Thế giới giao thông

Châu Âu muốn tăng thuế hàng không, hút khách đi tàu

19/08/2023, 08:02

Tại châu Âu, hàng không được miễn nhiều loại thuế nên chi phí di chuyển bằng máy bay ở nhiều tuyến cao hơn tàu.

Do đó nhiều quốc gia dự định tăng thuế đối với hàng không để tái đầu tư cho đường sắt, từ đó thu hút hành khách đi tàu, giảm phát thải ô nhiễm môi trường.

Nghịch lý đi tàu đắt hơn máy bay

img

Tại châu Âu, chi phí đi tàu trung bình cao gấp đôi so với chi phí đi máy bay.

Kế hoạch này vừa được Bộ trưởng Bộ Giao thông Pháp Clément Beaune công bố đầu tháng 8 nhằm đưa hoạt động đi lại bằng tàu hấp dẫn hơn, kéo gần khoảng cách giá giữa vé tàu và vé máy bay.

Chia sẻ với truyền thông, người đứng đầu ngành giao thông Pháp nhận định: “Nhiều người đã bị sốc vì thực tế, chi phí đi tàu còn đắt hơn cả máy bay”.

Nhìn trên toàn châu Âu có thể thấy bức tranh này diễn ra ở khắp mọi nơi. Tháng trước, tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace đã công bố phân tích cho thấy chi phí đi tàu trung bình tăng gấp đôi so với chi phí đi máy bay.

Công ty Vận động giao thông sạch (Transport and Environment - T&E) ước tính, nếu áp các loại thuế mà ngành hàng không Pháp đang được miễn trong năm 2022, tiền thuế thu về sẽ tăng lên 34,2 tỷ euro.


Trong báo cáo này, Greenpeace so sánh chi phí đi tàu và máy bay trên 112 tuyến ở châu Âu bao gồm 94 tuyến kết nối xuyên biên giới và nhận thấy, ở hầu hết các tuyến, chi phí đi máy bay đều rẻ hơn.

Một trong những yếu tố chính dẫn đến nghịch lý này là vì trên thực tế, ngành hàng không đang được hưởng lợi mức thuế thấp hơn.

Nếu đi từ thủ đô Paris (Pháp) đến Barcelona (Tây Ban Nha), ngành hàng không không chỉ được miễn thuế VAT mà còn được miễn thuế nhiên liệu máy bay phản lực kerosense.

Nếu thực hiện cùng hành trình bằng tàu, các công ty đường sắt sẽ phải trả thuế nhiên liệu và thuế VAT. Một khi công ty phải chịu chi phí cao hơn, chắc chắn giá vé cũng tăng cao.

“Trong thời đại khủng hoảng khí hậu hiện nay, việc miễn thuế đối với một ngành siêu phát thải như máy bay là không theo kịp những thách thức thời đại”, bà Jo Dardenne, Giám đốc chuyên về lĩnh vực hàng không đang làm việc tại Công ty Vận động giao thông sạch (Transport and Environment - T&E) cho biết.

Do đó, bà Jo Dardenne rất hoan nghênh kế hoạch của Pháp và hy vọng kế hoạch này sẽ có hiệu lực trong tương lai.

Giám đốc điều hành công ty đường sắt quốc doanh Pháp (SNCF), ông Jean-Pierre Farandou cho biết, vấn đề không phải nằm ở giá vé tàu mà chính là do giá vé máy bay chưa đủ đắt để thay đổi hành vi người dùng: “Tôi không hiểu tại sao ngành hàng không lại được miễn thuế đối với nhiên liệu kerosense trong khi bản thân tôi phải trả thuế nhiên liệu đối với dầu diesel”.

Trái với sự ủng hộ của ngành đường sắt, các nhà bảo vệ môi trường, ngành hàng không Pháp kịch liệt phản đối kế hoạch của chính phủ nước này.

Hiệp hội Hàng không châu Âu cho biết: “Pháp vốn là quốc gia áp đặt một số loại thuế máy bay cao nhất trong khu vực. Nếu tăng thuế hơn nữa, khó có thể đảm bảo giảm được khí thải trong ngành hàng không hay đầu tư nhiều hơn vào đường sắt”.

