Chuyện dọc đường

Lời cảnh báo từ trận ngập lụt lịch sử Đà Nẵng

16/10/2022, 21:55

Trước khi toàn bộ trung tâm TP Đà Nẵng thất thủ, cơ quan chức năng phát cảnh báo, thông tin nhưng dường như điều đó chưa đủ.

12 giờ trưa ngày 14/10, TP Đà Nẵng chỉ mưa lác đác, đường phố cũng ít người di chuyển và nền đường khô ráo. Dù đã được phát thông báo về cơn bão số 5, sau suy yếu thành áp thấp, gây mưa lớn, nhưng chẳng mấy ai mảy may phòng ngừa.

img

Loạt ô tô chìm nghỉm dưới nước lũ ở Đà Nẵng đêm 14/10

Chưa đầy 2 giờ sau, những cơn mưa như trút nước dội xuống, cả thành phố nhanh chóng chìm trong biển nước. Những con đường huyết mạch của đô thị lớn nhất miền Trung trở thành sông.

Điều khiến nhiều chuyên gia, người có hiểu biết về khí tượng thủy văn tỏ ra bất ngờ là trong khoảng trước và sau khi có mưa lớn ở trung tâm TP Đà Nẵng, lượng người đổ ra đường đối lập nhau. Cụ thể, vào thời điểm trước khi đường phố thành sông, các tuyến đường thông thoáng, tuy nhiên khi mưa như trút nước thì phố xá trở nên chật cứng với những biển người ngồn ngộn đi lại.

Cả phố xá ồn ào đến đinh tai với tiếng còi xe inh ỏi, bất chấp cả phía trước lẫn phía sau điều kẹt cứng vì phương tiện không nhúc nhích được, trong khi việc điều tiết giao thông gần như bằng không.

Câu hỏi đặt ra là vì sao giữa cơn mưa như trút nước, thành phố ngập trong biển nước người dân lại đồng loạt đổ ra đường tạo nên khung cảnh hỗn loạn? Vì sao cơn mưa lớn được cảnh báo từ nhiều ngày trước, kèm với đó là các khuyến cáo, song người dân vẫn thờ ơ?

Đối với chính quyền thành phố Đà Nẵng, việc ứng phó với đợt lũ lịch sử gần như bị động hoàn toàn. Thành phố không tạo được hiệu ứng tích cực để cảnh báo một cách cụ thể để người dân chống lũ, mà trái ngược lại, nước càng lên, người dân đổ ra đường càng đông.

Lẽ ra, chính quyền cần chủ động hơn trong việc cho học sinh tan trường sớm hơn dự kiến, công chức được rời công sở từ nửa buổi chiều...

Càng về khuya, những tiếng kêu cứu được đăng tải các trang mạng xã hội càng nhiều, sau đó là lời giải đáp của chính quyền cơ sở: “Đang cho người tiếp cận để giải cứu”. Hay một đoạn ghi âm cuộc hội thoại của một em học sinh bị kẹt giữa đường và nước dâng lên đến ngực gọi điện cầu cứu cô giáo khiến nhiều người thắt lòng, lo lắng hơn bao giờ hết.

Câu hỏi đặt ra cho đô thị được cho là đáng sống này: đó là vì sao đô thị nằm sát bên sông và biển nhưng lại ngập lụt?

Rõ ràng chỉ sau vài tiếng mưa lớn, cả TP Đà Nẵng chìm trong biển nước và sau một đêm, cả đô thị ngổn ngang, những chiếc xế hộp nổi trôi giữa dòng nước lũ, nằm vắt vẻo trên đường nhưng chủ nhân cũng chả buồn tìm kiếm vì họ phải lo dọn dẹp nhà cửa.

Trận lụt lịch sử biến trung tâm 6 quận nội thành TP Đà Nẵng thành biển nước đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về chuyện ứng phó với thiên tai và nguồn lực đầu tư về hạ tầng xã hội, hạ tầng thiết yếu của đô thị trong nhiều năm qua là có vấn đề.

Mưa lớn là một nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính là câu chuyện những hồ chứa nước tự nhiên bao đời nay đã bị “hô biến” thành những đô thị sang trọng; những con sông cũng được “bóp” tiết diện để hiện đại hóa đô thị. Và thêm vào đó là hệ thống cống thoát nước mưa dường như đã lỗi thời, không còn hữu dụng khi trời mưa như trút nước.

Trận lụt lịch sử ở TP Đà Nẵng vừa qua chắc chắn là bài học để thành phố, ngành chức năng nhìn nhận lại câu chuyện chống ngập để từ đó có sự chuẩn bị, đối phó hữu hiệu hơn. Nếu không, chuyện thành phố biến thành sông mỗi khi mưa lớn chắc chắn sẽ tái diễn.

Chủ động ứng phó với thiên tai cần được coi là việc cấp bách, có những tính toán, dự phòng một cách khoa học, chứ không thể chỉ đổ tại "ông trời".

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.