Xã hội

Chủ tịch Quốc hội: Hàng trăm nghìn tỷ chi lương, chi cho giáo dục đều là chi thường xuyên

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết việc chi thường xuyên hay chi đầu tư công không phụ thuộc vào giá trị mà do tính chất quyết định.

Cần giải thích luật để các bộ, ngành, địa phương an tâm thực hiện

Đặt vấn đề chất vấn trước Quốc hội sáng nay (6/11), đại biểu Trần Chí Cường (đoàn TP Đà Nẵng) cho biết Luật Ngân sách Nhà nước và các quy định hiện hành cho phép sử dụng chi thường xuyên ngân sách Nhà nước để mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động của bộ máy.

Chủ tịch Quốc hội: Hàng trăm nghìn tỷ chi lương, chi cho giáo dục đều là chi thường xuyên - Ảnh 1.

Đại biểu Trần Chí Cường (đoàn TP Đà Nẵng).

Tuy vậy, tại Luật Đầu tư công có nội dung quy định về tính chất của dự án đầu tư công dẫn tới cách hiểu, cho rằng toàn bộ các dự án xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, mua sắm tài sản, sửa chữa, nâng cấp… đều phải sử dụng nguồn vốn đầu tư công.

Điều này dẫn tới chồng lấn với các quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các quy định pháp luật chuyên ngành khác trong việc sử dụng chi thường xuyên để mua sắm, sửa chữa, nâng cấp tài sản công.

"Vấn đề này đã được nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra trong các kỳ họp trước và trong Báo cáo của Chính phủ cũng chưa được đề cập. Do vậy, đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính làm rõ các giải pháp để giải quyết?", đại biểu Cường nói.

Chủ tịch Quốc hội: Hàng trăm nghìn tỷ chi lương, chi cho giáo dục đều là chi thường xuyên - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, vướng mắc cần có sự giải thích luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện chính xác và yên tâm. Hiện, còn những vướng mắc trong triển khai thực hiện do chưa hiểu đầy đủ, thống nhất về chi thường xuyên, chi đầu tư.

Bộ trưởng Tài chính cho biết, định mức xây dựng với công trình giao thông và công trình kiến trúc đang được kiểm soát chặt chẽ và được thực tế kiểm nghiệm qua hàng chục năm và rất nhiều công trình. 

Ông cho rằng, không có gói thầu lãng phí mà nhiều định mức còn thấp so với thực tế chi phí. Như nhân công định mức cao nhất chỉ có 300.000 đồng, nhưng ở bên ngoài phải thuê đến 500.000 đồng một ngày.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn 

"Lãng phí ở đầu tư công, chúng tôi không nghĩ là do định mức mà nằm ở quá trình triển khai như ăn bớt khối lượng, chất lượng hoặc để thời gian thực hiện quá dài, lãng phí không đưa vào sản xuất, sử dụng, thiếu vốn, hay vốn chờ thủ tục", ông Phớc nói.

Trả lời bổ sung nội dung này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, về chi thường xuyên, vấn đề không hẳn là do Luật Đầu tư công, mà còn liên quan đến Luật Ngân sách Nhà nước. 

Về việc sửa chữa nâng cấp, hiện nay công tác này vẫn được triển khai bình thường, không có vướng mắc. Về đầu tư mới, phải thực hiện theo quy trình quy định trong Luật Đầu tư công.

"Hiện nay, Chính phủ đang trình Quốc hội nội dung, với dự án dưới 15 tỷ, thì có thể thực hiện dự án từ chi thường xuyên. Vấn đề này sẽ được Quốc hội quyết định", ông Dũng nói.

Chủ tịch Quốc hội: Hàng trăm nghìn tỷ chi lương, chi cho giáo dục đều là chi thường xuyên - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Dựa vào tính chất chứ không phải giá trị

Nói về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trong thực tiễn, quy định quy phạm pháp luật không có văn bản nào, trường hợp nào quy định mức chi thường xuyên và chi đầu tư mà căn cứ vào giá trị số tiền.

