Xã hội

Những “bóng hồng” trên công trường giao thông

08/03/2024, 10:00

Dịp 8/3, những người phụ nữ ấy không được tặng hoa hay những món quà đắt tiền như nhiều người khác. Họ chấp nhận xa con, xa gia đình, miệt mài với công việc có lẽ vốn chỉ phù hợp với nam giới.

Xa con, theo chồng làm cao tốc

Những ngày tháng 3, những bông hoa gạo đỏ rực bung nở trên núi dọc theo tuyến cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang. Tại vị trí Km 11+42 gói thầu XL3, chị Lì O Sừ (SN 1991, ở huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) tay thoăn thoắt xúc vữa đúc dầm, uốn sắt. Gần tháng nay, chị phải gửi con thơ cho ông bà chăm sóc để theo chồng tham gia lao động trên tuyến cao tốc này.

Những “bóng hồng” trên công trường giao thông- Ảnh 1.

Chị Lì O Sừ gần 1 tháng nay tham gia thi công trên cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang.

"Vợ chồng tôi được 2 cháu, cháu lớn 8 tuổi, cháu thứ hai 4 tuổi, cứ đêm về lại đòi bố mẹ. Nhớ con thắt lòng, nhưng phải cố kìm nén. Ở quê chẳng làm gì ra tiền, còn làm ở đây được 280.000 đồng/ngày", chị Sừ nói, mắt rơm rớm khi nhắc đến các con.

Tại Km 16+500 gói thầu XL4, chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Thoan (quê Tuyên Quang) và chị Hoàng Thị Hiền (quê Hà Giang) đang vác từng cây sắt đường kính 27cm, buộc thép để thi công cống hộp. Cũng gửi con lại nhờ ông bà chăm nom, chị Hiền chia sẻ: "Với phụ nữ thì không cái khổ nào bằng xa con. Nhưng vì mưu sinh nên chúng tôi phải cố gắng thôi".

Những “bóng hồng” trên công trường giao thông- Ảnh 2.

Chị Nguyễn Thị Thoan vác từng cây sắt, không kém gì các lao động nam. Ảnh: Hà Thắng.

Kỹ sư Nguyễn Xuân Tùng, Chỉ huy trưởng Công ty Phương Đông thi công gói thầu XL4 cho biết: "Phụ nữ làm ở công trường vất vả hơn so với công việc khác. Nhưng đã vào làm thì chị em cũng đều chấp nhận và rồi cũng quen. Họ cũng chấp hành nội quy công trường tốt hơn nam giới nên anh em quản lý cũng rất yên tâm".

Tại Km 313+100, dự án cao tốc Vân Phong - Nha Trang, đoạn qua thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, cũng có nhiều "bóng hồng" làm việc với nhiều vị trí khác nhau.

Quệt ngang những giọt mồ hôi trên mặt, chị Phan Thị Duyền (26 tuổi, quê Quảng Bình) chia sẻ: "Cao tốc đang thi công những hạng mục cuối cùng nên bọn em phải thường xuyên có mặt trên tuyến lấy mẫu vật liệu để kiểm tra".

Chị Duyền cùng một "bóng hồng" khác đang làm công tác nội nghiệp tại Văn phòng Ban điều hành số 2, dự án cao tốc Vân Phong - Nha Trang (đoạn tuyến do Công ty CP Lizen thi công).

Những “bóng hồng” trên công trường giao thông- Ảnh 3.

Chị Phan Thị Duyền (bên ngoài) cùng chị Trần Thị Thu Dung trao đổi công việc với lãnh đạo Ban điều hành gói thầu XL01 (cao tốc Vân Phong - Nha Trang). Ảnh: Cao Sơn.

Tốt nghiệp ngành thi công cầu đường, Đại học Bách khoa Đà Nẵng, chị Duyền gắn bó với ngành giao thông hơn 5 năm nay. Rồi chị bén duyên cùng với một chàng trai quê ở Hà Tĩnh, cùng làm nghề cầu đường. Hiện, hai vợ chồng đã có con một tuổi rưỡi. Sinh con được 7 tháng, chị Duyền gửi con cho bố mẹ, rồi đi theo công trình. "Nhớ con, em chỉ biết nói chuyện, trêu đùa qua điện thoại. Nhiều khi, bận việc làm tới khuya, lúc xong việc thì con ở quê đã ngủ rồi", chị Duyền bộc bạch.

