Quản lý

Loạt giải pháp thúc đẩy vận tải vùng đồng bằng sông Hồng bứt tốc

20/09/2023, 07:00

Bộ GTVT vừa ban hành kế hoạch phát triển vận tải theo hướng đồng bộ, hiện đại, hiệu quả và bảo đảm ATGT vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Loạt giải pháp thúc đẩy vận tải vùng đồng bằng sông Hồng bứt tốc - Ảnh 1.

Bộ GTVT sẽ thúc đẩy kết nối hoạt động vận tải các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng nhằm tạo điều kiện cao nhất để vận chuyển, lưu thông hàng hóa (Ảnh minh họa)

Ưu tiên phát triển vận tải đa phương thức

Kế hoạch của Bộ GTVT nhằm thực hiện Nghị quyết số 30/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 14/2023 của Chính phủ ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 30.

Theo đó, để tăng khối lượng hàng hóa vận chuyển, giảm chi phí vận tải biển, giảm chi phí logistics đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, Bộ GTVT sẽ ưu tiên phát triển vận tải đa phương thức trên các hành lang vận tải chính, nhất là hành lang Bắc - Nam và các hành lang kết nối với cảng biển cửa ngõ quốc tế.

Hệ thống cảng cạn cũng được đầu tư phát triển làm đầu mối kết nối các phương thức vận tải, cung cấp các dịch vụ logistics. Hệ thống kho bãi, thiết bị xếp dỡ, đường giao thông tại các cảng đầu mối để kết nối dịch vụ vận tải đường thủy nội địa với các phương thức vận tải khác cũng được đầu tư bằng phương thức xã hội hóa. Bên cạnh đó, dịch vụ vận tải giữa các phương thức cũng được kết nối thông qua việc kết nối hoạt động của các doanh nghiệp. 

Bộ GTVT cũng đưa ra cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện hình thành các doanh nghiệp vận tải có quy mô lớn, có khả năng thực hiện các chuỗi vận tải nội địa, quốc tế với giá thành hợp lý, chất lượng cao. Chú trọng đầu tư phương tiện chở công-ten-nơ trên đường thủy nội địa, đường biển; nâng cao năng lực xếp dỡ công-ten-nơ tại các đầu mối tập kết hàng hóa, đặc biệt là các khu vực trọng điểm sản xuất nông nghiệp, thủy, hải sản.

Nhằm tăng tính minh bạch của thị trường vận tải, nâng cao hiệu quả khai thác, Bộ GTVT cũng sẽ tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động của các sàn giao dịch vận tải, logistics để tạo điều kiện kết nối giữa đơn vị vận tải và chủ hàng.

Việc chuyển đổi phương thức vận tải hàng hóa từ đường bộ sang đường sắt, đường thủy, vận tải ven biển và giảm hệ số chạy rỗng của phương tiện, giảm ùn tắc hàng hóa trong hoạt động vận tải và chuỗi cung ứng dịch vụ logistics cũng được Bộ GTVT chú trọng phát triển tại vùng Đồng bằng Sông Hồng.

Hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp

Với quan điểm cần tối ưu hóa tuyến đường vận tải, giảm thiểu tình trạng xe chạy rỗng, tiết kiệm chi phí, Bộ GTVT sẽ nghiên cứu các biện pháp hỗ trợ để nâng cao hiệu quả hoạt động của các sàn giao dịch vận tải; khuyến khích doanh nghiệp vận tải ứng dụng công nghệ để quản lý giám sát phương tiện và tích cực tham gia sàn giao dịch vận tải hàng hóa.

Đối với doanh nghiệp vận tải đường thủy nội địa, các cơ chế, chính sách sẽ được điều chỉnh nhằm thu hút doanh nghiệp tiếp tục đầu tư phương tiện, nâng cấp, đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị bốc xếp tại các cảng thủy nội địa, đặc biệt là bốc xếp container.

Bộ GTVT tiếp tục rà soát, điều chỉnh khung giá dịch vụ cảng biển đối với từng khu vực nhằm đưa ra khung giá sát nhất với thực tiễn hoạt động. Đồng thời có biện pháp phù hợp để tăng cường quản lý các loại phụ thu của hãng tàu, tránh thu tuỳ tiện, bất hợp lý. 

Bộ GTVT cũng sẽ nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh các cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp vận tải biển phù hợp với thực tiễn nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh của đội tàu quốc gia, đủ năng lực đảm nhận thị trường vận tải biển nội địa đồng thời tăng thị phần vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu.

Để đạt được các mục tiêu phát triển vận tải vùng đồng bằng sông Hồng, Bộ GTVT sẽ tập trung tạo môi trường pháp lý đầy đủ cho quản lý phát triển thị trường vận tải; thu hút các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh vận tải; đẩy mạnh cải cách hành chính. Cùng đó, hoàn thiện hệ thống pháp luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư; cơ chế chính sách xã hội hóa đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ vận tải như cảng cạn, cảng biển, cảng thủy nội địa, trạm dừng nghỉ, đóng mới tàu thuyền...

Các cơ chế chính sách về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và khai thác vận tải, đặc biệt là đối với hệ thống dịch vụ công trực tuyến, hệ thống giao thông thông minh, sàn giao dịch vận tải, trí tuệ nhân tạo...cũng sẽ được Bộ GTVT hoàn thiện, đảm bảo nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính sách vận tải.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.