"Không phải trên 15 tỷ là đầu tư công, dưới 15 tỷ là chi thường xuyên, chúng ta chi lương, chi giáo dục - đào tạo hàng trăm nghìn tỷ thì đều là chi thường xuyên cả, đây là tính chất các khoản chi chứ không phải giá trị khoản chi", Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, cho đến bây giờ sau khi rà soát thì kết luận bước đầu không vướng Luật Ngân sách. Do đó, Quốc hội đã đưa nghị quyết đặc thù về chi thường xuyên và chi đầu tư ra khỏi chương trình.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, vấn đề này đã tranh luận nhiều. 

"Tại diễn đàn Quốc hội, tôi nhớ Bộ trưởng Bộ Tài chính nói "từ nay chúng ta không nói vấn đề này nữa". Hôm nay bộ trưởng lại nói lại vấn đề này, đã ba lần chúng tôi trả lời văn bản cho Chính phủ, có liên quan đến Luật Ngân sách hay không thì trong lần rà soát này Bộ Tài chính cũng không nói là phải rà soát", Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội: Hàng trăm nghìn tỷ chi lương, chi cho giáo dục đều là chi thường xuyên - Ảnh 4.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Giải trình thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng "khi tôi nói là "từ nay tôi không nói vấn đề này nữa", vì đã trình ba lần mệt quá nên không nói nữa chứ không phải đồng ý".

Sau đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp tục cho biết, vừa qua hai tổ tổng rà soát văn bản quy phạm pháp luật, một tổ do Phó thủ tướng Trần Lưu Quang làm tổ trưởng, một tổ do Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định làm tổ trưởng đã rà soát độc lập, tổng hợp các bộ, ngành địa phương, liên quan đến hơn 500 văn bản, nghị định, thông tư, luật, trong đó có Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách thì không có một bộ nào nói đến vấn đề ách tắc cả.

"Đại biểu có thể đọc trong báo cáo danh mục rà soát, để tường minh chúng tôi sẽ mời Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh báo cáo thêm vấn đề này. Trường hợp vướng mắc thì sẵn sàng sửa đổi bổ sung, chưa rõ thì sẵn sàng giải thích", Chủ tịch Quốc hội nói.

Cách hiểu rất khác nhau về việc lấy khoản chi thường xuyên cho đầu tư 

Giải trình thêm, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, sau khi Luật Đầu tư công năm 2019 và Luật Ngân sách nhà nước 2014 có hiệu lực, Bộ Tài chính ban hành nhiều thông tư, hướng dẫn để tạo hành lang pháp lý cho vấn đề này, trong đó có Thông tư 92/2017 quy định về lập dự toán, phân bổ và quyết toán kinh phí để thực hiện sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất.

Chủ tịch Quốc hội: Hàng trăm nghìn tỷ chi lương, chi cho giáo dục đều là chi thường xuyên - Ảnh 5.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh.

Thực hiện theo Thông tư 92/2017, các địa phương, bộ, ngành cũng không gặp vướng mắc khi sử dụng nguồn chi thường xuyên để cải tạo, bảo trì, nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất. 

Nhưng tới năm 2021, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 65 bãi bỏ Thông tư 92/2017 nêu trên. Từ đó, các địa phương, bộ ngành đều vướng mắc, không có cơ sở pháp lý để lập dự toán, thanh toán và thực hiện các khoản liên quan chi từ nguồn thường xuyên cho hạng mục có tính chất đầu tư.

Tại các phiên giải trình kỳ họp 5, Bộ trưởng Tài chính cho rằng nguyên nhân dẫn đến vướng mắc tại khoản 1 Điều 6 của Luật Đầu tư công. Theo đó, căn cứ vào tính chất, dự án đầu tư công được phân hai loại.

Một là dự án có cấu phần xây dựng là dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng dự án đã đầu tư xây dựng, bao gồm cả phần mua tài sản, mua trang thiết bị của dự án. Hai là dự án không có cấu phần xây dựng là dự án mua tài sản, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua, sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị, máy móc và dự án khác.

Theo ông Lê Quang Mạnh, Điều 6 Luật Đầu tư công chỉ nhằm phân loại dự án chứ không phải định nghĩa dự án đầu tư công. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng khẳng định trong các cuộc họp không có quy định cấm sử dụng khoản chi thường xuyên cho các hạng mục có tính chất đầu tư.

"Ở đây có cách hiểu rất khác nhau", ông Lê Quang Mạnh nhìn nhận và kiến nghị áp dụng Chương 14 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, để Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích để Bộ Tài chính có căn cứ sửa lại thông tư.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.