Đời sống

Lúa trúng mùa được giá, thu lãi hàng trăm triệu, nông dân Bạc Liêu phấn khởi đón Tết

31/01/2024, 14:34

Bà con nông dân ở Bạc Liêu đang thu hoạch vụ lúa trên đất nuôi tôm. Giá thương lái thu mua ở mức cao, nông dân phấn khởi đón Tết lớn, sung túc.

Những ngày này, đi dọc các cánh đồng ở vùng lúa - tôm thuộc huyện Phước Long, huyện Hồng Dân của tỉnh Bạc Liêu, rất dễ bắt gặp hình ảnh người dân tất bật thu hoạch lúa trên đất nuôi tôm, đón tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.

Lúa trúng mùa được giá, thu lãi hàng trăm triệu, nông dân Bạc Liêu phấn khởi đón Tết- Ảnh 1.

Nông dân ở Bạc Liêu phấn khởi đón Tết lớn, khi lúa trúng mùa được giá.

Ông Nguyễn Văn Trọng (ngụ xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) chia sẻ: "Năm nay, nhà tôi canh tác hơn một héc-ta lúa F lai, cho năng suất hơn 12 tấn, giá lúa được thương lái mua 9.000 đồng/kg. Sau khi trừ hết chi phí tôi còn lãi hơn 50 triệu đồng. Vụ lúa năm nay trúng mùa lại được giá, gia đình tôi phấn khởi đón Tết lớn".

Ông Lê Thanh Tòng (ngụ xã Phước Long, huyện Phước Long) chia sẻ, mấy năm trước phải ra Tết mới có thu hoạch lúa, lãi được 5-7 triệu đồng/héc-ta đỏ con mắt. Năm nay, từ giữa tháng Chạp nhiều người đã có lúa.

"Bà con ở đây vui mừng vì lúa năm nay trúng mùa được giá. Hơn ba héc-ta lúa ST24 tôi canh tác cho năng suất một tấn/công (1.000m2). Năm nay, chi phí nhẹ, vì ít sử dụng phân, thuốc, lúa ít sâu bệnh hơn những vụ trước. Với ba hec-ta tôi thu lãi hơn 150 triệu đồng", ông Tòng phấn khởi chia sẻ.

Lợi nhuận từ trồng lúa không chỉ giúp nông dân có vốn để dành đầu tư cho vụ sau mà còn sửa sang nhà cửa, mua sắm đồ đạc đón cái Tết rôm rả, sung túc và ấm cúng hơn.

Ông Nguyễn Công Dân (ngụ ấp Tường Thắng B, xã Vĩnh Thanh, huyện Phước Long) chia sẻ, năm nay, gia đình ông thu hoạch được hơn một héc-ta lúa Đài Thơm 8, giá bán 9.500 đồng/kg, lợi nhuận hơn 60 triệu đồng.

Lúa trúng mùa được giá, thu lãi hàng trăm triệu, nông dân Bạc Liêu phấn khởi đón Tết- Ảnh 2.

Những ngày này ở những vùng trồng lúa - tôm trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu rất dễ bắt gặp hình ảnh người dân tất bật thu hoạch lúa trên đất nuôi tôm.

"Những năm trước, giá lúa không những thấp mà còn bị thương lái ép giá, nên tiền lời chỉ đủ chi tiêu đến vụ sau, Tết không dám mua sắm gì nhiều. Năm nay, nhận lộc trời cho, lúa trúng mùa lại được giá, lấy tiền bán lúa xong, tôi cùng vợ ra chợ sắm đồ Tết ngay", ông Dân nói.

Ông Lê Văn Tới, Phó chủ tịch UBND Phước Long cho biết, gần 300 héc-ta diện tích canh tác lúa - tôm của bà con năm nay thuận mùa. Nhờ xuống giống đồng loạt đúng lịch thời vụ của ngành chức năng khuyến cáo, nên ít sâu bệnh, giống lúa ST đạt năng suất từ 5,5 – 6 tấn/héc-ta. Sau khi trừ hết chi phí người nông dân lời từ 60 - 70 triệu đồng.

