Y tế

Đi khám quên thẻ BHYT, người bệnh có được thanh toán?

21/12/2023, 09:49

Bà N.M.L (66 tuổi, ở Hà Nội) đi khám bệnh đúng tuyến nhưng không tìm thấy thẻ BHYT nên phải khám và nhận thuốc tại khu khám theo yêu cầu. Khi về nhà, bà L đã tìm được thẻ BHYT. Trường hợp này, người khám bệnh có được làm thủ tục thanh toán hay không?

Được thanh toán trực tiếp phí khám chữa bệnh BHYT

Liên quan đến quyền lợi của người tham gia BHYT như trường hợp của bà L, đại diện cơ quan BHXH cho biết theo quy định tại khoản 4 Điều 30 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ, người có thẻ BHYT đi khám chữa bệnh tại nơi đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu nhưng không xuất trình thẻ BHYT thì được cơ quan BHXH thanh toán trực tiếp chi phí khám chữa bệnh BHYT.

BHXH sẽ thanh toán theo chi phí thực tế trong phạm vi được hưởng và mức hưởng BHYT nhưng tối đa không quá 0,15 lần mức lương cơ sở tại thời điểm khám chữa bệnh đối với trường hợp khám chữa bệnh ngoại trú và tối đa không quá 0,5 lần mức lương cơ sở tại thời điểm ra viện đối với trường hợp khám chữa bệnh nội trú.

Đi khám quên thẻ BHYT, người bệnh có được thanh toán?   - Ảnh 1.

Tích hợp thẻ BHYT vào Căn cước hoặc ứng dụng VssID giúp người dân thuận lợi hơn khi khám chữa bệnh.

Để làm thanh toán, người bệnh tham gia BHYT cần mang hồ sơ đến cơ quan BHXH cấp huyện nơi cư trú để được giải quyết, hồ sơ gồm có: Bản chụp các loại giấy tờ sau (mang theo bản gốc để đối chiếu): thẻ BHYT, giấy tờ chứng minh nhân thân có ảnh; phiếu khám bệnh hoặc sổ khám bệnh của lần khám chữa bệnh đề nghị thanh toán; bản chính hóa đơn và các chứng từ có liên quan.

Về nguyên tắc, quỹ BHYT chi trả các chi phí khám chữa bệnh BHYT (thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật) theo danh mục và mức giá do Bộ Y tế quy định. Do đó, người tham gia BHYT sẽ được cơ quan BHXH thanh toán các chi phí trong phạm vi chi trả của quỹ BHYT và mức hưởng trên thẻ BHYT.

Đối với các chi phí chênh lệch do khám chữa bệnh tại khu vực khám chữa bệnh theo yêu cầu (nếu có), người tham gia BHYT phải tự chi trả.

Có thể tích hợp thẻ BHYT vào căn cước công dân

Thực hiện Quyết định 1911của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an đã phối hợp với BHXH Việt Nam triển khai đồng bộ dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tích hợp thông tin tích hợp thẻ BHYT vào căn cước công dân, phục vụ người dân và cơ quan y tế xác thực thông tin công dân khi đi khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế.

Một số lưu ý khi tích hợp thông tin BHYT vào căn cước: Thẻ BHYT phải còn hiệu lực; Căn cước phải có mã QR; Thông tin trên Căn cước và thẻ BHYT phải chính xác.

Cách để tích hợp thẻ BHYT và căn cước công dân:

- Người dân chỉ cần mang theo căn cước và thẻ BHYT còn hiệu lực đến cơ quan BHXH gần nhất để yêu cầu tích hợp. Sau khi tích hợp xong, sẽ được nhận lại căn cước có tích hợp thông tin BHYT.

- Người dân có thể thực hiện tích hợp thông tin BHYT vào căn cước gắn chip trực tuyến trên website Cổng dịch vụ công BHXH Việt Nam bằng chức năng thay đổi số căn cước công dân trên VssID.

Cách này được áp dụng trong trường hợp người dân đã đăng ký sử dụng ứng dụng VssID trước khi có thẻ căn cước gắn chip 12 số.

Sau khi người dân cập nhật thành công thông tin thẻ căn cước gắn chip lên hệ thống thì dữ liệu thẻ BHYT sẽ được tự động tích hợp vào căn cước gắn chip. Lúc này, người dân có thể đi khám chữa bệnh bằng thẻ căn cước gắn chip.

- Người lao động có thể sử dụng ứng dụng VssID để tích hợp thẻ BHYT vào căn cước gắn chip trong trường hợp người dân đã có thẻ căn cước gắn chip 12 số và chưa đăng ký sử dụng VssID.

Khi đăng ký tài khoản sử dụng VssID bằng thẻ cn cước gắn chip thì thẻ BHYT của cá nhân sẽ được tự động tích hợp vào căn cước của cá nhân đó. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.