Quản lý

Khai thác mỏ cát thứ ba ở An Giang phục vụ thi công cao tốc trục ngang miền Tây

21/04/2024, 12:33

Mỏ cát thứ ba tỉnh An Giang cấp theo cơ chế đặc thù phục vụ thi công cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua địa bàn tỉnh Hậu Giang bắt đầu được khai thác.

Sáng 21/4, thượng tá Trần Quang Hoạt, Phó giám đốc Ban điều hành Trường Sơn 10, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cho biết, đơn vị đã bắt đầu khai thác mỏ cát trên sông Hậu, đoạn thuộc xã Bình Thủy, huyện Châu Phú và xã Bình Thạnh Đông, xã Tân Hòa, huyện Phú Tân được UBND tỉnh An Giang giao, phục vụ thi công cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, đoạn qua tỉnh Hậu Giang.

Rền vang tiếng máy trên công trường

Thượng tá Hoạt thông tin, để có thể khai thác mỏ cát này, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn đã bố trí ba xáng cạp, với dung tích gầu 3,5m3 cùng số lượng công nhân đủ để phục vụ thi công việc khai thác cát theo quy định.

"Mỏ cát này là mỏ cát thứ hai được UBND tỉnh An Giang giao cho Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn trực tiếp khai thác để phục vụ thi công cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

Trước đó, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cũng đã bắt đầu khai thác mỏ cát đầu tiên phục vụ cao tốc trục ngang ở miền Tây, đoạn qua địa bàn tỉnh An Giang", thượng tá Hoạt chia sẻ.

Khai thác mỏ cát thứ ba ở An Giang phục vụ thi công cao tốc trục ngang miền Tây- Ảnh 1.

Mỏ cát thứ ba phục vụ thi công cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng bắt đầu khai thác.

Anh Trương Thanh An (41 tuổi), công nhân khai thác cát, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cho biết, đến nay, anh đã có gần 20 năm kinh nghiệm khai thác cát phục vụ thi công các công trình.

"Chúng tôi sẽ nêu cao tinh thần, trách nhiệm để sớm đưa cát về công trường", anh An cho biết thêm.

Với 25 năm kinh nghiệm khai thác cát phục vụ thi công nhiều công trình quan trọng, anh Đỗ Văn Đà (47 tuổi), công nhân khai thác cát, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn chia sẻ: "Việc đầu tiên anh em công nhân chúng tôi cần phải làm là khai thác theo đúng quy định về độ sâu và trữ lượng được phép khai thác".

Vẫn cần thêm mỏ cát mới 

Cũng theo thượng tá Hoạt, mỏ cát trên sông Hậu, đoạn thuộc xã Bình Thủy, huyện Châu Phú và xã Bình Thạnh Đông, xã Tân Hòa, huyện Phú Tân (An Giang) có diện tích 61,47 hec-ta. Khối lượng được phép khai thác là 2.625.631 m3.

Mỏ cát này có công suất được phép khai thác là 1.312.816m3/năm. Trong đó, năm thứ nhất với công suất là 1.312.816m3/năm và năm thứ hai với công suất là 1.312.815m3/năm.

Độ sâu khai thác đến mức âm 16m. Phương pháp khai thác theo hình thức lộ thiên. Thời gian thực hiện dự án là 2 năm 6 tháng, trong đó, thời gian khai thác là 2 năm và thời gian cải tạo, phục hồi môi trường là 6 tháng.

"Mỗi ngày, công nhân bắt đầu làm việc từ 7-17h, không khai thác vào ban đêm với số lượng được phép khai thác hàng ngày là 3.700 m3 cát/ngày", thượng tá Hoạt nói.

Khai thác mỏ cát thứ ba ở An Giang phục vụ thi công cao tốc trục ngang miền Tây- Ảnh 2.

Cần thêm lượng cát mới đảm bảo tiến độ thi công cao tốc trục ngang ở miền Tây.

Và thượng tá Hoạt cho biết thêm, gói thầu cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đoạn qua địa bàn tỉnh Hậu Giang do Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn phụ trách thi công có tổng chiều dài 18,8km, với số lượng cát cần đắp nền là 2,1 triệu m3.

Với mỏ cát được UBND tỉnh An Giang cấp theo cơ chế đặc thù thì đã đủ tổng lượng cát phục vụ thi công. Thế nhưng, với trữ lượng được phép khai thác hàng ngày thì không đáp ứng nhu cầu thực tế hiện nay tại công trường, do tùy vào công đoạn - lúc cần nhiều, khi cần ít.

Hiện mỗi ngày công trường cần khoảng 8.000m3 cát/ngày đắp nền mới đảm bảo tiến độ thi công. Tuy nhiên, với số lượng được phép đưa về công trường mỗi ngày là 3.700m3 cát/ngày thì vẫn không đảm bảo.

Theo tính toán của cơ quan chuyên môn, để có thể đảm bảo yếu tố kỹ thuật, gói thầu do Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn thực hiện, tùy đoạn cần thời gian gia tải từ 10-12 tháng.

Trong khi đó, với số lượng cát được phép khai thác hàng ngày, để có thể khai thác hết trữ lượng được phép khai thác thì mỏ cát này mất thời gian tới hai năm. 

Đồng thời, việc nâng công suất khai thác mỗi ngày cũng đang gặp khó do nhiều yếu tố có liên quan đến tác động môi trường.

"Phía nhà thầu mong muốn được thêm mỏ cát nữa. Và mỏ cát thêm này trong tháng sáu hoặc tháng 7 tới có thể khai thác thì việc thi công mới đảm bảo đạt tiến độ theo kế hoạch đã đề ra", thượng tá Hoạt thông tin.

Trước đó, để cấp cát phục vụ thi công cao tốc trục dọc và trục ngang ở miền Tây, tỉnh An Giang đã cấp cho các nhà thầu thi công trực tiếp khai thác 10 mỏ cát với tổng trữ lượng 15,2 triệu m3.

Đến nay, có 4 mỏ cát cấp cho cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đang được khai thác, với tổng trữ lượng khoảng 4,7 triệu m3.

Trong khi đó, 3 mỏ cát cấp cho cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cũng đã bắt đầu khai thác với tổng trữ lượng hơn bốn triệu m3.

Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 có tổng chiều dài 188,2km đi qua bốn tỉnh thành An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng. Điểm đầu kết nối quốc lộ 91 thuộc thành phố Châu Đốc (An Giang) và điểm cuối giao với quốc lộ Nam Sông Hậu, kết nối đường dẫn cảng Trần Đề (Sóc Trăng), với tổng mức đầu tư 44.691 tỷ đồng. Dự kiến, toàn tuyến hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2027.
Trong đó, dự án thành phần 1 tại tỉnh An Giang có chiều dài 57,2km, dự án thành phần 2 tại thành phố Cần Thơ dài 37,2km, dự án thành phần 3 tại tỉnh Hậu Giang dài gần 37km và dự án thành phần 4 tại tỉnh Sóc Trăng dài 56,9km.
Giai đoạn 1, dự án được đầu tư quy mô phân kỳ 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100km/h. Giai đoạn hoàn chỉnh, dự án sẽ được đầu tư quy mô 6 làn xe. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.