Đường bộ

Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu khởi động dự án đường Vành đai 4 TP.HCM

25/04/2024, 17:31

Đồng Nai đang từng bước triển khai các thủ tục, hồ sơ liên quan đến dự án đường Vành đai 4 TP.HCM mà các tỉnh có dự án đi qua đang khởi động.

Từng bước chuyển động

Theo báo cáo của Sở GTVT Đồng Nai, dự án này UBND tỉnh Đồng Nai đã giao cho Công ty Cổ phần Tập đoàn MIK Group Việt Nam làm nhà đầu tư lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. 

Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu khởi động dự án đường Vành đai 4 TP.HCM- Ảnh 1.

Ngoài Vành đai 4 đang từng bước hoàn thiện thủ tục, hồ sơ liên quan thì hiện nay nhiều tỉnh, thành như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương cũng đang triển khai đường Vành đai 3, nhiều hạng mục trên tuyến dần thành hình.

Đến nay, đơn vị này đã hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và lấy ý kiến của các đơn vị liên quan. Công ty cũng đã trình Sở Kế hoạch - Đầu tư thẩm định về tổng mức đầu tư hơn 19.151 tỷ đồng, vốn Nhà nước tham gia dự án khoảng hơn 9.575 tỷ đồng (chiếm 50%).

Về đầu tư cầu Thủ Biên sẽ do UBND tỉnh Bình Dương nghiên cứu triển khai. Với cầu Bàu Cạn nối Đồng Nai với Bà Rịa - Vũng Tàu, hai địa phương đã thống nhất cây cầu này thuộc đoạn qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, do tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đầu tư. UBND tỉnh Đồng Nai sẽ triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Đồng Nai đề xuất được sử dụng ngân sách địa phương này hỗ trợ địa phương khác triển khai đầu tư công của dự án qua hai địa phương (ví dụ cầu Thủ Biên giữa địa bàn tỉnh Đồng Nai với tỉnh Bình Dương và cầu kết nối giữa tỉnh Đồng Nai với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu khởi động dự án đường Vành đai 4 TP.HCM- Ảnh 2.

Đường Vành đai 4 TP.HCM đoạn qua Đồng Nai dài 45,6km.

Tương tự, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã có đề xuất nhiều cơ chế đặc thù để triển khai dự án như chính sách về khai thác vật liệu xây dựng, chính sách giải phóng mặt bằng giống như những dự án cao tốc trọng điểm quốc gia khác.

Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đang hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục liên quan. Trong đó, ở quý II/2024, tỉnh sẽ hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Đến quý IV hoàn thành công tác lập, thẩm tra, thẩm định và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi. Từ quý II/2024 đến quý II/2025 dự kiến hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và xây dựng một số hạng mục phụ trợ. Giai đoạn quý IV/2024 đến quý IV/2027 sẽ lựa chọn nhà đầu tư và triển khai dự án.

Để sẵn sàng cho dự án, HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã có nghị quyết điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh, trong đó bố trí kế hoạch vốn 1.600 tỷ đồng làm kinh phí thực hiện giải phóng mặt bằng.

Chủ động cân đối nguồn vốn 

Trước đó, ngày 17/4, UBND TP.HCM đã có văn bản gửi các địa phương, trong đó có tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu về tình hình triển khai dự án đường Vành đai 4, đề nghị các địa phương cân đối nguồn vốn để có thể chủ động triển khai ngay sau khi dự án được thông qua.

Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu khởi động dự án đường Vành đai 4 TP.HCM- Ảnh 3.

Phối cảnh một đoạn tuyến đường Vành đai 4 TP.HCM.

Trong văn bản, TP.HCM nêu rõ các địa phương đều thống nhất quy mô dự án có mặt cắt ngang (giai đoạn 1) tối thiểu 4 làn xe, có làn dừng xe khẩn cấp bố trí liên tục và dải phân cách giữa hai chiều xe chạy. 

Đồng thời, thống nhất để TP.HCM chủ trì, cùng lựa chọn một đơn vị tư vấn rà soát, lập báo cáo đánh giá tổng thể chung cho các dự án và nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng chung cho toàn bộ dự án; Sớm hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để trình cấp thẩm quyền thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư.

Đối với vị trí giáp ranh kết nối giữa hai tỉnh như cầu Thủ Biên kết nối giữa tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai; Cầu Bàu Cạn kết nối giữa tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM đề nghị các tỉnh chủ động trao đổi để thống nhất phương án đầu tư.

Theo kế hoạch, các địa phương sẽ xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho các dự án để sớm trình lên các bộ, ngành liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trình Quốc hội thông qua trong tháng 6/2024.

Đường Vành đai 4 TP.HCM dài 206,8km đi qua 5 tỉnh, thành phố. Trong đó, đoạn thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dài 18,7km; Đồng Nai: 45,6km; Bình Dương: 47,45 km; TP.HCM: 17,3km; Long An: 78,3km.

Giai đoạn 1 các địa phương sẽ đầu tư 4 làn cao tốc hoàn chỉnh, giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch 8 làn. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 105.964,6 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng khoảng 33.095 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng 47.258 tỷ đồng.

Thống nhất Vành đai 4 rộng 25,5m, đề xuất Trung ương hỗ trợ 90% kinh phíThống nhất Vành đai 4 rộng 25,5m, đề xuất Trung ương hỗ trợ 90% kinh phí

UBND tỉnh Long An có thông báo kết luận thống nhất một số nội dung của dự án đường Vành đai 4 TP.HCM qua Long An.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.