img
Chuyện chưa kể làm cầu dây văng có khẩu độ lớn nhất Việt Nam- Ảnh 1.

Cầu Mỹ Thuận 2 đã được đưa vào khai thác, giúp người dân miền Tây hóa giải nỗi lo ùn tắc mỗi dịp Tết đến. Song, ít ai biết được, đằng sau công trình quy mô này là sự vượt khó không mệt mỏi và những câu chuyện thú vị trong lựa chọn phương án thiết kế.

Chuyện chưa kể làm cầu dây văng có khẩu độ lớn nhất Việt Nam- Ảnh 2.

Tranh thủ những giây phút thảnh thơi hiếm hoi dịp cuối năm, cầm chiếc điện thoại trên tay lướt qua những bản tin, hình ảnh về những gương mặt rạng rỡ của người dân miền Tây lưu thông trên cầu Mỹ Thuận 2 mới được đưa vào khai thác, thoát cảnh ùn tắc trên cầu Mỹ Thuận 1 vào mỗi dịp lễ, Tết, ông Trần Quốc Bảo, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) bồi hồi nhớ về thuở đầu tiên "dò đường", lựa chọn phương án thiết kế cho công trình đặc biệt này.

Ông Bảo kể: cầu Mỹ Thuận 2 được bắt đầu nghiên cứu từ khoảng năm 2007 trong quá trình nghiên cứu dự án đường bộ cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.

Thời điểm ấy, nhiệm vụ TEDI được giao là tìm điểm đầu cho tuyến cao tốc chứ không phải nghiên cứu cụ thể phương án đầu tư cầu Mỹ Thuận.

"Tuy nhiên, việc tính toán vị trí cho cây cầu huyết mạch này lại đóng vai trò quan trọng. Xác định được cầu nằm ở đâu, việc "đặt tên" cho điểm đầu cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ mới đảm bảo tính tối ưu", ông Bảo nói.

Chuyện chưa kể làm cầu dây văng có khẩu độ lớn nhất Việt Nam- Ảnh 3.

Đại công trường thi công cầu Mỹ Thuận 2 thời điểm tết Nguyên đán 2023

Lãnh đạo TEDI nhớ lại: Thời điểm ấy, đánh giá các nhóm phương án đi về phía hạ lưu của cầu Mỹ Thuận, phía Bắc cắt qua khu nhà máy hiện hữu, phía Nam đi vào khu Quy hoạch trung tâm khu đô thị Tân Ngãi, TP Vĩnh Long và không phù hợp với hướng tuyến đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, thiết kế đã nghiên cứu 4 nhóm phương án vị trí cầu Mỹ Thuận 2 đi về phía thượng lưu.

Nhóm 1 cách cầu Mỹ Thuận hiện tại về phía thượng lưu 100 - 150m, cách xa hẳn vị trí hố xói nhưng gần với cầu Mỹ Thuận hiện tại và nằm trong khu vực quy hoạch TP Vĩnh Long.

Nhóm 2 là cách cầu Mỹ Thuận hiện tại về phía thượng lưu 350 - 600m, nằm ngoài và gần vị trí hố xói và nằm ngoài quy hoạch TP Vĩnh Long.

Nhóm 3 là cách cầu Mỹ Thuận hiện tại về phía thượng lưu 1.100m theo hướng tuyến quy hoạch đã được phê duyệt. Phương án này nằm ngoài quy hoạch TP Vĩnh Long nhưng đi qua chính giữa khu vực hố xói sâu.

Nhóm 4, cách cầu Mỹ Thuận hiện tại về phía thượng lưu khoảng 4.700m, nằm ngoài quy hoạch TP Vĩnh Long, cách xa hố sói nhưng cũng cách xa QL1A, khó thu hút lượng phương tiện.

Cầu Mỹ Thuận 2

Cầu Mỹ Thuận 2

Quá trình nghiên cứu, tư vấn cũng đồng thời xác định, theo quy hoạch, đoạn tuyến sông này đảm bảo cho luồng tàu biển có tải trọng 5.000 - 10.000 DWT đi lại, chiều dài nhịp chính phải được đưa ra trên cơ sở tính toán khẩu độ thông thuyền đảm bảo ít nhất từ 300m.

Từ đó, các phương án cầu phù hợp nhất được đưa ra, gồm: cầu vòm; cầu dây văng; cầu dây võng.

Trải qua quá trình "nâng lên đặt xuống", phương án cầu vòm được đánh giá đảm bảo tính thẩm mỹ, song, trong điều kiện tĩnh không rất cao (37,5m), chiều sâu mực nước lớn, điều kiện địa chất yếu, chiều dài nhịp chính từ 400m trở lên chưa đảm bảo tính kinh tế - kỹ thuật.

