Xã hội

Covid-19 ngày 19/3: Hà Nội có 21.071 F0 mới, bổ sung 190.000 ca

19/03/2022, 18:10

Covid-19 ngày 19/3: Cả nước ghi nhận 150.618 ca nhiễm mới, 77 F0 tử vong. Hà Nội vẫn có số ca nhiễm mới nhiều nhất cả nước với hơn 21.000 ca.

Tin tức Covid-19 mới nhất hôm nay

Theo thống kê của Bộ Y tế, tính từ 16h ngày 18/3 đến 16h ngày 19/3, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 150.618 ca nhiễm mới, trong đó 12 ca nhập cảnh và 150.606 ca ghi nhận trong nước (giảm 12.559 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 99.644 ca trong cộng đồng).

Trong đó, Hà Nội vẫn nhiều nhất cả nước với 21.071 ca, sau đó là Nghệ An 11.099 ca, Phú Thọ 6.681 ca, Hải Dương 4.938 ca, Lạng Sơn 4.713 ca, Tuyên Quang 4.598 ca, Lào Cai 4.587 ca, Đắk Lắk 4.466 ca...

img

Tin tức Covid-19 liên tục được cập nhật trên Báo Giao thông ngày 19/3/2022.

Hà Nội đăng ký bổ sung 190.000 ca

Ngày 19/3 Sở Y tế Hà Nội đăng ký bổ sung 190.000 ca, Sở Y tế Nam Định đăng ký bổ sung 48.861 ca và Sở Y tế Bắc Ninh đăng ký bổ sung 35.250 ca trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bắc Ninh (-2.876), Hà Nội (-2.507), Phú Thọ (-1.361).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Nghệ An (+1.131), Bắc Giang (+772), Hải Dương (+531).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 168.014 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 7.791.841 ca nhiễm, đứng thứ 14/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 121/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 78.878 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 7.784.177 ca, trong đó có 3.988.576 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.151.105), TP. Hồ Chí Minh (581.285), Bình Dương (358.382), Nghệ An (336.515), Hải Dương (310.501).

Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 129.434 ca; Tổng số ca được điều trị khỏi: 3.991.393 ca.

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.691 ca, trong đó thở ô xy qua mặt nạ: 2.982 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 338 ca; Thở máy không xâm lấn: 92 ca; Thở máy xâm lấn: 275 ca; ECMO: 4 ca.

Cả nước có 77 bệnh nhân tử vong

Từ 17h30 ngày 18/3 đến 17h30 ngày 19/3 ghi nhận 77 ca tử vong tại: Quảng Nam (14 ca trong 3 ngày), Bình Thuận (4), Cao Bằng (4), Đắk Lắk (4), Bạc Liêu (3), Hà Giang (3), Khánh Hòa (3), Kiên Giang (3), Ninh Bình (3), Quảng Ninh (3), TP. Hồ Chí Minh (3), Bắc Giang (2), Bắc Kạn (2), Cần Thơ (2), Đà Nẵng (2), Hà Nam (2), Lâm Đồng (2), Lạng Sơn (2), Nam Định (2 ca trong 2 ngày), Phú Yên (2), Thanh Hóa (2), Vĩnh Long (2), An Giang (1), Bình Định (1), Bình Phước (1), Cà Mau (1), Đồng Nai (1), Hà Tĩnh (1), Tây Ninh (1), Thái Bình (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 75 ca.

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 41.817 ca, chiếm tỷ lệ 0,5%so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 129/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 24/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu việc tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ 3-5 tuổi

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản 1722/VPCP-KGVX ngày 19/3/2022 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tiêm, mua và thúc đẩy sản xuất vaccine trong nước.

img

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Xét báo cáo của Bộ Y tế về tình hình và kết quả công tác phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo việc nghiên cứu tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 4 cho người lớn và mũi 3 cho trẻ em và tiêm cho trẻ em từ 3 đến 5 tuổi; có kế hoạch mua và thúc đẩy sản xuất vaccine trong nước, bảo đảm khoa học, an toàn và hiệu quả.

Thống kê trên cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 đến 14h30 ngày 17/2 cho biết cả nước đã tiêm tổng cộng gần 190 triệu liều vaccine phòng COVID-19.

Số vaccine phòng COVID-19 tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là hơn 170 triệu liều, trong đó mũi 1 hơn 70 triệu liều; mũi 2 hơn 68 triệu liều; mũi bổ sung hơn 12 triệu liều và mũi 3 hơn 19 triệu liều.

53/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 vaccine phòng COVID-19 trên 90%; 10/63 tỉnh, thành phố còn lại có tỷ lệ bao phủ mũi 2 từ 82% - dưới 90% gồm: Thanh Hóa, Phú Thọ, Hòa Bình, Cao Bằng, Sơn La, Điện Biên, Phú Yên, Tây Ninh, Trà Vinh, Bình Dương.

Số vaccine phòng COVID-19 đã tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là hơn 16 triệu liều gồm: mũi 1 hơn 8 triệu liều; mũi 2 hơn 7 triệu liều.

45/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 vaccine phòng COVID-19 cho trẻ trong độ tuổi này trên 90%; 10/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 từ 80-dưới 90% gồm Hải Phòng, Phú Thọ, Bắc Kạn, Hà Giang, Quảng Bình, Ninh Thuận, Gia Lai, TP.HCM, Tây Ninh, Cần Thơ.

img

Cấp thuốc cho F0 điều trị tại nhà. Ảnh: TTXVN

Đắp tỏi, bé 2 tháng tuổi tím tái, nguy kịch

Bé trai 2 tháng tuổi vào cấp cứu trong tình trạng sốt cao 40 độ C, li bì, co giật nhiều cơn kéo dài, tím tái, bỏng vùng bụng độ I.

Bé được đưa vào cấp cứu tại một BV ở Phú Thọ, kết quả test nhanh dương tính với virus SARS-CoV-2. Các bác sĩ đã nhanh chóng xử trí cấp cứu đặt ống nội khí quản, thở máy và dùng vận mạch, an thần, kháng sinh.

Sau khi được cấp cứu tích cực bé đã may mắn vượt qua giai đoạn nguy kịch.

Sau khi thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết, tiến hành hội chẩn, các bác sĩ chẩn đoán bé theo dõi viêm não, màng não, shock nhiễm khuẩn trên nền nhiễm SARS-CoV-2.

Khai thác tiền sử bệnh của bé từ gia đình cho biết: Bé phát hiện mắc Covid-19 ngày thứ 4, sốt cao, bú kém, ở nhà uống thuốc hạ sốt không giảm sốt, gia đình đã đắp tỏi vùng bụng của bé để chữa Covid-19 và đắp lá vùng thóp để hạ sốt.

Tuy nhiên tình trạng bé ngày càng nặng, sốt li bì, vùng bụng phồng rộp, gia đình đã đưa bé đi cấp cứu.Các bác sĩ cho hay, trẻ nhiễm SARS-CoV-2 nếu sốt cao không đáp ứng với thuốc hạ sốt, cần cho trẻ đến viện để được thăm khám và xử trí. Ngoài tình trạng co giật do sốt, khi trẻ nhiễm virus SARS-CoV-2 dễ bội nhiễm vi khuẩn gây shock nhiễm khuẩn, bản thân virus SARS-CoV-2 cũng có thể tấn công vào nhiều cơ quan đặc biệt nguy hiểm như: tim, phổi, thần kinh….

Người dân tuyệt đối không được dùng tỏi, lá thuốc hoặc bất cứ loại thuốc nào không được các bác sĩ khuyến cáo đắp hoặc cho trẻ uống.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.