Tài chính

Hàng xách tay về Việt Nam: Những loại thuế, phí gì phải chịu?

03/04/2023, 15:18

Các loại hàng hóa khi nhập khẩu về Việt Nam đang phải đóng các loại thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, thuế VAT, lệ phí hải quan...

Những loại thuế, phí của hàng xách tay

Hàng xách tay có thể hiểu đơn giản là hàng hóa được cá nhân mua trực tiếp ở nước ngoài. Sau đó chúng được mang về Việt Nam bằng đường hàng không cùng hành lý mang theo của một hành khách nào đó.

Bán hàng xách tay là một hình thức kinh doanh hợp pháp khi hàng hóa có đầy đủ những điều kiện mà pháp luật quy định. Một số điều kiện không đảm bảo đúng số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan.

Hàng hóa trong danh mục những mặt hàng cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu theo quy định của pháp luật; Hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ kèm theo và trái quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn... tất cả những hình thức kinh doanh này sẽ vi phạm pháp luật và có thể được coi là hàng nhập lậu.

img

Luật gia Nguyễn Việt Hưng

Chia sẻ với Báo Giao thông, Luật gia Nguyễn Việt Hưng cho biết, các vật phẩm xách tay không nằm trong danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu hoặc nhập khẩu có điều kiện hoặc nằm trong danh mục hàng miễn thuế quy định tại Nghị định 134 mà tổng trị giá hải quan vượt quá số lượng cho phép hoặc giá trị trên 10.000.000 đồng thì phải nộp thuế.

Theo Luật gia Nguyễn Việt Hưng, có 3 loại thuế mà hành khách cần lưu ý khi xách tay hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam.

Thuế tiêu thụ đặc biệt là loại thuế chỉ áp dụng với một số mặt hàng mà nhà nước hạn chế tiêu thụ như thuốc lá, bia rượu, xe ô tô…và một số mặt hàng như quần áo, trang sức, phụ kiện, điện tử, nước hoa sẽ không phải chịu thuế này. Đa phần các mặt hàng người dân có nhu cầu mua không chịu loại thuế này.

Thuế tiêu thụ đặc biệt = Giá trị hải quan của hàng nhập khẩu x Thuế suất

Thuế nhập khẩu là loại thuế phức tạp nhất khi nhập hàng, mua hàng từ nước ngoài về Việt Nam. Thuế này có một bảng thuế nhập khẩu khá dài, mỗi mặt hàng có một mức thuế khác nhau. Thuế nhập khẩu cũng phân biệt nguồn gốc hàng, nhập hàng tại Mỹ sẽ có thuế khác với nhập hàng tại Đức, tại Canada, tại Nhật Bản…

Hàng Mỹ sẽ được tính theo biểu thuế nhập khẩu WTO mà Việt Nam gia nhập, còn hàng từ Trung Quốc hay Nhật Bản sẽ tính theo biểu thuế của hiệp định ASEAN – Trung Quốc hoặc ASEA – Nhật Bản có mức ưu đãi hơn so với biểu thuế WTO.

Thuế nhập khẩu = (Giá trị hải quan của hàng nhập khẩu x Thuế tiêu thụ đặc biệt) x Thuế suất thuế nhập khẩu.

Thuế giá trị gia tăng áp dụng đối với tất cả các mặt hàng, có các tỷ suất thuế là 0%, 5%, 10%. Tương tự như các mặt hàng tiêu dùng tại Việt Nam, những mặt hàng như quần áo, giày dép, phụ kiện công nghệ, đồng hồ, nước hoa, mỹ phẩm… đều phải chịu thuế 10% khi nhập hàng.

Thuế GTGT = (Giá trị hải quan của hàng nhập khẩu + Thuế tiêu thụ đặc biệt + Thuế nhập khẩu) x Thuế suất GTGT

Cần làm gì để không bị đánh hàng hóa nhập lậu?

Trao đổi với Báo Giao thông, ThS, Luật sư Vũ Thúy Hằng, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, đối với hàng hóa nhập lậu chưa đến mức xử lý hình sự thì sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 98 với mức phạt dựa theo giá trị hàng hóa.

Đối với cá nhân, pháp nhân kinh doanh buôn bán hàng nhập lậu có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội buôn lậu theo quy định tại Điều 188 Bộ luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi bổ sung năm 2017); kinh doanh vận tải hàng nhập lậu có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới theo quy định tại Điều 189 Bộ luật hình sự 2015.

img

Bán hàng xách tay không có hóa đơn, chứng từ kèm theo theo quy định, không làm thủ tục hải quan... thuộc trường hợp được xác định là hàng hóa nhập lậu (Ảnh minh họa)

Để không dính hàng cấm, hàng vi phạm, theo Luật sư Hằng, hành khách hãy thận trọng khi giúp người lạ; Khi được bất kỳ ai nhờ cầm hộ đồ đạc, hàng hóa qua biên giới; Khi di chuyển tại sân bay, bến tàu, bến xe, nơi công cộng… Không cầm hộ dù chỉ là chai nước hay bất cứ thứ gì.

“Thay vào đó, hành khách hỗ trợ họ bằng cách liên hệ với những lực lượng, nhân viên đang làm nhiệm vụ tại sân bay (an ninh sân bay, nhân viên hãng bay) hoặc nhân viên của công ty phục vụ mặt đất, bảo vệ… Họ cũng là những người đã được đào tạo, huấn luyện về nghiệp vụ nên sẽ biết cách xử lý tốt nhất trong tình huống có đối tượng xấu cố tình gài bẫy.

Bên cạnh đó, hành khách cũng cần phải tự trông giữ hành lý và giấy tờ tuỳ thân của mình cẩn thận, tránh trường hợp bị người khác bỏ trộm đồ lạ vào.

Ngoài ra, hành khách cần có trách nhiệm thông báo với nhân viên an ninh hoặc cơ quan Công an nơi gần nhất khi phát hiện hoặc bị phát hiện hành lý của mình nghi có chứa “chất cấm”, “hàng cấm” và hợp tác để xác minh, điều tra làm rõ các yếu tố “cố ý” hoặc “vô ý” của hành vi vận chuyển hàng cấm, chất cấm”, Luật sư Hằng khuyến nghị.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.