Hàng hải

Cảng biển rục rịch tăng giá bốc dỡ container

25/02/2024, 06:00

Từ 15/2, giá dịch vụ xếp dỡ container cảng biển áp dụng theo quy định mới, giúp doanh thu của các cảng biển, nhất là tại các cảng nước sâu tăng so với trước. Tuy nhiên, việc áp dụng còn tuỳ vào mỗi cảng.


Nhiều cảng lớn ban hành khung giá mới

Ngay từ đầu năm 2024, nhiều cảng biển tại khu vực Cái Mép - Thị Vải đã rục rịch niêm yết giá dịch vụ bốc dỡ cảng biển mới để áp dụng từ ngày 15/2. Mức giá mới theo khung giá quy định tăng khoảng 10% so với mức giá cũ.

Cảng biển rục rịch tăng giá bốc dỡ container
- Ảnh 1.

Việc tăng giá dịch vụ xếp dỡ cảng biển giúp các doanh nghiệp cảng có thêm nguồn thu để đầu tư, nâng cấp năng lực.

Theo đó, khung giá xếp dỡ container xuất, nhập khẩu hiện nay với các container có hàng là 57-66 USD/container 20 feet; 85-97 USD/container 40 feet và với container trên 40 feet có giá bốc dỡ từ 94-108 USD/container. 

Với container quá cảnh, trung chuyển, mức giá bốc dỡ từ 34-40 USD/container 20 feet và 51-58 USD/container 40 feet có hàng.

Đây cũng là khung giá riêng được áp dụng tại hai cảng nước sâu Lạch Huyện và Cái Mép – Thị Vải. Cảng biển ở các khu vực khác áp dụng mức giá khác.

Tại khu vực cảng biển Hải Phòng, cảng Nam Đình Vũ cũng ban hành mức giá dịch vụ xếp dỡ container mới. 

Mức giá xếp dỡ container xuất nhập khẩu từ tàu lên bãi cảng tại cảng biển này áp mức 46 USD/container 20 feet có hàng; 68 USD/container 40 feet và 78 USD/container hơn 40 feet.

Đối với cảng Hải Phòng, giá xếp dỡ container xuất, nhập khẩu từ tàu/sà lan lên bãi cảng và ngược lại tại cảng Chùa Vẽ được niêm yết ở mức 39 USD/container 20 feet có hàng; 58 USD/container 40 feet và 66 USD/container hơn 40 feet. 

Còn tại cảng Tân Vũ, mức giá lần lượt là 42 USD/container 20 feet, 63 USD/container 40 feet và 73 USD/container hơn 400 feet.

Trong khi trước đó, mức giá mà doanh nghiệp này niêm yết tại cảng Chùa Vẽ là 35 USD/container 20 feet, 52 USD/container 40 feet và container lớn hơn 40 feet là 60 USD.

Với mức giá dịch vụ bốc dỡ mới, ngay từ đầu năm 2024, Cảng Hải Phòng đã đặt mục tiêu doanh thu trong năm 2024 tăng khoảng 7% so với năm 2023, đạt 2.310 tỷ đồng (năm 2023 đạt 2.157 tỷ đồng).

Tuy nhiên, không phải cảng biển nào cũng tăng giá dịch vụ xếp dỡ trong đợt này. Là cảng biển nằm tại khu vực II, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty CP Cảng quốc tế Lào – Việt (tại Hà Tĩnh) cho biết, hàng hóa qua cảng chủ yếu là hàng rời nên không bị tác động nhiều bởi quy định mới.

Cơ hội nâng cao năng lực cảng biển

Theo các doanh nghiệp, việc tăng giá xếp dỡ giúp các cảng biển tăng doanh thu, có kinh phí, nguồn lực để đầu tư trang thiết bị cảng, duy trì năng lực và tăng sự cạnh tranh của cảng với các cảng mới.

Theo Thông tư 39/2023, cảng biển Việt Nam chia thành 3 khu vực: Khu vực I (gồm các cảng biển khu vực tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định); Khu vực II (gồm các cảng biển khu vực tỉnh, thành phố: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận); Khu vực III (gồm cảng biển khu vực tỉnh, thành phố: TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Cần Thơ, An Giang, Vĩnh Long, Cà Mau, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Trà Vinh).

Trong đó, đối với các tuyến container mới tại các bến cảng khu vực II và các bến cảng thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, doanh nghiệp cảng được phép áp dụng khung giá dịch vụ bốc dỡ container bằng 80% khung giá quy định trong thời hạn 3 năm kể từ ngày chính thức mở tuyến mới.

