Y tế

Dịch mủ tràn từ ổ áp xe má bệnh nhân, do tiêm filler làm đẹp

31/08/2023, 11:03

Mới đây, 1 nữ bệnh nhân gặp biến chứng nhiễm trùng với ổ mủ áp xe má sau khi tiêm filler làm đẹp thường xuyên.

Nhập viện sau tiêm filler làm đẹp

Ngày 31/8, ThS Lưu Phương Lan, Trung tâm Phẫu thuật Sọ mặt và Tạo hình, BV Trung ương Quân đội 108 cho biết, tại đây đã tiếp nhận một bệnh nhân nữ bị áp xe má sau tiêm filler thường xuyên để trẻ hóa khuôn mặt.

Nặn đầy dịch mủ từ ổ áp xe má cho cô gái ham tiêm filler làm đẹp - Ảnh 1.

Các bác sĩ BV Trung ương Quân đội can thiệp ca biến chứng sau tiêm filler làm đẹp.

Bệnh nhân gặp biến chứng nhiễm trùng sau tiêm filler do các kỹ thuật không vô trùng và sử dụng các sản phẩm filler không an toàn.

Tại Trung tâm Phẫu thuật sọ mặt và tạo hình, các bác sĩ đã phẫu thuật chích rạch áp xe, khâu đóng và sau đó tái tạo lại phần bị biến chứng. Dù được can thiệp vẫn có thể để lại những di chứng về thể chất hoặc tinh thần.

Cách đây không lâu, các bác sĩ BV Da liễu TP.HCM cũng tiếp nhận một bệnh nhân nam trẻ tuổi trong tình trạng dái tai bầm tím, đau nhức.

Theo lời bệnh nhân, do muốn có tai dài, dày, to như tai Phật nên cách đó mấy ngày có nhờ một người bạn (làm nhân viên spa) mua filler với chi phí hơn 1triệu đồng về nhà tiêm. Sau tiêm 1 ngày dái tai bắt đầu đau nhức, căng cứng. Dù được tiêm giải, uống kháng sinh, kháng viêm nhưng tình trạng đau nhức không thuyên giảm. Lo lắng nên bệnh nhân này vội đến BV Da Liễu TP. HCM khám.

Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán bị tắc mạch và loét hoại tử một phần dái tai. Nguyên nhân có thể do người tiêm thực hiện sai kỹ thuật nên tiêm vào mạch máu; hoặc do filler là hàng trôi nổi, không đảm bảo chất lượng.

Tình trạng biến chứng sau tiêm filler làm đẹp khá phổ biến, do thủ thuật này đang được thực hiện tràn lan ở bất kỳ cơ sở làm đẹp nào từ spa, đến thẩm mỹ viện.

Nặn đầy dịch mủ từ ổ áp xe má cho cô gái ham tiêm filler làm đẹp - Ảnh 2.

Dịch mủ được nặn ra khi chích rạch ổ áp xe trên má bệnh nhân.

Tránh biến chứng cần lưu ý gì?

Theo ThS Phương Lan, tiêm filler là một trong những thủ thuật được thực hiện phổ biến nhất trong da liễu thẩm mỹ do khả năng lấy lại vẻ ngoài trẻ trung mà không cần đến phẫu thuật. Hơn nữa, việc thực hiện tại phòng khám dễ dàng không cần gây mê, gây tê, thời gian nghỉ dưỡng tối thiểu và được cho là an toàn với cơ thể.

Tuy nhiên cần có 2 yếu tố để phòng biến chứng là chất lượng filler và người thực hiện có chuyên môn. Theo đó, filler phải đảm bảo chất lượng được chứng nhận bởi FDA. Và người thực hiện tiêm filler cần hiểu rõ cấu trúc giải phẫu, có kiến thức, phát hiện và xử trí biến chứng để đảm bảo mang lại kết quả thẩm mỹ an toàn tối ưu.

"Trên thực tế cùng với sự gia tăng số lượng thủ thuật tiêm filler là sự gia tăng ca biến chứng xảy ra. Filler vẫn là chất lạ đối với cơ thể, nếu bị lợi dụng hoặc thực hiện bởi người thiếu chuyên môn thì có thể gặp những biến chứng khó lường: nhiễm trùng, áp xe, tắc mạch, hoại tử…", BS Lan khuyến cáo.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.