Đường sắt

Chuyến tàu đầu tiên qua hầm đường sắt đèo Cả sau sự cố sạt lở

21/04/2024, 17:05

Sau gần 9 ngày thi công xử lý sự cố sạt lở, hầm đường sắt qua đèo Cả đã được thông vào chiều tối 21/4.

Tối 21/4, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, hầm đường sắt qua đèo Cả đã thông trong chiều tối cùng ngày, sự cố sụt hầm đã được khắc phục hoàn toàn.

Theo thông tin Báo Giao thông ghi nhận tại hiện trường, đúng 18h15 ngày 21/4, tàu hàng mang số hiệu HH84, đầu máy kéo số 940, kéo 18 toa tổng trọng 850 tấn, chạy qua hầm đèo Cả an toàn.

Đoàn tàu này chở hàng xuất phát từ ga Đại Lãnh (Khánh Hòa) đi ga Giáp Bát (Hà Nội) báo hiệu đường sắt Bắc - Nam đã thông tuyến.

Chuyến tàu đầu tiên qua hầm đường sắt đèo Cả sau sự cố sạt lở- Ảnh 1.

Chuyến tàu đầu tiên chạy qua hầm đường sắt đèo Cả sau khi các đơn vị thi công khắc phục xong sự cố sạt lở.

Ông Trần Thiện Cảnh, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, sau khi xảy ra sự cố, ngành Đường sắt đã phối hợp Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và hai địa phương Phú Yên, Khánh Hòa để tổ chức phân luồng giao thông đường bộ qua đèo Cả.

Chuyến tàu đầu tiên qua hầm đường sắt đèo Cả sau sự cố sạt lở- Ảnh 2.

Hầm đường sắt đèo Cả chính thức thông sau 9 ngày bị bị sạt lở.

Cũng theo ông Cảnh, ngành Đường sắt đã thành lập tổ công tác hiện trường và đến nay, các công việc cơ bản đã hoàn thành.

"Trước khi chuyển giao chính thức, ngành Đường sắt sẽ tiến hành chạy thử nghiệm tàu với các cấp tốc độ khác nhau, mỗi lần từ 5 - 15km/h. Đường hầm đã thông, nhưng đường bộ vẫn cấm ô tô do đang kiểm tra mức độ an toàn khi ô tô đi trên miệng hầm. Dự kiến, đường đèo QL1 sẽ mở lại vào ngày 22/4", ông Cảnh cho biết thêm.

Chuyến tàu đầu tiên qua hầm đường sắt đèo Cả sau sự cố sạt lở- Ảnh 3.

Công nhân thu dọn công trường sau khi công việc hoàn tất.

Trong chiều 21/4, các đơn vị thi công đã huy động khoảng 200 cán bộ, kỹ sư tích cực thi công, bê tông đã được bơm liên kết toàn bộ phần đất, đá bị sụt sau vỏ hầm với chiều dài khoảng 11m và phần sụt trượt trong hầm.

Tổng cộng có 39 mũi khoan, trong đó có 2 mũi khoan từ sườn núi xuống, 37 mũi khoan bên trong hầm để bơm bê tông áp lực cao, tạo sự kết dính ổn định.

Chuyến tàu đầu tiên qua hầm đường sắt đèo Cả sau sự cố sạt lở- Ảnh 4.

Khung trợ lực mái hầm đã được lắp đặt đầy đủ.

Một công nhân của Công ty CP Xây dựng Công trình 3 vui vẻ cho biết: "Sau nhiều ngày thi công xuyên ngày đêm, hôm nay thành quả lao động anh em đã thấy. Thật phấn khởi, tôi vẫn hồi hộp chờ đợi giờ phút thông tàu".

Chuyến tàu đầu tiên qua hầm đường sắt đèo Cả sau sự cố sạt lở- Ảnh 5.

Những mối hàn nối cuối cùng của đơn vị thi công đảm bảo an toàn khi thông tàu.

Nhằm ứng phó với sự cố sập hầm, theo ông Trần Việt Tùng, Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Nha Trang, từ ngày 12/4 đến nay, đơn vị trung chuyển được 110 đoàn tàu khách với hơn 30.000 hành khách từ ga Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) đến ga Giã (huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) để tiếp tục hành trình Nam - Bắc và ngược lại.

Các tàu hàng cũng được tập kết tại ga Hòa Huỳnh (thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) và ga Hòa Đa (tỉnh Phú Yên) để xe tải trung chuyển. Ngành đường sắt chịu chi phí chuyển tải.

Chuyến tàu đầu tiên qua hầm đường sắt đèo Cả sau sự cố sạt lở- Ảnh 6.

Cửa hầm phía nam hầm đường sắt qua Đèo Cả.

Trước đó, lúc 12h45 ngày 12/4, hầm đường sắt qua Đèo Cả (Km 1231+100, đoạn qua địa phận xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) trên đường sắt Bắc - Nam bị sạt lở khiến hàng trăm mét khối đất đá lấp kín cửa hầm.

Sự cố khiến đường sắt Bắc - Nam qua Đèo Cả bị chia cắt hoàn toàn.

Hầm dài gần 400m, là công trình hầm đường sắt cấp II, đang được thi công kiên cố hóa.

Nguồn vốn thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Công trình do Ban QLDA 85 làm chủ đầu tư.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.