Đường bộ

Cả nước có bao nhiêu tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh?

23/04/2024, 06:16

Mạng lưới tuyến vận tải cố định được phủ khắp các địa bàn trên cả nước, tới trung tâm các tỉnh, thành phố và hầu hết các huyện, xã.

Gần 86.000 đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô

Báo cáo của Chính phủ gửi Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, trong những năm qua, hoạt động vận tải đường bộ đã phát triển mạnh mẽ, các phương tiện kinh doanh vận tải gia tăng nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu đi lại của người dân.

Cả nước có bao nhiêu tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh?- Ảnh 1.

Toàn quốc hiện có 9.703 tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ.

Hiện nay, vận tải ô tô đảm nhiệm trên 90% tổng khối lượng vận chuyển hành khách và trên 70% tổng khối lượng vận chuyển hàng hóa.

Mạng lưới tuyến vận tải cố định được phủ khắp các địa bàn trên cả nước, tới trung tâm các tỉnh, thành phố và hầu hết các huyện, xã.

Năm 2014, cả nước có tổng số 3.168 tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh với trên 1.022 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia hoạt động thì đến tháng 12/2023, cả nước đã có khoảng 9.703 tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ (gấp hơn 9 lần).

Đối với vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, hiện cả nước có 60/63 tỉnh, thành phố tổ chức hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, với hơn 8.978 xe, vận chuyển khoảng 1 tỷ lượt hành khách mỗi năm.

Theo thống kê, năm 2013 cả nước có tổng số 5.761 đơn vị kinh doanh vận tải được cấp giấy phép và tăng dần cho đến hết năm 2023 đã có gần 86.000 đơn vị kinh doanh vận tải được cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Trong đó, đa số là các đơn vị có quy mô vừa và nhỏ chiếm khoảng 82%, số lượng phương tiện của mỗi đơn vị này không nhiều (dưới 5 xe).

Cùng với các đơn vị vận tải, số lượng phương tiện kinh doanh vận tải cũng tăng nhanh về số lượng và chất lượng. Nếu như năm 2013, cả nước có tổng số 121.897 phương tiện kinh doanh vận tải (bao gồm xe khách và xe công ten nơ) thì đến hết năm 2023, số xe kinh doanh vận tải là 921.333 xe.

Trong đó, có 331.914 xe khách (17.537 xe tuyến cố định, 225.264 xe hợp đồng, 4.717 xe du lịch, 74.222 xe taxi, 8.757 xe buýt và 1.417 xe trung chuyển) cùng 589.408 xe tải các loại (trong đó, xe công ten nơ là 77.639 xe, xe taxi tải là 223 xe, xe đầu kéo là 20.835 xe, xe tải 490.711 xe).

Cũng theo báo cáo, tính đến hết năm 2023, cả nước có 555 bến xe ô tô khách, trong đó có 390 bến xe từ loại 1 đến loại 4; còn lại 165 bến xe dưới loại 4.

Mạng lưới bến xe khách đã phủ khắp các trung tâm cấp tỉnh và rất nhiều trung tâm cấp huyện. Hệ thống trạm dừng nghỉ đường bộ trên đường quốc lộ đã được quy hoạch từ năm 2013; đến nay, đã thực hiện công bố 17 trạm dừng nghỉ và trên 42 trạm, điểm nhà hàng có quy mô, tiêu chuẩn tương tự mô hình trạm dừng nghỉ với cơ sở vật chất khang trang, chất lượng dịch vụ tương đối tốt.

Bên cạnh đó, ngành GTVT cũng chủ động kêu gọi xã hội hóa, đầu tư xây dựng sàn giao dịch vận tải hàng hóa nhằm mục tiêu giảm chi phí vận tải, hạn chế phương tiện chạy rỗng nhằm tiết kiệm nhiên liệu, giảm khí thải và giảm ùn tắc, giảm tai nạn giao thông. Chủ động kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng phần mềm quản lý bến xe khách toàn quốc nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định và quản lý hoạt động của các bến xe.

Cả nước có bao nhiêu tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh?- Ảnh 2.

