Đô thị

Hà Nội kiến nghị sử dụng lòng đường, gầm cầu cạn trông giữ ô tô

24/04/2024, 17:47

Thiếu nghiêm trọng các điểm trông giữ ô tô do lượng phương tiện gia tăng nhanh chóng, TP Hà Nội kiến nghị Bộ GTVT cho phép sử dụng vỉa hè, lòng đường, gầm cầu cạn để trông giữ ô tô.

TNGT tại Hà Nội tăng cả 3 tiêu chí

Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) quý I và triển khai phương hướng, nhiệm vụ quý II/2024 ngày 24/4, ông Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở GTVT, Phó trưởng ban thường trực UBND TP Hà Nội cho biết, quý I/2024, trên địa bàn thành phố xảy ra 385 vụ tai nạn giao thông (TNGT) làm 175 người chết, 313 người bị thương.

Hà Nội kiến nghị sử dụng lòng đường, gầm cầu cạn trông giữ ô tô- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở GTVT, Phó trưởng ban thường trực UBND TP Hà Nội phát biểu tại Hội nghị (ảnh: Tạ Hải).

So với cùng kỳ năm 2023, tăng 106 vụ (tăng 37,99%), tăng 16 người chết (tăng 10,06%), tăng 130 người bị thương (tăng 71,04%).

Lực lượng chức năng đã kiểm tra xử lý 81.074 trường hợp vi phạm TTATT đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa, phạt tiền hơn 162 tỷ đồng; tạm giữ 11.415 phương tiện, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn 6.553 trường hợp, tước tem kiểm định và giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường 11 xe tải.

3 tháng đầu năm 2024, Sở GTVT TP Hà Nội đã tập trung xử lý 2/33 điểm ùn tắc, xử lý 2/5 điểm đen về TNGT; tổ chức rà soát 234 vị trí tiềm ẩn nguy cơ TNGT; xử lý 38/72 vị trí cổng trường có nguy cơ mất ATGT liên quan đến hạ tầng giao thông trong tổng số 154 vị trí cần xử lý.

Nhằm kéo giảm TNGT trong thời gian tới, ông Thường cho biết, UBND TP Hà Nội đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để làm việc với các địa phương có tình hình TTATGT phức tạp; yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND Thành phố khi để TNGT tăng trên địa bàn.

Đối với các địa bàn tăng TNGT, khẩn trương làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan, kịp thời triển khai các giải pháp kéo giảm TNGT.

Cùng đó, đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm về TTATGT, đặc biệt các hành vi là nguyên nhân chính gây TNGT như: vi phạm nồng độ cồn, vi phạm tốc độ, vượt ẩu, đi sai làn đường, xe quá khổ, quá tải, "cơi nới" thành thùng,…Ưu tiên tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường có tình hình TNGT diễn biến phức tạp, địa bàn tăng TNGT.

Thông qua công tác tuần tra, kiểm soát, ghi nhận các trường hợp là cán bộ, công chức, viên chức, sỹ quan, cán bộ, chiến sỹ, học sinh, sinh viên vi phạm TTATGT để thông báo cho cơ quan, đơn vị, nhà trường phối hợp xử lý theo quy định.

Đặc biệt, tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT; quản lý chặt chẽ không để học sinh vi phạm pháp luật về giao thông, nhất là tình trạng học sinh điều khiển xe mô tô khi chưa đủ tuổi và chưa có giấy phép lái xe theo quy định.

Hà Nội kiến nghị sử dụng lòng đường, gầm cầu cạn trông giữ ô tô- Ảnh 2.

Hà Nội kiến nghị cho phép sử dụng gầm cầu cạn để trông giữ phương tiện giao thông (ảnh: Tạ Hải).

