Điều tra

Dự án Đại Ninh hơn 25.000 tỷ sai phạm gì trước khi nhiều quan chức Lâm Đồng bị bắt?

25/01/2024, 17:25

Sau gần 10 năm, Công ty Sài Gòn - Đại Ninh chỉ đầu tư xây dựng được 15 nhà làm việc và nghỉ dưỡng cho chuyên gia, 1 hội trường, 6 trạm dừng chân cùng khoảng 20km đường nội bộ.

Siêu dự án làm gần 10 năm không xong

Mở rộng điều tra vụ án xảy ra tại dự án Khu đô thị Sài Gòn - Đại Ninh tỉnh Lâm Đồng và một số địa phương, ngày 24/1, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Trần Đức Quận (Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng).

Trước đó, C03 đã khởi tố Chủ tịch Lâm Đồng Trần Văn Hiệp và cựu Chánh thanh tra tỉnh Nguyễn Ngọc Ánh do liên quan đến những sai phạm tại dự án trên.

Liên quan vụ án, hôm 11/8/2023, cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam bà Trần Bích Ngọc (Vụ trưởng Vụ Theo dõi công tác thanh tra; giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thuộc Văn phòng Chính phủ).

Dự án Đại Ninh hơn 25.000 tỷ sai phạm gì trước khi nhiều quan chức Lâm Đồng bị bắt?- Ảnh 1.

Chủ tịch Lâm Đồng Trần Văn Hiệp (trái) và Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Quận.

Năm 2020, Thanh tra Chính phủ ban hành kết luận thanh tra về việc quản lý, sử dụng đất đai và đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Trong văn bản này, cơ quan thanh tra kiến nghị chấm dứt hoạt động, thu hồi đất của 3 dự án do qua kiểm tra, xác minh có vi phạm pháp luật đất đai và đầu tư.

Cụ thể là các dự án: Vườn ươm do Công ty cổ phần Dịch vụ đô thị Đà Lạt thuê tại phường 7, TP Đà Lạt với diện tích gần 80.000m2; dự án xây dựng khu dịch vụ du lịch và nghỉ dưỡng cao cấp King Palace do Công ty TNHH Hoàn cầu làm chủ đầu tư tại phường 10, TP Đà Lạt.

Ngoài ra, còn có siêu dự án xây dựng khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh (dự án Đại Ninh) ở huyện Đức Trọng do Công ty cổ phần Đầu tư du lịch Sài Gòn - Đại Ninh làm chủ đầu tư.

Dự án Đại Ninh nằm trên địa bàn 4 xã của huyện Đức Trọng, gồm khu đô thị trung tâm, khu biệt thự đa năng, đảo xanh và khu ven hồ. Đất công trình công cộng gồm công trình trung tâm, dịch vụ công cộng, văn hóa giáo dục, thương mại - dịch vụ - tài chính, khu nghỉ dưỡng khách sạn…

Dự án này còn có công viên là rừng nguyên sinh, vườn hoa thế giới, khu bảo tồn thiên nhiên… tọa lạc trên diện tích đất hơn 3.500ha.

Theo cơ quan thanh tra, tổng nguồn vốn đầu tư cho dự án Đại Ninh khoảng 25.000 tỷ đồng. Công trình được thực hiện từ năm 2010, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2018.

Tuy nhiên, sau gần 10 năm Công ty Sài Gòn - Đại Ninh chỉ đầu tư xây dựng được 15 nhà làm việc và nghỉ dưỡng cho chuyên gia, 1 hội trường, 6 trạm dừng chân cùng khoảng 20km đường nội bộ.

Dự án Đại Ninh hơn 25.000 tỷ sai phạm gì trước khi nhiều quan chức Lâm Đồng bị bắt?- Ảnh 2.

Một góc dự án Đại Ninh dính sai phạm.

Sai phạm về nghĩa vụ tài chính

Bên cạnh đó, sau khi được UBND tỉnh Lâm Đồng giao đất, giao rừng để thực hiện dự án, chủ đầu tư đã để rừng bị phá, bị lấn chiếm hơn 368ha.

Cũng theo cơ quan thanh tra, khi được chuyển đổi mục đích sử dụng đất, Công ty Sài Gòn - Đại Ninh đã không tuân thủ nghĩa vụ tài chính, không nộp số tiền sử dụng đất. Tính đến tháng 10/2018, số tiền phạt chậm nộp thuế đã lên tới trên 104 tỷ đồng.

Đến năm 2017, Sở Tài chính Lâm Đồng ra quyết định yêu cầu Công ty Sài Gòn - Đại Ninh bồi thường giá trị thiệt hại về tài nguyên là 6,66 tỷ đồng. Song đến giữa năm 2020, doanh nghiệp này mới nộp được 1,67 tỷ đồng.

Thanh tra Chính phủ cũng nêu rõ, theo giấy chứng nhận đầu tư thì đến ngày 31/12/2018 dự án trên hết hạn đầu tư. Công ty Sài Gòn - Đại Ninh có nhiều vi phạm, tiến độ không thực hiện đúng cam kết nhưng UBND tỉnh Lâm Đồng và các ngành chức năng của tỉnh này vẫn không cương quyết xử lý, chấm dứt hoạt động dự án.

Đáng chú ý, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư du lịch Sài Gòn - Đại Ninh là đại gia Nguyễn Cao Trí đang là bị can trong đại án Vạn Thịnh Phát liên quan bà Trương Mỹ Lan. Theo đó, năm 2020, sau khi sở hữu Công ty Sài Gòn - Đại Ninh và sở hữu siêu dự án trên, ông Trí thỏa thuận bán lại cho bà Lan 100% vốn với giá 3.000 tỷ đồng.

Bà Lan nhiều lần chuyển tiền đặt cọc 20 triệu USD và 127 tỷ cho ông Trí nhưng sau đó đổi ý, không mua cổ phần của Sài Gòn - Đại Ninh nữa nên chuyển 1 triệu USD tiền cọc và 127 tỷ thành mua 10% vốn điều lệ Công ty Văn Lang.

Tháng 10/2022, bà Trương Mỹ Lan bị bắt giam thì ông Trí chỉ đạo nhân viên soạn nhiều văn bản điều chỉnh giá và thanh lý toàn bộ hợp đồng chuyển nhượng trước đó. Ông Trí khai mục đích nhằm xóa quyền sở hữu tại Công ty Văn Lan của bà Lan để chiếm đoạt tiền.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.