ngang. Không thể để lãng phí máy móc, nhân lực của các nhà thầu trên công trường để nằm chờ cát”, ông Khánh nói.

Ông Khánh nhấn mạnh cơ chế đặc thù ban hành để tiết kiệm ngân sách, đẩy nhanh tiến độ. Nhưng quá trình thực hiện phát sinh nhược điểm về quy trình quản lý khai thác nguồn vật liệu, khiến việc cung cấp cát chậm trễ. Người đứng đầu Bộ TN&MT cũng lưu ý các đơn vị việc giải quyết các thủ tục nhanh nhưng không được làm ẩu, không được hợp thức hóa các sai phạm.

Gỡ khó nguồn vật liệu cát cho các công trình trọng điểm Quốc gia - Ảnh 7.

Thứ trưởng Bộ GTVT - Nguyễn Duy Lâm phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Đồng Tháp.

Ông Nguyễn Duy Lâm, Thứ trưởng Bộ GTVT, cho rằng những đề xuất của tỉnh An Giang và Đồng Tháp liên quan đến những khó khăn trong việc cấp nguồn nguyên vật liệu cát phục vụ các dự án trọng điểm quốc gia là phù hợp tình hình thực tế hiện nay.

Ông Lâm đề nghị hai tỉnh tìm giải pháp nâng công suất các mỏ nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng cho các công trình trọng điểm và sớm tháo gỡ những khó khăn về mặt thủ tục để các nhà thầu có thể tiến hành khai thác.

Bộ GTVT cũng thống nhất việc tỉnh An Giang đề nghị bàn giao mỏ cát cho đơn vị thi công chịu trách nhiệm khai thác phục vụ cao tốc theo cơ chế đặc thù. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cần đảm bảo các quy định hiện hành, đúng quy định của pháp luật.

Dự án Cần Thơ - Cà Mau khởi công gần 10 tháng nay và gần như không có cát. Hiện nay, An Giang có 3 mỏ với trữ lượng 4,3 triệu m3 còn còn hiệu lực khai thác, lấy được cát ngay.

Đó là mỏ Vạn Hưng Tùng (trữ lượng 3,3 triệu m3), mỏ Tân Hồng (trữ lượng 500.000 m3) và mỏ Thủ Tuyền (trữ lượng 500.000 m3). Tuy nhiên, UBND tỉnh An Giang chỉ phân bổ cho cao tốc Cần Thơ - Cà Mau 300.000 m3 từ mỏ Vạn Hưng Tùng, còn lại 4 triệu m3 phân bổ cho cao tốc trục ngang.

Do đó, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận kiến nghị Bộ trưởng Bộ TN&MT, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang điều phối 2 triệu m3 từ các mỏ này cho cao tốc Cần Thơ - Cà Mau để lấy được cát ngay. Sau này khi các mỏ khác xong thủ tục, tỉnh sẽ điều phối để trả lại cho dự án cao tốc trục ngang.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.