Xã hội

Công chức uống rượu, bia lái xe khó thoát kỷ luật

24/10/2023, 06:32

Với quy trình xác minh như CSGT đang tiến hành, các cán bộ công chức, đảng viên vi phạm nồng độ cồn không thể khai báo quanh co để mong thoát kỷ luật của cơ quan, đơn vị nơi mình làm việc.

Dùng phiếu xác minh cán bộ

Tối 20/10, Tổ tuần tra xử lý vi phạm nồng độ cồn chéo địa bàn thuộc Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an TP Hà Nội ra quân như thường lệ. Sau khi chuẩn bị hàng rào phản quang và biển cảnh báo, một CSGT rẽ dòng xe cộ, yêu cầu toàn bộ tài xế xe ô tô lưu thông trên đường Lê Duẩn đi vào khu vực đặt biển báo, tiến hành kiểm tra nồng độ cồn.

Công chức uống rượu, bia lái xe khó thoát kỷ luật - Ảnh 1.

CSGT niêm phong xe của tài xế Nguyễn Huy T tối 20/10 trên đường Lê Duẩn.

Theo chân tổ công tác, PV ghi nhận trong 90 phút, CSGT đã kiểm tra đối với 105 tài xế ô tô lưu thông hướng Lê Duẩn đi Pháp Vân.

22h10 tối 20/10, tài xế Nguyễn Huy T (SN 1978, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) lái chiếc Toyota chở 4 phụ nữ là trường hợp thứ 98 bị tổ công tác kiểm tra. Đo nồng độ cồn, CSGT phát hiện ông T vi phạm mức 0,360 mg/lít khí thở. Ngay lập tức, tổ công tác lập biên bản xử phạt tài xế và niêm phong phương tiện để tạm giữ.

Tuy nhiên, khác với thời gian trước đây, tổ công tác đặc biệt còn lập phiếu xác minh cán bộ, đảng viên vi phạm nồng độ cồn để gửi về công an phường nơi ông T thường trú.

Việc gửi thông báo xác minh trên đều được áp dụng đối với tất cả tài xế vi phạm nồng độ cồn. Sau khoảng 2 - 4 ngày, công an phường sẽ gửi kết quả xác minh cho Phòng CSGT để xác định tài xế có phải là công chức, viên chức hay không. Các trường hợp vi phạm nếu là cán bộ, công chức hay viên chức, CSGT sẽ gửi thông báo cho cơ quan, đơn vị nơi họ công tác để có biện pháp phối hợp, xử lý.

Cũng với cách thức xác minh như trên, ngày 22/9, Phòng CSGT Hà Nội đã làm rõ tài xế Lê Hải Q (người không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn của CSGT) là Chủ tịch UBND phường Trần Phú, quận Hoàng Mai.

Đêm 18/9, ông Q lái ô tô Mazda CX5 sau khi đã sử dụng rượu, bia, lưu thông trên đường Giải Phóng. Khi tổ công tác CSGT Công an Hà Nội đề nghị kiểm tra nồng độ cồn, tài xế này không chấp hành, không xuất trình giấy tờ liên quan. CSGT đã gửi phiếu xác minh và làm rõ nhân thân của ông Q, chỉ sau 3 ngày gửi phiếu.

Ngoài Hà Nội, một số địa phương khác như Thái Nguyên, TP.HCM cũng triển khai quy trình xác minh cán bộ, đảng viên vi phạm nồng độ cồn. Đơn cử như tại Thái Nguyên, trong hơn 1 tháng, lực lượng CSGT đã gửi trên 1.000 phiếu xác minh về địa phương.

Về việc xử lý cán bộ vi phạm, các cơ quan quản lý nhiều tỉnh, thành phố cũng rất quyết liệt vào cuộc sau khi CSGT gửi thông báo tài xế vi phạm về nơi công tác.

Như trường hợp của Chủ tịch UBND phường Trần Phú nêu trên, sau khi nhận được thông báo, Quận ủy Hoàng Mai đang hoàn tất quy trình để xử lý kỷ luật nghiêm minh đối với ông Q.

Hay như tại Bình Dương, ngày 29/9, Cục Thuế tỉnh này ra quyết định tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với ông H.V.S (cán bộ Đội thuế Liên xã số 3 thuộc Chi cục thuế khu vực Bến Cát). Lý do là ông S đã không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn khi lái xe.

Dần hình thành thói quen, văn hóa giao thông

Trao đổi với Báo Giao thông, đại tá Nguyễn Quang Nhật (Trưởng phòng Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông thuộc Cục CSGT) cho biết, sau 45 ngày tuần tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn, lực lượng CSGT toàn quốc và 6 tổ công tác của Cục đã ra quân, xử lý quyết liệt vi phạm. Kết quả đã tạo sự chuyển biến tích cực.

Nhìn nhận về quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn trên tinh thần "không có vùng cấm", "không có ngoại lệ" trong thời gian vừa qua, Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ (nguyên Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội) đánh giá, kế hoạch này bước đầu đã đạt được nhiều kết quả.

"Rõ ràng việc kiểm tra, xử lý quyết liệt vừa qua đã làm giảm sâu tình trạng tài xế vi phạm về nồng độ cồn", ông Bộ khẳng định và cho rằng, thời gian tới, lực lượng CSGT cần tiếp tục triển khai kế hoạch này trên toàn quốc, hoặc có thể có phương án khác để tiếp tục duy trì những hiệu quả đã đạt được.

Cùng quan điểm, luật sư Trần Tuấn Anh (Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhấn mạnh, thực tế cho thấy việc quyết liệt xử lý vi phạm về nồng độ cồn đã mang lại nhiều tích cực. Việc lực lượng CSGT có thêm quy trình xác minh để làm rõ, xử lý người vi phạm là công chức, viên chức cho thấy chúng ta đã có được sự công bằng về pháp luật.

"Đây cũng là mục tiêu mà pháp luật hướng tới, đó là sự thay đổi hành vi và thói quen của người tham gia giao thông, hình thành văn hóa giao thông lành mạnh. Trước đây người có chức vụ hoặc cán bộ trong ngành công an mà vi phạm nồng độ cồn, họ thường tìm mọi cách để được bỏ qua.

Tuy nhiên, từ khi có thêm bước xác minh nhân thân và sự quyết liệt xử lý của CSGT, những cá nhân này vẫn bị xử lý như người khác", luật sư Tuấn Anh nhìn nhận và đề xuất, lực lượng CSGT cần duy trì các kế hoạch trên một cách thường xuyên, liên tục và không dừng lại ở các đợt cao điểm.

Xử lý gần 200 cán bộ, công chức

Theo thống kê của Cục CSGT, từ ngày 15/9 - 14/10, lực lượng chức năng toàn quốc phát hiện và lập hồ sơ xử phạt đối với hơn 6.500 trường hợp vi phạm nồng độ cồn và không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn. Trong số này đã xác minh được 192 người là đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và đang tiếp tục xác minh để gửi thông báo về cơ quan, đơn vị.

Đồng thời, lực lượng công an còn tập trung đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, rà soát các tuyến địa bàn, các tụ điểm ăn nhậu. Từ đó, đưa ra đánh giá và tập trung lực lượng để thực hiện công tác tuần tra kiểm soát tại các khu vực này..


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.