Thời sự Quốc tế

Giao thông đô thị Singapore thông minh cỡ nào?

17/12/2022, 20:00

Singapore bắt đầu khởi động Đề án Quốc gia thông minh từ tháng 11/2014.

Quốc đảo sư tử hướng tới xây dựng trên nền tảng lấy người dân làm trung tâm, sử dụng công nghệ để giải quyết các vấn đề và thách thức của đô thị. Thông qua đề án này, Singapore đã và đang hình thành một nền văn hóa quốc gia xung quanh việc khuyến khích thực nghiệm, nuôi dưỡng tinh thần sáng tạo và triển khai những ý tưởng mới.

Sau hơn 2 năm vận hành, Singapore đã triển khai được các giải pháp thông minh trong nhiều lĩnh vực đặc biệt là về điều khiển giao thông, xe tự lái, quan trắc môi trường.

Đối với các vấn đề thường xuyên xảy ra như phương tiện gặp sự cố, tai nạn trên đường (nguyên nhân gây ra 60% số vụ tắc nghẽn tại các thành phố), các cơ quan quản lý Singapore đã sử dụng hệ thống tư vấn và giám sát đường cao tốc thông minh EMAS giúp thu thập thông tin, dữ liệu giao thông và phát hiện sự cố với các thiết bị phát hiện và qua các camera giám sát được lắp đặt trên đường.

img

Hệ thống thu phí ERP giúp giảm đáng kể mật độ phương tiện giao thông cá nhân tại Singapore.

Khi có sự cố xảy ra, trung tâm điều hành sẽ phát tín hiệu đến các đơn vị liên quan, điều động xe khắc phục, đồng thời thông báo sự cố trên các bảng quảng cáo điện tử trên tuyến đường cao tốc để các phương tiện đang lưu thông tránh vị trí có sự cố nhằm giảm thiểu tắc nghẽn có thể phát sinh, tăng cường độ an toàn trên các tuyến đường.

Bên cạnh đó, chính phủ Singapore cải tiến hệ thống thu phí đường bộ công nghệ cao, gọi tắt là ERP. Người sở hữu ô tô cần lắp thiết bị thu phí (IU) trên phương tiện và nạp tiền trước. Khi xe đi qua ERP, số tiền phải trả sẽ được trừ tự động sau 10 giây. Phí ERP thay đổi tùy theo mật độ, loại xe, thời gian và địa điểm giao thông.

Hệ thống camera tại các trạm ERP không chỉ thu phí mà còn theo dõi lưu lượng hoạt động của các phương tiện, lưu lại biển số xe và giám sát việc các xe có gắn thiết bị thu phí hay không. Trong trường hợp các xe không chấp hành, trung tâm kiểm soát sẽ tiến hành phạt nguội, gửi thông báo cho lái xe. Nếu nộp phạt chậm trễ, số tiền phải nộp sẽ ngày càng tăng và người vi phạm có thể bị phạt tù. Nhờ hệ thống ERP, mật độ giao thông giảm 20%.

Ngoài ra, Singapore còn phát triển về thanh toán không dùng tiền mặt, các công nghệ hỗ trợ tự hành/người máy, y tế từ xa, công cụ tiếp nhận ý kiến người dân, và hệ thống cơ sở dữ liệu mở.

Cùng với đó, Singapore tiếp tục duy trì và mở rộng hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp nhằm có thể bảo đảm nguồn cung cho các ứng dụng thông minh trong tương lai sắp tới.

Theo bảng xếp hạng chỉ số thành phố thông minh (Smart City Index) năm 2021, Singapore là thành phố thông minh nhất thế giới trong năm thứ ba liên tiếp. Chỉ số thành phố thông minh của Singapore khác biệt ở chỗ mang tính toàn diện, không chỉ về công nghệ mà còn về mức độ hài lòng của người dân trong việc sử dụng công nghệ, coi phản hồi của người dân là một trong những thước đo.

Nhìn rộng ra khu vực châu Á – Thái Bình Dương, theo một nghiên cứu năm 2019 của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO), chỉ riêng khu vực này dự báo sẽ chiếm 40% khoản đầu tư vào thành phố thông minh toàn cầu, tương đương 800 tỷ USD vào năm 2025.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.