Hiệp hội này cũng chỉ ra tầm quan trọng của ngành hàng không đối với du lịch và kinh tế. Nếu tăng thuế sẽ dẫn tới giá vé máy bay tăng cao, kéo theo giảm nhu cầu đi lại.

Tuy nhiên, chuyên gia Dardenne phản bác, cuộc khủng hoảng khí hậu là mối đe dọa lớn hơn nhiều so với ngành du lịch. Những trận cháy rừng, sóng nhiệt ở mức độ mạnh chưa từng có xảy ra ở châu Âu mùa hè này trên thực tế đã cản trở người dân đi lại, nghỉ dưỡng.

Vấn đề của đường sắt châu Âu

img

Ngành hàng không ở châu Âu được miễn nhiều loại thuế hơn tàu như thuế nhiên liệu kerosense, thuế VAT.

Theo báo Euro News, bản thân ngành đường sắt cũng đang gặp rất nhiều vấn đề. Một yếu tố có thể khiến chi phí di chuyển bằng tàu trên các tuyến xuyên quốc gia tăng cao đó là thiếu sự hợp tác giữa các công ty tàu quốc doanh.

Nhiều hành khách gặp khó khăn khi muốn nối chuyến trên một số tuyến. Họ cần phải đặt vé qua hai công ty khác nhau nếu ở tuyến đó, hai công ty này không có thỏa thuận bán vé.

Chẳng hạn, với tuyến từ Brussels (Bỉ) đến Barcelona (Tây Ban Nha) qua Lyon (Pháp). Tại thành phố Lyon, hành khách phải chuyển từ tàu của SNCF sang tàu của Renfe (Tây Ban Nha) nhưng nếu chuyến tàu đầu tiên bị muộn, đồng nghĩa bạn bị nhỡ chuyến kết nối phía sau trong khi không được bồi thường hay được mua lại vé.

Bên cạnh đó, trong dịch vụ tàu không có công cụ Skyscanner - một công cụ tìm kiếm chuyến bay.

Theo một số nguồn tin trong ngành hàng không, một số trang web của các nhà vận hành tàu quốc doanh là các hệ thống cũ, không thể tích hợp với trang đặt vé tập trung của khu vực châu Âu. Do đó, hành khách rất khó tìm được hãng có giá vé tốt nhất.

Nhiều đề xuất để hút khách đi tàu

Ủy ban châu Âu đang phối hợp để triển khai “quy định dịch vụ vận tải điện tử đa phương tiện” để cải thiện quy trình đặt vé trên tàu, xe buýt và hàng không. Đề xuất này dự kiến được thông qua vào mùa thu.

Liên minh châu Âu cũng hướng đến cải cách thuế năng lượng, muốn áp thuế đối với nhiên liệu kerosense và điều chỉnh để giá năng lượng “xanh” rẻ hơn.

Tuy nhiên ở vấn đề này, hiện đang có sự bất đồng trong khối. Bộ Giao thông Pháp mong muốn nước này có thể công bố luật trước nhưng họ vẫn cần phải phối hợp với các quốc gia khác.

“Sẽ không thể áp thuế kerosense tại Pháp nếu không có Đức hay Italy cùng áp dụng. Chúng tôi cần hành động của cả Liên minh châu Âu”, Bộ trưởng Bộ Giao thông Pháp nói.

Bên cạnh đó, tổ chức Greenpeace cũng đề xuất trên quy mô cấp quốc gia, các Chính phủ cần hành động nhiều hơn nữa, kêu gọi các nước ra mắt các loại vé bảo vệ môi trường – loại vé dài hạn, vừa túi tiền có thể dùng đối với tất cả các phương tiện giao thông công cộng trên đất nước hoặc một khu vực.

Nhóm này cũng muốn các thực thể của Liên minh châu Âu chung tay tạo ra những cơ chế vé giao thông bảo vệ môi trường xuyên biên giới qua việc dỡ bỏ các chính sách trợ cấp cho hàng không, áp dụng hệ thống thuế dựa trên khí thải CO2 một cách công bằng hơn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.