Dạng cầu treo dây võng có tính ổn định động lực học thấp nhất, kết cấu móng chưa phù hợp trong khu vực có tầng đất yếu với chiều sâu lớn, chi phí xây dựng cao, biện pháp thi công không quen thuộc với nhà thầu Việt Nam.

Phương án cầu dây văng có tính ổn định động lực học trung bình cũng là chi phí thấp nhất trong các kịch bản đưa ra.

"Để giảm chi phí đầu tư xây dựng, đảm bảo an toàn khai thác, nhóm thiết kế đã kiến nghị lựa chọn phương án tuyến 2 cách cầu Mỹ Thuận hiện tại 350m, sử dụng kết cấu cầu dây văng nhịp 350m", ông Bảo nhớ lại.

Công nhân thi công cầu Mỹ Thuận 2 Ảnh: Chí Hùng

Công nhân thi công cầu Mỹ Thuận 2 Ảnh: Chí Hùng

Chuyện chưa kể làm cầu dây văng có khẩu độ lớn nhất Việt Nam- Ảnh 6.

Bên ly cà phê tí tách từng giọt tại một ngõ nhỏ của Hà Nội ngày cận Tết, "ăn cơm dương gian, nói chuyện âm phủ" là câu nói được một kỹ sư giám sát thuộc TEDI (xin giấu tên) nhắc lại nhiều lần khi ôn lại ký ức thi công cầu Nhật Tân.

Theo vị kỹ sư, do địa chất khu vực thi công cầu có chiều sâu đất yếu dày, các lớp có khả năng sạt trượt cao, chiều dài cọc khoan nhồi được thi công có đường kính đến 2,5m, chiều sâu tới 110 - 114m.

"Khoảng 5 tháng đầu, trải qua 4 lần thử, việc thi công cọc đều không thành công. Đó là thời điểm rất áp lực", vị kỹ sư nói và tiếp lời: Không biết bao nhiêu cuộc họp giữa các bên liên quan để xác định nguyên nhân, tìm giải pháp được tổ chức.

Cuối cùng, tất cả đi đến thống nhất chuyển từ công nghệ khoan tuần hoàn nghịch sang tuần hoàn thuận.

Những công nhân bám lại công trường cầu Mỹ Thuận 2 thi công xuyên Tết 2023

Những công nhân bám lại công trường cầu Mỹ Thuận 2 thi công xuyên Tết 2023

Việc thi công cọc khoan nhồi ở cầu Mỹ Thuận 2 vẫn trải qua các bước: khoan tạo lỗ, làm sạch lỗ khoan, lùa lồng thép, đổ bê tông.

Khó ở chỗ, nếu các cọc đường kính 1,5 - 2m, chiều sâu 60 - 70m trở lại, cần khoan không phải vươn quá xa, việc kiểm soát vẫn dễ dàng thì với các cọc khoan nhồi của cầu Mỹ Thuận 2, lỗ khoan sâu, cần khoan phải rút ra nhiều lớp, lõi càng nhỏ và yếu dần.

"Đảm bảo an toàn trong điều kiện chiều sâu lớn, việc khoan tạo lỗ phải thực hiện từng chút một mà anh em chúng tôi thường gọi nôm na là theo kiểu "lấy ráy tai".

Thêm vào đó, nếu thi công các cọc thông thường, khối lượng mỗi lồng thép đưa xuống chỉ nặng vài chục tấn, khối lượng bê tông chỉ đến 100m3 thì tại cầu Mỹ Thuận 2, những lồng thép được đưa xuống nặng tới hơn 100 tấn với khối lượng bê tông mỗi cọc hơn 700m3. Nếu không có kinh nghiệm, phát sinh kỹ thuật có thể xảy ra bất cứ lúc nào", vị kỹ sư tư vấn nói.

Chuyện chưa kể làm cầu dây văng có khẩu độ lớn nhất Việt Nam- Ảnh 8.

Cầu Mỹ Thuận 2 nằm song song cầu Mỹ Thuận hiện hữu

Chuyện chưa kể làm cầu dây văng có khẩu độ lớn nhất Việt Nam- Ảnh 9.

Gói ghém 3 năm gắn bó với dự án cầu Mỹ Thuận 2, ông Nguyễn Tiến Thành, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính cũng kịp giữ lại cho mình nhiều kỷ niệm đẹp.

Là đơn vị đảm nhận thi công trụ tháp T15 (một trong hai trụ tháp chính của công trình), trụ neo T14 và 1/2 dầm chính dây văng phía Tiền Giang, ông Thành cho biết, thách thức lớn nhất trong giải bài toán tiến độ ở cầu Mỹ Thuận 2 là nhà thầu không thể tăng mũi thi công như thi công đường vì không thể tăng thêm xe đúc, lắp đồng thời hai ván khuôn neo.

