Chính trị

Chủ tịch Quốc hội: Hà Nội cần giải bài toán tắc đường và ô nhiễm môi trường

14/03/2024, 12:26

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Luật Thủ đô (sửa đổi) cần phải giải được bài toán tắc đường và ô nhiễm môi trường ở Hà Nội.

"Người nước ngoài nói Hà Nội rất tuyệt vời, trừ không khí"

Sáng nay (14/3), tiếp tục chương trình phiên họp thứ 31, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, vấn đề của Thủ đô hiện nay là ô nhiễm môi trường.

"Nhiều người nước ngoài ở Thủ đô cho biết tất cả đều tuyệt vời trừ không khí. Luật Thủ đô sửa đổi có giải quyết được vấn đề này không. Nên phân quyền gì cho Hà Nội ở chỗ này?", Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi.

Chủ tịch Quốc hội: Hà Nội cần giải bài toán tắc đường và ô nhiễm môi trường- Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Chủ tịch Quốc hội rằng, tiêu chuẩn khí thải ô tô và xe máy thì Thủ đô cần phải quy định cao hơn, tích cực hơn đối với tiêu chí, tiêu chuẩn về môi trường.

"Nếu không có quy định về tiêu chuẩn khí thải của xe máy thì không giải quyết được vấn đề ô nhiễm và tắc nghẽn giao thông", Chủ tịch Quốc hội nói và cho biết, đề án tới đây có lộ trình hạn chế phương tiện giao thông nhưng mới chỉ nói đến vấn đề phí.

"Ở một số nước đi vào nội đô trong giờ cao điểm, nếu xe ô tô có một người thì không cho vào, ít nhất phải có 2 người mới được vào. Cho nên sinh viên các nước này có sáng kiến đứng ở ngã tư, xe nào muốn vào nội đô mà chỉ có một người thì ông thuê tôi ngồi lên xe để ông đủ điều kiện đi vào", ông Huệ cho hay.

Chủ tịch Quốc hội cũng lấy ví dụ trường hợp xây dựng nhà máy đốt rác phát điện, có quy hoạch rác thải, nhưng phát điện lại chưa có quy hoạch điện, khiến việc triển khai rất vất vả.

"Vậy trường hợp này giao thành phố quyết định có được không, vì điện đó chỉ là sản phẩm phụ?", ông Huệ gợi mở.

Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng cụ thể, câu chuyện của nhà máy đốt rác phát điện ở Sóc Sơn (Hà Nội) và cho biết khi làm Bí thư Hà Nội, ông phải mời Bộ Công thương đi giải quyết từng dự án, rất vất vả.

"Trong khi các địa phương chưa gỡ được, Luật Thủ đô cho phép gỡ cái này. Nếu có điều kiện đấu nối mà quy mô công suất không đáng kể thì giao thẩm quyền cho TP Hà Nội", Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội: Hà Nội cần giải bài toán tắc đường và ô nhiễm môi trường- Ảnh 2.

Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng.

Làm rõ thêm về phân cấp, phân quyền, Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho rằng, cần rà soát kỹ và đầy đủ những vấn đề về định mức, đơn giá, quy chuẩn, tiêu chuẩn trên tất cả các lĩnh vực.

Theo ông, hiện nay quy chuẩn về môi trường đang rất thiếu, cả định mức, đơn giá cũng như vậy nên khi xây dựng các công trình tiêu biểu của Hà Nội theo đơn giá bình thường thì không làm được.

"Ngay trạm sạc điện cho ô tô cũng không có tiêu chuẩn, quy định nào cả. Mỗi xe tiêu chuẩn khác nhau, không sử dụng chung được nên vô cùng lãng phí", ông Dũng nói và nhấn mạnh việc quy định giao thẩm quyền cho thành phố rất quan trọng.

Chủ động hơn về quyết biên chế, chi thu nhập tăng thêm

Phát biểu trước đó, về quản lý biên chế, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, việc có cơ chế để TP Hà Nội được chủ động hơn về biên chế, bảo đảm khả năng hoàn thành các nhiệm vụ, quyền hạn được giao là cần thiết.

Tuy nhiên, hiện nay việc quản lý biên chế đang được thực hiện tập trung, thống nhất theo Quy định số 70-QĐ/TW của Bộ Chính trị. Theo đó, Bộ Chính trị là cơ quan có thẩm quyền quyết định tổng biên chế và biên chế dự phòng của hệ thống chính trị, quyết định cụ thể biên chế theo nhiệm kỳ 5 năm của các cơ quan, tổ chức, địa phương.

Chủ tịch Quốc hội: Hà Nội cần giải bài toán tắc đường và ô nhiễm môi trường- Ảnh 3.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng.

Do đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị chỉnh lý dự thảo luật theo hướng giao HĐND thành phố xác định số lượng biên chế căn cứ vào danh mục vị trí việc làm, quy mô dân số, thực trạng công việc, đặc điểm an ninh, chính trị, an toàn xã hội... và khả năng cân đối ngân sách của TP Hà Nội. Khi bảo đảm tỷ lệ giữa tổng số biên chế so với tổng số dân không vượt mức tỷ lệ trung bình của cả nước thì có thể trình cấp có thẩm quyền quyết định.

Liên quan quy định thu nhập tăng thêm, theo ông Tùng, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan thấy rằng, việc quy định về chế độ tiền lương, thu nhập tăng thêm của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô là cần thiết, tương đồng với chính sách đặc thù đang được Quốc hội cho thí điểm thực hiện tại TP.HCM và một số địa phương khác.

"Do đó, đề nghị giữ nội dung này như Chính phủ trình để báo cáo, xin ý kiến cấp có thẩm quyền trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 7", ông Tùng nói.

Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, hiện nay các cơ quan hữu quan đang khẩn trương triển khai thực hiện chủ trương cải cách tổng thể chính sách tiền lương, nên vấn đề này cần được đặt trong tổng thể của cả hệ thống chính trị nói chung. Do đó, đề nghị không quy định về thu nhập tăng thêm của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô trong dự thảo Luật.

Do vấn đề này còn có ý kiến khác nhau, Thường trực Ủy ban Pháp luật trình Ủy ban Pháp luật xem xét, cho ý kiến chỉ đạo.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.