Chính trị

Hướng đi nào để báo chí phát triển bền vững, hiệu quả?

15/03/2024, 20:03

Diễn đàn báo chí toàn quốc 2024 diễn ra trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc với nhiều bài tham luận sống động, thuyết phục từ số liệu đến định hướng, kinh nghiệm từ các cơ quan báo chí.

Chiều 15/3, trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2024, Diễn đàn Báo chí toàn quốc 2024 đã khai mạc.

TP.HCM dành sự quan tâm đặc biệt với công tác báo chí

Mở đầu diễn đàn, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá, hoạt động báo chí trên địa bàn TP.HCM rất sôi động với 18 cơ quan báo chí của thành phố và 167 văn phòng đại diện của các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương khác.

Ông Mãi ghi nhận, trong những năm gần đây, báo chí đã phát huy mạnh mẽ vai trò trong việc chuyển tải kịp thời, chính xác những thông tin quan trọng của các cấp chính quyền thành phố, cũng như những phản biện của người dân, doanh nghiệp để chính quyền kịp thời có những quyết sách phù hợp.

Mới nhất và đặc biệt là tuyên truyền Nghị quyết số 98 năm 2023 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM; các chính sách phát triển kinh tế xã hội TP.HCM.

Hướng đi nào để báo chí phát triển bền vững, hiệu quả?- Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi: "TP.HCM đặc biệt quan tâm công tác báo chí".

Ông Mãi cũng thay mặt Thành ủy, UBND TP.HCM cảm ơn các cơ quan báo chí đã đồng hành, chia sẻ với thành phố trong nhiều năm qua.

Thành phố đang triển khai nhiều cơ chế chính sách để hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển của báo chí như cơ chế đặt hàng thực hiện truyền thông chính sách, đổi mới giải thưởng báo chí, khen thưởng các tác phẩm báo chí tiêu biểu, xây dựng cơ chế hỗ trợ báo chí chuyển đổi số...

Ngoài ra, TP.HCM có hệ thống điểm báo vào mỗi buổi sáng và chỉ đạo ngay trong ngày phải phản hồi cho các cơ quan báo chí.

Nhờ đó, thành phố đã cải thiện được nhiều vấn đề tồn tại, giải quyết được nhiều phản ánh của người dân, doanh nghiệp.

Báo chí cần không gian mới

Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông có bài phát biểu về bức tranh toàn cảnh báo chí Việt Nam trước những thách thức và cơ hội trong kỷ nguyên số.

Theo ông Hùng, công nghệ số ảnh hưởng đầu tiên và mạnh mẽ nhất là đối với lĩnh vực báo chí, truyền thông và tạo ra sự thay đổi căn bản của lĩnh vực này. Thay đổi căn bản tức là tương lai sẽ không nằm trên đường kéo dài của quá khứ.

"Không gian mạng bây giờ là trận địa chính, là trận chiến chính của báo chí. Thắng hay bại là ở đây. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ số, chuyển đổi số cũng đã hơn chục năm rồi, bây giờ không chỉ là lên không gian mạng mà còn là giành lại không gian mạng, tạo ra dòng chủ lưu trên không gian mạng. Nguồn thu chính của báo chí rồi cũng sẽ đến từ không gian mạng", ông Hùng nhấn mạnh.

Cũng theo ông Hùng, báo chí tương lai cần phải làm những việc mới, phải làm hơn những gì mình đang làm, cần một không gian rộng hơn việc đưa tin.

"Thay vì viết thì hãy làm nền tảng để mọi người viết. Thay vì để mọi người đọc trên trang web của mình thì hãy để họ đọc trên các nền tảng khác nhau. Thay vì cung cấp thông tin thì hãy cung cấp tri thức. Thay vì tự làm thì hãy hợp tác. Thay vì để phóng viên phải xử lý rất nhiều thông tin thì hãy để họ xử lý những thứ mà rất ít thông tin và để cho trí tuệ nhân tạo xử lý rất nhiều thông tin. Thay vì tránh tai nạn thì hãy kiểm soát tai nạn", tiếp lời ông Hùng.