Điều kiện thi công đặc thù đòi hỏi nhà thầu phải đáp ứng đủ ba yếu tố: tiến độ, chất lượng, an toàn để quá trình triển khai không bị gián đoạn. Trước mỗi hạng mục, nhà thầu đều phải họp, chỉ ra các rủi ro có thể gặp.

Theo lãnh đạo Công ty Trung Chính, công tác kiểm soát kích thước hình học cũng được coi là thành công nhất ở cầu Mỹ Thuận 2.

Đảm bảo kích thước hình học theo đúng thiết kế, hai nhà thầu thi công nhịp chính là Trung Chính và Trung Nam đã phối hợp theo phương án tuyệt đối cân bằng. Tức là trình tự thi công, tải trọng thi công và tiến độ thi công đều tương đồng nhau.

"Nhờ sự vào cuộc đồng bộ và sự chính xác trong thi công, cầu Mỹ Thuận 2 đã có được kỳ tích thi công các hạng mục còn lại trong khoảng thời gian từ lúc hợp long nhịp chính đến thời điểm hoàn thành.

Cầu Mỹ Thuận 2 có tổng kinh phí hơn 5.000 tỉ đồng - cầu dây văng do người Việt Nam thiết kế, xây dựng

Cầu Mỹ Thuận 2 có tổng kinh phí hơn 5.000 tỷ đồng>

Chuyện chưa kể làm cầu dây văng có khẩu độ lớn nhất Việt Nam- Ảnh 11.

Việc thi công các hạng mục: căng kéo cáp, điều chỉnh nội lực, thi công mặt cầu, lan can, điện chiếu sáng, sơn kẻ đường được thi công chỉ trong chưa đầy 3 tháng. Đây gần như là một kỷ lục mới trong thi công cầu dây văng tại Việt Nam.

Nếu không có sự tính toán kỹ lưỡng và vào cuộc ngày đêm, thời gian thực hiện các hạng mục trên sẽ mất không dưới 5 tháng.

Riêng phần việc của Công ty Trung Chính, theo hợp đồng ký kết, thời gian thi công là 26 tháng nhưng tổng thời gian thực tế chỉ là 24 tháng", ông Thành chia sẻ.

Nhắc đến thành quả có được tại dự án cầu Mỹ Thuận 2, lãnh đạo Công ty Trung Chính cũng không nhắc về sự trở lại của những "người cũ".

"Là anh Tùng, anh Như, anh Cường...> Đây là những công nhân đầu tiên của Việt Nam được nhà thầu nước ngoài đào tạo làm cầu Mỹ Thuận 1.

Sau đó, họ tiếp tục tham gia thi công một số cầu lớn khác rồi về quê sinh sống. Đến khi cầu Mỹ Thuận 2 được triển khai, qua lời giới thiệu, họ lại nộp hồ sơ ứng tuyến và xách ba lô đến công trường cống hiến dù đã bước sang ngưỡng tuổi hơn 50", ông Thành nói.

Chuyện chưa kể làm cầu dây văng có khẩu độ lớn nhất Việt Nam- Ảnh 12.

Thường trực chỉ đạo thi công tại hiện trường, Phó tổng giám đốc Công ty Trung Chính Nguyễn Tiến Thành cũng không quên thời điểm thi công hạng mục tháo dỡ K0, lắp xe đúc.

Ông Thành cho biết: Trong thi công cầu dây văng, giai đoạn thi công các hạng mục này là khó khăn nhất khi nhà thầu phải tháo dỡ 1.000 tấn đà giáo K0 (khối đầu tiên của dầm), vừa lắp dựng hai bộ xe đúc với trọng lượng 250 tấn/bộ, vừa phải thi công sợi cáp văng đầu tiên. Các công việc triển khai đồng thời và rơi đúng vào dịp Tết 2023.

"Khi ấy, tất cả đã xác định phải xa nhà ngày Tết, dồn lực cho công trường. Giữa không ít tâm tư, điều an ủi lớn nhất là dự án nhận được sự quan tâm đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ.

Khích lệ kỹ sư, công nhân bám công trường xuyên Tết, Thủ tướng đã đề nghị lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long lo Tết cho người lao động.

Các đội thi công cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ đã được tỉnh thưởng 4 con lợn. Thịt lợn tươi được làm và chia cho từng tổ đội.

Anh em ai nấy đều phấn chấn, quyết tâm trực chiến thi công như ngày thường", ông Thành kể.

Chuyện chưa kể làm cầu dây văng có khẩu độ lớn nhất Việt Nam- Ảnh 13.

Cầu Mỹ Thuận 2 là công trình được xây dựng hoàn toàn bằng bàn tay, khối óc của những kỹ sư, công nhân Việt Nam

Chuyện chưa kể làm cầu dây văng có khẩu độ lớn nhất Việt Nam- Ảnh 14.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.