Nghiên cứu loại hình vận tải mới, chống thất thu thuế

Tại Hội nghị, ông Thường kiến nghị Bộ Công an trong quá trình tham mưu hoàn thiện dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cần có quy định đào tạo, cấp giấy phép lái xe/chứng nhận bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ bắt buộc đối với người có nhu cầu điều khiển xe gắn máy có dung tích xi lanh dưới 50cm3 cho học sinh cấp 3 (người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi) nhằm đảm bảo TTATGT cho lứa tuổi này.

Theo ông Thường, tình trạng xe dù, bến cóc, xe trá hình tuyến cố định hiện diễn biến phức tạp, từ đó, kiến nghị Bộ GTVT nghiên cứu bổ sung trong dự thảo Luật Đường bộ theo hướng phân biệt rõ giữa các loại hình vận tải, không để đơn vị vận tải và lái xe lợi dụng để "lách luật"; bổ sung loại hình vận tải mới đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân, phù hợp với tình hình TTATGT, đảm bảo không thất thu thuế và quyền lợi hợp pháp của hành khách.

Cùng đó, cho phép TP Hà Nội tiếp tục sử dụng lòng đường, vỉa hè, gầm cầu cạn để trông giữ phương tiện giao thông, đặc biệt là ô tô.

Theo ông Thường hiện nay, phương tiện cá nhân trên địa bàn tăng nhanh, năm 2023, trên địa bàn thành phố có 6.000 ô tô mới được đăng ký, tốc độ tăng bình quân trên 5%, theo quy hoạch diện tích đất cho giao thông tĩnh thành phố phải đạt 4% /diện tích đất đô thị nhưng hiện nay mới chỉ đạt 0,6%. Trong khi đó, tình hình đầu tư chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư nên không thể ngay lập tức có hệ thống giao thông tĩnh trên địa bàn để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cũng kiến nghị Bộ GTVT tham mưu Chính phủ sửa đổi bổ sung Nghị định 100/2019, Nghị định 123/2021 để xử lý triệt để các hành vi vi phạm về sử dụng ô tô kinh doanh vận tải hành khách dừng, đỗ tại văn phòng đại diện để bốc xếp, hàng hóa; đơn vị có xe hoạt động tái vi phạm nhiều lần các quy định về hoạt động kinh doanh vận tải; tổ chức, cá nhân vi phạm về trách nhiệm tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ như thu hồi Giấy phép kinh doanh có thời hạn.

Sau khi nghe Hà Nội báo cáo, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, Phó chủ tịch Thường trực Uỷ ban ATGT Quốc gia chủ trì Hội nghị đề nghị UBND TP Hà Nội cần tiếp tục quan tâm, có giải pháp xử lý phạt nguội các vi phạm của mô tô, xe máy, xe máy điện, đặc biệt là hành vi vượt đèn đỏ, hiện đang diễn ra phổ biến, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây TNGT.

Hà Nội kiến nghị sử dụng lòng đường, gầm cầu cạn trông giữ ô tô- Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ GTVT, Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban ATGT Quốc gia Nguyễn Văn Thắng chủ trì Hội nghị.

Sáng 24/4, tại Hà Nội, Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) quý I và triển khai phương hướng, nhiệm vụ quý II/2024.

Bộ trưởng Bộ GTVT, Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban ATGT Quốc gia Nguyễn Văn Thắng chủ trì hội nghị cho biết, nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tình hình đảm bảo TTATGT đạt nhiều kết quả tích cực.

Tuy nhiên, TNGT vẫn còn diễn biến phức tạp, giảm nhưng chưa bền vững. Từ đó, đề nghị các cơ quan, đơn vị, các địa phương tham gia hội nghị nhìn thẳng vào các vấn đề nổi cộm về đảm bảo TTATGT trong thời gian qua, đặc biệt trong quý I/2024, chỉ rõ các khó khăn vướng mắc, phân tích cụ thể nguyên nhân, trách nhiệm của các đơn vị liên quan, đồng thời, đề xuất đưa ra các giải pháp hiệu quả hơn, khả thi hơn trong thời gian tới.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.