Cũng theo ông Hùng, báo chí muốn phát triển thì cần không gian mới, cần lực lượng sản xuất mới, cần nguồn lực sản xuất mới, cần yếu tố sản xuất mới và cần động lực mới. Không gian mới là không gian số. Lực lượng sản xuất mới là công nghệ số. Nguồn lực sản xuất mới là nhân lực số. Yếu tố sản xuất mới là dữ liệu số. Động lực mới là đổi mới sáng tạo số. Bởi vậy, đầu tư vào công nghệ số, nhân lực số, dữ liệu số và đổi mới sáng tạo số sẽ là đầu tư vì tương lai của báo chí.

Lối đi nào để báo chí phát triển?

Tại diễn đàn, ông Lê Quốc Minh, Tổng biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đưa ra các số liệu cho thấy xu hướng của báo chí trong kỷ nguyên chuyển đổi số.

Theo đó, dù thị trường quảng cáo toàn cầu dự báo tăng 5,8% trong năm 2023 nhưng quảng cáo báo chí dự kiến giảm khoảng 4,6% trong 2023 và 3,1% trong 2024.

Tổng số phát hành báo in có trả tiền trên toàn cầu đã giảm từ 543 triệu USD vào năm 2019 xuống 474 triệu USD vào năm 2023. Phát hành báo in dự kiến sẽ còn giảm 4,3% trong năm 2024.

Trong năm 2023, số lượng website tin tức AI đã tăng 13 lần, với hơn 620 trang tin tức cung cấp số lượng bài viết chủ yếu hoặc hoàn toàn do máy tạo ra, bằng hơn 10 ngôn ngữ. Ngoài việc cung cấp những thông tin không tin cậy, những trang này có thể sản xuất tin cực nhanh với số lượng cực lớn.

Hướng đi nào để báo chí phát triển bền vững, hiệu quả?- Ảnh 2.

Các đại biểu chăm chú lắng nghe và đặc biệt quan tâm đến các nội dung ngay từ phiên đầu tiên của Diễn đàn báo chí toàn quốc 2024.

Để có thể chọn được lối đi riêng, theo ông Lê Quốc Minh, mỗi đơn vị báo chí cần xác định rõ đối tượng độc giả để có thể phát triển những mô hình kinh tế báo chí với biên lợi nhuận cao, người dùng trung thành, hoặc mối quan hệ trực tiếp với các nhà quảng cáo cụ thể mà không bị lệ thuộc vào các nền tảng công nghệ.

"Báo in cần được nâng niu và đối xử như là những sản phẩm cao cấp, mang lại những thông tin giá trị với chiều sâu", Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhận định.

Cũng trong chiều 15/3, diễn đàn báo chí toàn quốc tiếp tục 3 phiên với nhiều bài tham luận có giá trị thực tiễn với báo chí như: Nâng cao tính Đảng, tính định hướng trong hoạt động báo chí; Sử dụng các nền tảng mạng xã hội để lan tỏa thông tin phục vụ chỉ đạo điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ; Xây dựng môi trường văn hóa báo chí; Báo chí dữ liệu và chiến lược nội dung vượt trội…

Chủ đề thu hút nhiều đại biểu quan tâm là khi ông Nguyễn Hồng Sâm, Tổng giám đốc Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Tổng biên tập Báo điện tử Chính phủ nói về cách thức giúp cơ quan báo chí chính thống hiện diện đầy "rục rỡ và uy tín" trên các nền tảng mạng xã hội.

"Chúng tôi thực hiện nhiệm vụ "xây dựng và bảo vệ hình ảnh của chính quyền trên không gian mạng", là điểm tựa tin cậy của công chúng trong vòng xoáy thông tin trên không gian mạng.

Trong bối cảnh cách mạng 4.0, chúng tôi chủ động tham gia hầu hết các nền tảng mạng xã hội lớn như: Google, Faccebook, Zalo, Youtube, Twitter, Instagram… để thu hút công chúng", ông Nguyễn Hồng Sâm chia sẻ.

Tại phiên thứ 3 với chủ đề "Báo chí dữ liệu - Khoa học dữ liệu", bài tham luận "Phương thức tổ chức, thực hiện báo chí dữ liệu ở các cơ quan báo chí" do diễn giả Trần Lệ Thủy, chuyên gia truyền thông trình bày được nhiều lãnh đạo các cơ quan báo chí hoan nghênh.

Trong hai ngày 16 và 17/3, diễn đàn báo chí toàn quốc 2024 sẽ tiếp tục với nhiều bài tham luận, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền báo chí Việt Nam.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.