Hệ thống thiết bị giám sát hành trình giúp giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh vận tải nhằm đảm bảo an toàn giao thông góp phần làm giảm tỷ lệ TNGT.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý hoạt động vận tải

Chính phủ cho biết, nhằm thúc đẩy quá trình ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động kinh doanh vận tải và cải cách thủ tục hành chính, thời gian qua Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Đường bộ VN triển khai đầu tư, xây dựng và đưa vào sử dụng nhiều phần mềm quản lý.

Trong đó phải kể đến hệ thống ứng dụng công nghệ giám sát hành trình phương tiện để nâng cao chất lượng quản lý và bảo trì trong lĩnh vực đường bộ. Theo thống kê, đến hết năm 2023, hệ thống đã tiếp nhận dữ liệu của gần 1 triệu phương tiện, các địa phương đã chú trọng hơn trong công tác theo dõi, chấn chỉnh và xử lý các trường hợp vi phạm qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình.

Bên cạnh đó, từ ngày 1/1/2017, phần mềm dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 về cấp, đổi giấy phép kinh doanh vận tải, đổi biển hiệu, phù hiệu xe ô tô cũng được áp dụng.

4 năm sau, tiếp tục xây dựng và đưa vào sử dụng phần mềm quản lý tuyến cố định và phần mềm dịch vụ công trực tuyến đối với thủ tục đăng ký tuyến cố định (áp dụng từ ngày 1/7/2021), trong đó quản lý, cập nhật toàn bộ cơ sở dữ liệu về tuyến và biểu đồ tuyến vận tải hành khách cố định toàn quốc.

Năm 2018, phần mềm dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 về cấp, đổi giấy phép kinh doanh vận tải đường bộ quốc tế và cấp, đổi sổ liên vận quốc tế tham gia cơ chế một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN được đưa vào sử dụng tại Cục Đường bộ VN và 63 Sở GTVT.

Ngành GTVT cũng tập trung đôn đốc triển khai thực hiện quy định về việc lắp đặt camera trên xe kinh doanh vận tải, hiện cả nước có khoảng 200.000 xe thuộc đối tượng phải lắp camera theo quy định.

Qua theo dõi, hệ thống đã đưa ra cảnh báo đối với các hình ảnh có nghi ngờ vi phạm của lái xe khi tham gia giao thông như: Không thắt dây an toàn, sử dụng điện thoại trong lúc lái xe, không đeo khẩu trang trong thời gian dịch bệnh Covid-19, bước đầu đem lại hiệu quả trong việc chấn chỉnh hành vi của người lái xe khi tham gia giao thông góp phần đảm bảo trật tự, an toàn giao thông.

Đặc biệt, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, trong thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng xe taxi đã ứng dụng phần mềm điều hành thay thế cho phương pháp điều hành truyền thống (sử dụng bộ đàm). Bên cạnh đó, trên thế giới cũng như ở Việt Nam đã xuất hiện nhiều phương thức trợ giúp người dùng đặt (gọi) xe một cách nhanh chóng và thuận tiện thông qua các thiết bị thông minh (smartphone). Nổi bật là các ứng dụng Grab, Uber,...đã và đang có chiều hướng ngày một phát triển mạnh.

Xe vận tải vi phạm tốc độ giảm 15 lần

Thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, năm 2023, theo báo cáo, các Sở GTVT đã xử lý thu hồi phù hiệu đối với 41.672 phương tiện vi phạm tốc độ từ 5 lần/1.000 km trở lên, thực hiện chấn chỉnh, nhắc nhở đối với 482.998 phương tiện.

Theo tính toán từ hệ thống, tỷ lệ vi phạm tốc độ tính bình quân trên 1.000 km giảm mạnh (năm 2015 tỷ lệ này là 11,5 lần/1.000 km, năm 2022 tỷ lệ này là 0,75 lần/1000 km, giảm khoảng 15 lần so với năm 2015), mặc dù số lượng phương tiện hiện nay tăng gấp 5-6 lần so với năm 2015.

Báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ: Kể từ khi đưa vào sử dụng và khai thác, hệ thống đã góp phần quan trọng trong công tác giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh vận tải nhằm đảm bảo an toàn giao thông góp phần làm giảm tỷ lệ TNGT.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.