Xã hội

Lợi gì khi áp dụng VNeID xử lý vi phạm giao thông?

12/12/2023, 06:21

Từ đầu tháng 12, một số đội CSGT thuộc Công an TP Hà Nội bắt đầu áp dụng kiểm tra giấy tờ xe qua ứng dụng VNeID và dùng ứng dụng này để xác minh các phương tiện vi phạm.

Thuận lợi kiểm tra hành chính, xác minh phương tiện

Ngày 10/12, PV Báo Giao thông theo chân tổ công tác thuộc Đội CSGT số 4, Phòng CSGT Công an Hà Nội làm nhiệm vụ tuần tra, xử lý vi phạm trên tuyến Xã Đàn - Giải Phóng - Đại Cồ Việt, quận Hai Bà Trưng.

Lợi gì khi áp dụng VNeID xử lý vi phạm giao thông? - Ảnh 1.

CSGT kiểm tra thông tin giấy tờ xe trên VNeID khi người điều khiển phương tiện cung cấp.

Khoảng 11h, lực lượng chức năng phát hiện nam tài xế L.H.P (SN 1994, quê Hà Nam) điều khiển xe mô tô BKS 90F8 - 13xx không có gương chiếu hậu bên trái, nên ra tín hiệu dừng xe kiểm tra.

Khi anh P dừng xe, cán bộ CSGT yêu cầu xuất trình giấy tờ xe và cho biết, có thể kiểm tra trên ứng dụng VNeID. Anh P đã mở điện thoại di động, đăng nhập ứng dụng VNeID để cung cấp thông tin giấy phép lái xe (hạng A1) và căn cước công dân đã tích hợp vào ứng dụng cho tổ công tác.

Sau khi đối chiếu dữ liệu, cán bộ CSGT chấp nhận các dữ liệu điện tử này và xử phạt tại chỗ người vi phạm với mức phạt dưới 250 nghìn đồng, theo Nghị định 100.

"Hôm nay, tôi quên mang ví để các loại giấy tờ khi tham gia giao thông, nên khi CSGT dừng xe, tôi rất lo. Được kiểm tra giấy tờ qua VNeID, tôi mừng quá. Đây là lần đầu tôi được CSGT kiểm tra giấy tờ trên ứng dụng. Tôi rất ủng hộ phương pháp này, rất thuận tiện đối với người dân", tài xế P nói.

Khoảng 15 phút sau, lực lượng chức năng dừng kiểm tra đối với tài xế N.H.L (SN 1983, ở quận Đống Đa, Hà Nội) do lỗi điều khiển xe máy BKS 29E2 - 164.xx chuyển làn nhưng không bật đèn xi nhan.

Anh L bối rối trình bày quên mang theo ví đựng các loại giấy tờ xe. Khi CSGT hướng dẫn có thể kiểm tra qua ứng dụng VNeID, anh L cung cấp thông tin bằng lái xe kèm giấy đăng ký phương tiện đã tích hợp sẵn trong ứng dụng tài khoản định danh điện tử.

"Tích hợp như thế này rất tiện lợi, tôi chỉ cần mang theo điện thoại, đỡ gặp rắc rối nếu chẳng may làm mất giấy tờ gốc", nam tài xế làm nghề giáo viên bày tỏ.

Song, anh L cho rằng, để áp dụng ứng dụng này hiệu quả hơn giúp người dân không cần mang bản gốc, thì VNeID cần có thêm chức năng thông báo giấy tờ xe đó đang bị tạm giữ hoặc đã hết hạn tạm giữ.

Cần hiển thị nhiều chức năng để áp dụng khi xử phạt

Theo quan sát của PV, việc CSGT kiểm tra thông tin giấy tờ xe trên VNeID chỉ áp dụng khi kiểm tra hành chính hoặc người điều khiển xe vi phạm lỗi có mức phạt dưới 250 nghìn đồng (áp dụng nộp phạt tại chỗ).

Lợi gì khi áp dụng VNeID xử lý vi phạm giao thông? - Ảnh 2.

Giấy tờ xe trên VNeID.

Còn với tài xế P.V.H (SN 2003, ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), người này bị phát hiện vi phạm lỗi điều khiển xe máy không chấp hành hiệu lệnh của đèn giao thông (vượt đèn đỏ).

Do mức phạt tối thiểu trên 800 nghìn đồng và áp dụng hình phạt bổ sung là tước giấy phép lái xe 1 - 3 tháng, nên CSGT buộc anh H phải xuất trình bằng lái bản gốc dạng PET để lập biên bản và ra quyết định tạm giữ giấy tờ này.

Theo thiếu tá Trần Ngọc Trung, Đội trưởng Đội CSGT đường bộ số 4, quy trình kiểm tra, đối chiếu và xử lý vi phạm nêu trên được đơn vị áp dụng theo đúng hướng dẫn của Phòng CSGT và các cơ quan liên quan.

Như vậy, với các lỗi xử phạt được tại chỗ, không cần tạm giữ giấy phép lái xe, các tổ CSGT mới sử dụng ứng dụng VNeID. Ngoài ra, Hà Nội đang sử dụng hệ thống quản lý, đăng ký xe của Bộ Công an triển khai thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, định danh xác thực điện tử VNeID để xác minh các phương tiện vi phạm thông qua hệ thống giám sát thông minh.

Trao đổi với Báo Giao thông, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp của Bộ Công an, cho biết, Điều 33 Dự thảo (lần 4) Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ nêu rõ, trường hợp thông tin các loại giấy tờ xe đã được đồng bộ vào tài khoản định danh điện tử trên VNeID, thì người điều khiển không cần mang theo giấy tờ gốc.

Đối với lực lượng CSGT, khi tuần tra kiểm soát, nếu thông tin giấy tờ của phương tiện và người lái đã được đồng bộ, tích hợp lên ứng dụng VNeID thì CSGT thực hiện kiểm tra trên ứng dụng định danh điện tử.

Theo ông Nguyên, hiện cơ quan chức năng cần có thêm thời gian để người dân hoàn thành việc tích hợp các loại giấy tờ vào VNeID và chuẩn bị các trang thiết bị đọc dữ liệu, đào tạo việc đọc cơ sở dữ liệu.

"Khi hạ tầng kỹ thuật được hoàn thiện, người dân sẵn sàng thay đổi thói quen cầm theo giấy tờ bản cứng, thì việc kiểm tra giấy tờ xe tích hợp trên VNeID sẽ được áp dụng", ông Nguyên khẳng định.

Còn theo đại diện Cục CSGT, Bộ Công an, hiện nay ứng dụng VNeID chưa có thông tin xác định giấy tờ xe của người điều khiển phương tiện đã bị tước ở đâu, vào thời gian nào và hết thời hạn tạm giữ hay chưa để lực lượng chức năng đối chiếu khi kiểm tra.

"Khi các cơ sở dữ liệu đồng bộ được với nhau, việc đối chiếu, kiểm tra này sẽ diễn ra thuận lợi", đại diện Cục CSGT nói.

Trong báo cáo vừa gửi Thủ tướng về kết quả thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử tháng 11 và triển khai nhiệm vụ tháng 12/2023, Bộ Công an cho biết, tính đến hết ngày 24/10, cơ quan chức năng đã tích hợp thành công gần 10 triệu hồ sơ giấy phép lái xe lên VNeID.

Tháng 12 và thời gian tới, Bộ Công an phấn đấu tích hợp, đồng bộ dữ liệu giấy phép lái xe nhằm phục vụ nộp phạt vi phạm giao thông trên VNeID.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.