Đánh giá các cảng của Việt Nam hiện nay có năng suất bốc xếp, giao nhận hàng hóa và năng lực cầu bến không thua kém các cảng trong khu vực, song ông Phạm Quốc Long, Phó tổng giám đốc Công ty CP Gemadept cho biết, hiện chỉ có cảng biển khu vực Lạch Huyện (Hải Phòng) áp được mức giá trần. 

Các cảng khác vẫn chỉ áp giá sàn, hoặc nhỉnh hơn giá sàn vì yếu tố cạnh tranh, thu hút các hãng tàu.

Bởi thế, bên cạnh việc tăng giá dịch vụ, thời gian tới, các cảng cũng cần tăng cường đầu tư để nâng cao năng lực, đáp ứng nhu cầu của các hãng tàu, khách hàng trong thời gian tới.

Với Gemadept, tại khu vực miền Bắc, doanh nghiệp đang thực hiện dự án nạo vét kênh Hà Nam đến độ sâu luồng -8.5m cho tàu 48.000 DWT và triển khai dự án cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 3 (dự kiến năm 2024) để khi hoàn thành, có thể đón được các tàu feeder, tàu nội Á lớn nhất khu vực cảng sông.

Tại phía Nam, cảng nước sâu Gemalink giai đoạn 2 cũng đang nghiên cứu và thực hiện các thủ tục để triển khai khởi công nhằm nhân đôi công suất khai thác và cầu bến.

Theo tìm hiểu, nhiều doanh nghiệp đang lên kế hoạch đầu tư lớn cho cảng biển trong năm 2024. Tiêu biểu, cảng Xanh Vip (Vip Greenport) dự kiến đầu tư trang thiết bị với 2 cẩu RTG mới, hệ thống điện bờ, cổng thông minh (Smart Gate).

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) cũng xác định trong kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư giai đoạn 2021-2025 tập trung nguồn lực để đầu tư xây dựng mới các cảng biển nước sâu, cảng trung chuyển quốc tế.

Ông Nguyễn Xuân Kỳ, Tổng giám đốc cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT) khẳng định với việc tăng giá dịch vụ bốc dỡ container, doanh thu của các cảng biển có thể tăng trưởng ở mức tương ứng, nhất là tại các cảng nước sâu vì nguồn doanh thu chủ yếu của cảng đến từ giá bốc dỡ container.

Chưa kể, việc tăng giá dịch vụ còn tăng thu hút đầu tư vào thị trường cảng biển, tăng cường xã hội hóa. Các nhà đầu tư mới có thêm căn cứ, cơ sở thực hiện dự án.

Theo một doanh nghiệp cảng biển, giá dịch vụ xếp dỡ hàng hóa thực tế của các cảng biển không hoàn toàn như bảng giá công khai. 

Mức giá thực tế dựa trên nhiều yếu tố và có thể áp dụng với từng khách hàng như khách hàng thường xuyên, khách hàng vãng lai... nhưng vẫn phải nằm trong khung giá quy định.

Việc tăng giá khoảng 10% có thể chưa giúp các doanh nghiệp mang về lợi nhuận ngay. Bởi các cảng đã và đang phải đầu tư lớn về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị để đáp ứng đòi hỏi của các hãng tàu và xu hướng phát triển xanh.

Bộ GTVT vừa ban hành Thông tư 39/2023 về việc ban hành biểu khung giá dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam.

Theo đó, giá dịch vụ bốc dỡ container nội địa 20 feet có giá từ 260.000 - 427.000 đồng, từ 439.000 - 627.000 đồng/

container 40 feet; 658.000 - 940.000 đồng/container trên 40 feet có hàng.

Mức giá bốc dỡ container nhập khẩu, xuất khẩu và tạm nhập, tái xuất tại khu vực I có giá từ 36-53 USD/container 20 feet và 55 - 81 USD/container 40 feet có hàng; khu vực III có giá bốc dỡ container từ 45 - 53 USD/container 20 feet và 68 - 81 USD/container 40 feet; Nhóm cảng biển số 5 có giá bốc dỡ container từ 23 - 27 USD/container 20 feet và 34 - 41 USD/container 40 feet.

Riêng hai cảng biển nước sâu Lạch Huyện và Cái Mép – Thị Vải được áp khung giá riêng.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.