Bất động sản

Hơn 2,7 triệu tỷ đồng tín dụng đổ vào bất động sản

04/01/2024, 17:15

Ngân hàng Nhà nước vừa thông tin về số tiền đã giải ngân vào bất động sản và nhà ở xã hội năm 2023.

Theo lãnh đạo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy tăng khả năng tiếp cận, hấp thụ tín dụng của các ngành kinh tế, trong đó có bất động sản. Đến cuối tháng 10/2023, dư nợ lĩnh vực bất động sản là khoảng 2,75 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 6,75%. Trong đó, kinh doanh bất động sản tăng 22%, chiếm tỷ trọng khoảng 36%. Tiêu dùng bất động sản chiếm khoảng 64% thì giảm 0,7%.

Theo bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, kết quả trên cho thấy giải pháp của ngành ngân hàng cùng các giải pháp của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan thì thời gian qua đã bắt đầu phát huy tác dụng và tạo điều kiện làm sao tháo gỡ những cái khó khăn cho các dự án bất động sản.

Thông tin về giải ngân gói tín dụng phát triển nhà ở xã hội 120.000 tỷ, bà Giang cho biết có thêm một ngân hàng tham gia triển khai gói tín dụng phát triển nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng là Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank). Đơn vị này cam kết sẽ dành 5.000 tỷ đồng.

Như vậy, đến nay gói tín dụng phát triển nhà ở xã hội 120.000 tỷ đã có 5 ngân hàng tham gia cấp vốn là: TPBank, Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV.

Đến nay, 26 tỉnh, thành phố đã công bố các danh mục nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và dự án cải tạo chung cư cũ với tổng số 58 dự án. Đến cuối tháng 11/2023, các ngân hàng thương mại đã cam kết giải ngân đối với 12 dự án, tổng số vốn cam kết giải ngân là 5.000 tỷ đồng và đã giải ngân xong 428 tỷ đồng.

Trong đó, BIDV đã ký hợp đồng tín dụng tài trợ 2 dự án nhà ở xã hội với số tiền đã giải ngân 40,6 tỷ đồng; Agribank đã phê duyệt cấp tín dụng đối với 3 dự án với số tiền đã giải ngân 241 tỷ đồng; VietinBank đã phê duyệt cấp tín dụng đối với 1 dự án với số tiền đã giải ngân là 147 tỷ đồng.

Thời gian qua, một số tổ chức tín dụng, doanh nghiệp là đề nghị kéo dài thời gian thực hiện Thông tư 02 về cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ, chính sách sẽ kết thúc vào ngày 30/6/2024.

Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết sau 38 tháng triển khai Thông tư 02, tổng giá trị nợ gồm cả gốc và lãi được cơ cấu và giữ nguyên nhóm nợ là trên 170.000 tỷ đồng. Ngân hàng Nhà nước đang tiến hành rà soát và có báo cáo Chính phủ, đề xuất kéo dài thời gian thực hiện Thông tư 02 để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân và góp phần thúc đẩy kinh tế năm 2024.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.