Người luôn kề vai sát cánh với Duyền trong chuyên môn ở văn phòng là chị Trần Thị Thu Dung (quê ở Quảng Nam, hơn Duyền 4 tuổi). "Tôi đã đi làm nhiều năm, không nhớ đã hoàn thành hồ sơ cho bao công trình. Nhiều khi cũng nghĩ đến tuổi này không lập gia đình thì bao giờ, nhưng rồi cứ lần lữa mãi…", chị Dung chia sẻ.

Ông Bùi Thanh Tùng, Giám đốc điều hành thi công gói XL1 (cao tốc Vân Phong – Nha Trang) cho biết, vai trò của chị Dung và Duyền rất quan trọng. Với tính cách cẩn thận trong hồ sơ, sổ sách, hai chị em đã góp phần cho nội nghiệp của văn phòng đầy đủ, kịp tiến độ.

Những bữa ăn, giấc ngủ vội giữa công trường

Sau nhiều ngày mưa rét dầm dề, thời tiết ở Nghệ An bất ngờ nắng nóng quay quắt. Thế nhưng, trên công trường cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt đoạn qua xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, hàng trăm công nhân vẫn miệt mài bám công địa.

Những “bóng hồng” trên công trường giao thông- Ảnh 4.

Chị Vi Thị Bình tranh thủ nghỉ ngay trên máy rải thảm A1. Ảnh: Sỹ Hòa.

11h30 trưa, tranh thủ xe chở bê tông nhựa chưa đến, chị Vi Thị Bình (SN 1990, dân tộc Thái), công nhân Công ty TNHH Hòa Hiệp tranh thủ gối đầu chợp mắt ngay trên máy rải thảm.

Chị Bình quê ở Thanh Hóa, lấy chồng ở Diễn Châu. Sau nhiều năm làm nghề đổ bê tông trong các khu công nghiệp ở miền Nam, năm 2023 chị về đầu quân cho Hòa Hiệp. Công việc của chị là chụp hình, chấm công, thống kê vật liệu.

"Công việc lúc nào cũng phải có mặt trên công trường, bất kể nắng hay mưa. Đợt trước và sau Tết, công trình thảm bê tông nhựa xuyên đêm liên tục. Những hôm đó tôi cũng phải thức cùng anh em. Giờ việc ăn cơm hộp trên công trường, tranh thủ chợp mắt trên xe đã thành thói quen", chị Bình kể.

Khi được hỏi chuyện gia đình, giọng chị chùng xuống. Vợ chồng chị lấy nhau được 5 năm, nhưng đến giờ chưa có con. Chị bám công trường, vợ chồng chỉ gặp nhau qua điện thoại. "Cũng may gia đình, chồng hiểu và thông cảm, lãnh đạo công ty cùng anh em trên công cũng động viên, giúp đỡ rất nhiều", chị giãi bày.

Hiện trên công trường cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt có khá nhiều công nhân nữ. Thời điểm cao nhất có đến 18 người. "Dù là phái nữ nhưng chị em làm việc xuyên ngày, xuyên đêm không thua gì các đấng mày râu", trung tá Đinh Công Thắng, Giám đốc Xí nghiệp 28.3, Chi nhánh Trường Sơn 28, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, Chỉ huy trưởng công trình cầu Thần Vũ 2 cho biết.

Tại Hà Tĩnh, thời điểm này thời tiết rất khắc nghiệt, nắng bỏng rát. Tuy nhiên, trên công trường cao tốc Bắc – Nam, không khí thi công đang khẩn trương hơn bao giờ hết.

Dưới cái nắng gắt, chị Lê Thị Phượng (SN 1982, quê Thanh Hóa) cười tươi cho biết: "Mười năm có mặt trên các công trường cao tốc, tôi có biết ngày lễ 8/3 là gì đâu!"

Chị lấy chồng là công nhân công xây dựng nên 10 năm nay luôn theo chân chồng đi làm. Hai vợ chồng có một con đang ở cùng ông bà nội ở quê. Vì đặc thù công việc nên cả hai chỉ tranh thủ được những dịp nghỉ lễ dài ngày mới về nhà.

Cách vị trí chị Phượng làm việc không xa là tổ thi công cống ngầm. Trong tổ này ngoài các công nhân nam còn có 2 nữ công nhân. Một trong số họ là chị Mai Thị Nho (SN 1992, quê huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An). "Ai cũng muốn ngày lễ được ở bên gia đình, áo quần xúng xính, nhưng vì hoàn cảnh nên đành gác lại. Vợ chồng tôi có 5 cháu. Hai vợ chồng cứ xong mùa vụ ở quê là đi làm công nhân, lương khoảng 250.000 đồng/ngày, được bao ăn", chị kể.