"Những ngày gần Tết này nhiều nông trong xã đều thấy họ mua sắm thêm nhiều tiện nghi gia đình đắt tiền, chuẩn bị ăn Tết tưng bừng hơn mọi năm. Nông dân trúng lúa ra tiệm mua vàng, sắm xe rất nhiều ai nấy đều vui vì được vụ mùa thắng lớn chưa từng có, chúng tôi cũng mừng cho nông dân", ông Tới chia sẻ thêm.

Nhiều nông dân cũng đặt kỳ vọng tình hình xuất khẩu lúa gạo tiếp tục khả quan, giá lúa gạo trong nước tiếp tục được duy trì ổn định để nông dân trồng lúa phấn khởi canh tác vụ mùa mới.

Theo ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, mô hình canh tác lúa - tôm của tỉnh Bạc Liêu đã được khẳng định tính hiệu quả bền vững trong sản xuất.

Lúa trúng mùa được giá, thu lãi hàng trăm triệu, nông dân Bạc Liêu phấn khởi đón Tết- Ảnh 3.

Trồng lúa trên đất nuôi tôm đã khẳng định được tính hiệu quả, bền vững trong sản xuất của người dân trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

"Ngành nông nghiệp tỉnh cũng đang khuyến cáo nông dân tham gia vào những hợp tác xã để cùng sản xuất, cùng mua, cùng bán và thực hiện trong chương trình một triệu héc-ta lúa sạch, giảm phát thải nhà kính giúp giảm giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận lên rất nhiều", ông Ly cho hay.

Cũng theo ông Lưu Hoàng Ly, năm nay, toàn tỉnh canh tác hơn 43.500 héc-ta lúa - tôm. Sắp tới sẽ mở rộng xuống vùng phía nam thuộc địa bàn thị xã Giá Rai thêm 8.000 héc-ta, hướng tới theo quy hoạch đến năm 2035 toàn tỉnh phát triển trên 55.000 héc-ta diện tích lúa - tôm.

Ông Ly cũng thông tin, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có quyết định phê duyệt Dự án hệ thống công trình điều tiết, bổ sung nước phục vụ nuôi trồng thủy sản vùng nam quốc lộ 1, thuộc tỉnh Bạc Liêu. Tổng chi phí cho dự án nêu trên là hơn 1.450 tỷ đồng, được thực hiện theo hai giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030.

Dự án hệ thống công trình điều tiết, bổ sung nước phục vụ nuôi trồng thủy sản vùng nam quốc lộ 1, thuộc tỉnh Bạc Liêu có quy mô xây dựng hai cống âu thuyền trên kênh Bạc Liêu - Cà Mau (gồm: cống âu thuyền Hộ Phòng tại thị xã Giá Rai và cống âu thuyền Vàm Lẽo tại huyện Vĩnh Lợi); xây dựng 7 cống trên các tuyến kênh; xây dựng trạm bơm Cầu Sập tại huyện Vĩnh Lợi (công suất 10m3/giây).

Dự án hoàn thành sẽ điều tiết nước ngọt từ vùng bắc quốc lộ 1 về vùng nam quốc lộ 1 phục vụ nuôi trồng thủy sản vào mùa khô cho khoảng 13.000 héc-ta thuộc địa bàn thành phố Bạc Liêu, huyện Hòa Bình; phục vụ sản xuất cho vùng chuyển đổi mô hình lúa tôm ven kênh Cà Mau - Bạc Liêu với diện tích khoảng 5.000 héc-ta.

Ngoài ra, tạo nguồn hỗ trợ cấp nước ngọt cho 43.000 héc-ta diện tích nuôi trồng thủy sản vùng nam quốc lộ 1; giảm ngập úng do triều cường nhằm bảo vệ cơ sở hạ tầng cho các đô thị dọc quốc lộ 1 như: thành phố Bạc Liêu, thị xã Giá Rai, thị trấn Hòa Bình (huyện Hòa Bình).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.