Thời sự Quốc tế

IISS: Nga mất hàng nghìn xe tăng, phải tân trang xe cũ để dùng

14/02/2024, 15:58

Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế cho biết, Nga đã mất hơn 3.000 xe tăng tại Ukraine, tương đương toàn bộ số xe tăng đang hoạt động trước thời điểm xảy ra xung đột.

Ngày 13/2, Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) đưa ra Báo cáo Cân bằng Quân sự hàng năm cho biết, ngay cả khi mất hàng nghìn xe tăng, lực lượng tăng thiết giáp sẵn sàng trực chiến của Nga vẫn gấp đôi Ukraine.

Theo ông Henry Boyd, chuyên gia cao cấp IISS về năng lực quân sự, trong năm 2023 Nga gần như bổ sung lực lượng kịp thời vì đã đưa thêm gần 1.500 xe tăng vào sử dụng sau khi mất 1.120 chiếc.

Tuy nhiên vị chuyên gia lưu ý, trong số các phương tiện đưa vào vận hành trong năm qua, chỉ có nhiều nhất 200 chiếc được sản xuất mới, trong khi phần lớn là những mẫu xe cũ được tân trang sử dụng lại.

“Moscow đã đưa hàng nghìn xe tăng cũ ra khỏi kho dự trữ với tốc độ khoảng 90 xe tăng/tháng”, báo cáo IISS viết.

IISS: Nga mất hàng nghìn xe tăng, phải tân trang xe cũ để dùng- Ảnh 1.

Nga đã đưa thêm gần 1.500 xe tăng vào sử dụng sau khi mất 1.120 chiếc trong năm 2023. (Ảnh: Reuters)

Hiện nay, Nga đã chuyển sang nền kinh tế thời chiến, trong đó các nhà máy quốc phòng thực hiện hoạt động sản xuất xuyên ngày đêm theo cơ chế 3 ca.

Theo IISS, Nga sẽ phải chịu tổn thất quân sự thêm ít nhất khoảng 3 năm nữa và buộc phải bổ sung thêm xe tăng từ kho dự trữ, ngay cả khi ở tiêu chuẩn kỹ thuật thấp hơn.

Báo cáo của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế cũng cho biết, Ukraine đã hứng chịu hậu quả nặng nề sau 2 năm xảy ra xung đột, nhưng nhờ các gói viện trợ quân sự từ phương Tây nên Ukraine có thể duy trì lực lượng và nâng cấp chất lượng vũ khí.

Tuy nhiên đến nay, Ukraine đang thiếu hụt trầm trọng về nguồn nhân lực, trong khi các sư đoàn, đơn vị tác chiến phải trải qua "cơn khát" đạn dược.

Nguồn vũ khí của Ukraine chủ yếu phụ thuộc vào viện trợ quốc tế. Chính phủ Mỹ và các nước phương Tây đang tranh cãi trước các gói tài trợ quân sự khổng lồ dành cho Ukraine.

“Chính phủ các nước phương Tây một lần nữa “tiến thoái lưỡng nan” khi phải cân nhắc liệu có nên cung cấp vũ khí để Kiev tung ra đòn đánh quyết định, lật ngược tình thế, thay vì chỉ viện trợ đủ vũ khí để không bị thua”, Giám đốc Viện Nghiên cứu IISS cho biết.

Đánh giá về tương lai của cuộc xung đột, các chuyên gia IISS cho biết tình trạng bế tắc trên các mặt trận sẽ còn kéo dài khi hai bên đều cùng phải gánh chịu những tổn thất nặng nề, trong khi tiêu tốn lượng lớn tài nguyên và nhân lực của đất nước.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.