Gác tình riêng

Tại dự án siêu sân bay Long Thành (Đồng Nai), giữa hàng ngàn kỹ sư, công nhân, có rất nhiều người là phụ nữ. Họ phải tạm gác lại những công việc của gia đình, mặc nắng gió, bám trụ từ sáng đến đêm trên đại công trường.

Anh Nguyễn Châu, Chỉ huy trưởng công trường zone 6 (nhà thầu Vinaconex), thi công nhà ga hành khách dẫn chúng tôi tới khu vực có nhiều nữ công nhân đang hối hả làm việc. Chị Võ Thị Sương đang dọn dẹp vệ sinh ở lán trại chỉ huy. Để tránh nắng nóng, chị Sương phải mặc nhiều lớp áo, đội mũ, khẩu trang dày và đeo thêm bao tay. Dù vậy nắng vẫn len lỏi khiến làn da chị rám nắng, mồ hôi đầm đìa ướt cả vạt áo.

Chị Sương cho biết, đã bước qua tuổi 54, chồng mất, ba con đều đã trưởng thành nên 6 năm trước từ Bình Thuận chị vào các tỉnh phía Nam làm việc, bám trụ ở nhiều công trình. Gần đây chị xin vào làm việc tại công trường sân bay Long Thành với công việc dọn dẹp vệ sinh.

"Con cái lớn rồi mà bản thân còn có sức khỏe nên tôi cũng muốn đi làm để lo cho mình. Mức lương 300.000 đồng/ngày đủ chi phí tiền ăn, nhà trọ, tích góp mai mốt còn lo cho tuổi già đơn chiếc", chị Sương chia sẻ.

Cách chỗ chị Sương không xa, một người phụ nữ với dáng nhỏ thó tay chân thoăn thoắt làm việc. Đó là chị Nguyễn Thị Loan (33 tuổi) quê ở An Giang. Rời ghế nhà trường, chị lấy chồng và cùng chồng bôn ba khắp các công trường. Mỗi lần gần sinh con lại về quê, khi con cứng cáp lại gửi ông bà nội chăm sóc để tiếp tục đi làm. Mười năm qua, chị không nhớ đã đi đến bao nhiêu công trường ở miền Nam.

"Ở quê không có việc làm, không đủ sống đành đi xa. Mỗi đêm nhớ con, hai vợ chồng chỉ biết gọi video, động viên các cháu. Nhiều khi đi làm lúc nghỉ giữa ca cũng lấy hình con ra xem cho đỡ nhớ", chị Loan tâm sự.

Vợ chồng cùng bám trụ công trường

Tiếp tục lên xe để di chuyển về vị trí thi công các công trình quản lý bay, chúng tôi bắt gặp hình ảnh nhiều cặp vợ chồng đang cùng nhau uống nước, ăn lót dạ vào giờ nghỉ giữa ca.

Những “bóng hồng” trên công trường giao thông- Ảnh 5.

Chị Võ Thị Kiều (phải) vui vẻ làm việc cùng một nữ công nhân khác. Ảnh: Nguyễn Nhâm.

Anh Nguyễn Văn Đà, cán bộ an toàn Công ty 36, đơn vị thi công đài kiểm soát không lưu sân bay Long Thành cho biết, ở đây rất nhiều cặp vợ chồng, ai cũng có kinh nghiệm từ 5 - 10 năm bám trụ công trường.

Vừa quay bó sắt vị trí sàn ở công trường đài kiểm soát không lưu, chị Nguyễn Thị Kiều Oanh (46 tuổi) chia sẻ, đã cùng chồng đi khắp các công trường suốt 6 năm ròng. Hai con đã lớn nên ở quê nhà tự chăm sóc nhau. "Đợi đủ 18 tuổi sẽ cho theo ba mẹ vào công trường làm việc. Ở đây ổn định, lương 300.000 đồng/ngày, so với thu nhập ở quê vậy là cao lắm rồi", chị nói.

Thấy chúng tôi có máy chụp hình, chồng chị Oanh cười nói: "Xin hãy chụp giúp vợ chồng tôi tấm hình đẹp nhé, lâu lắm hai vợ chồng chưa chụp ảnh chung. Đợt này 8/3 có ảnh đẹp đăng Zalo khoe rồi!".

Ngay cạnh đó, chị Võ Thị Kiều (41 tuổi, quê Vĩnh Long) cũng đang buộc sắt. Chị Kiều có hai con nhưng cháu lớn năm nay 22 tuổi đã đi làm, bé út mới 15 tuổi đang học lớp 9. Để tiện cho công việc, vợ chồng chị thuê trọ gần công trường với giá hơn 1.000.000 đồng mỗi tháng. Con gái út chị gửi ông bà nội chăm sóc, cho học hành ở quê.

Chị Kiều khoe hai vợ chồng mới về quê và trở lại công trường cách đây vài ngày: "Tết vừa rồi hai vợ chồng ở lại làm xuyên Tết nên cũng kiếm thêm được ít tiền dành dụm", chị Kiều nói.

Hạnh phúc nở hoa giữa công trường

Những “bóng hồng” trên công trường giao thông- Ảnh 6.

Vợ chồng anh Thiện, chị Kha.

Với nhiều cán bộ, kỹ sư và lãnh đạo quản lý công trường cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, câu chuyện tình tuyệt đẹp của đôi bạn trẻ Trần Thanh Thiện (35 tuổi) và Đặng Thị Tiết Kha (27 tuổi) khiến họ rất xúc động.

Họ người ở Đồng Nai, người Phú Yên cách nhau vài trăm kilomet, trước khi dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn khởi công chưa một lần gặp mặt, chưa biết gì về nhau. Ấy thế nhưng, ở nơi đầy nắng và gió ấy họ gặp nhau giữa công trường rồi tình cảm cứ thế nảy nở.

Một đám cưới diễn ra, khách mời ngoài bạn bè của cả hai còn có những đồng nghiệp nơi công trường cao tốc.

Sinh ra ở thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, cô kỹ sư địa chất thiết kế Đặng Thị Tiết Kha đầu quân cho Tập đoàn Đèo Cả làm việc ở bộ phận nội nghiệp, còn chàng kỹ sư Thanh Thiện làm kỹ thuật trên công trường. Cả hai được điều động đến công trường cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.

Anh Thiện kể, hồi mới vào công trường tất cả đều xa lạ, họ không biết gì về nhau và do làm việc ở hai bộ phận khác nhau. Song trong các giờ ăn cơm tập thể, các buổi sinh hoạt đội nhóm, họ đã tìm thấy nhau.

"Tôi chủ động làm quen. Tưởng sẽ bị từ chối, ai ngờ lại cưới được vợ! Ngày cầu hôn và được Kha đồng ý, tôi điện thoại báo về cho mẹ biết tin để chuẩn bị lo lễ cưới, khi ấy mẹ còn bảo nói xạo!", anh Thiện tâm sự.

Còn chị Kha bảo, thời điểm ấy cả hai đều "không mảnh tình vắt vai", cuộc sống xa gia đình nên khi "bắt được sóng" và thấy hợp nhau vì cùng chung hoàn cảnh nên các cuộc trò chuyện sau đó đã vun đắp tình cảm nhiều hơn.

"Mình cảm thấy biết ơn vì phận con gái sống xa nhà nơi công trường lại được bờ vai yêu thương chăm sóc. Không hạnh phúc nào bằng!", chị Kha chia sẻ.

Hơn một tháng kể từ ngày hạnh phúc đơm hoa, hai vợ chồng lại tiếp tục những tháng ngày bám công trường.

Lê Đức

Những chị nuôi chịu khó, chịu thương

Những “bóng hồng” trên công trường giao thông- Ảnh 7.

Chị Phan Thị Dung.

Không lao động trực tiếp trên công trường, chị Phan Thị Dung, nhân viên cấp dưỡng tại gói thầu XL3 cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang hằng ngày có trách nhiệm nấu ăn cho 40 công nhân. Hằng ngày chị phải dậy từ 4h sáng, chuẩn bị để đúng 5h, bữa sáng được đặt trên bàn ăn. Bữa sáng kết thúc, sau khi vệ sinh nhà bếp lại tiếp tục chuẩn bị bữa trưa, bữa chiều. Những hôm công nhân thi công tăng ca đột xuất, chị phải làm đến 23h đêm.

"Có những hôm trời mưa, đi chợ về mà đường công trường lầy lội nên bị ngã xe, thực phẩm hỏng gần hết, đành phải bỏ tiền túi ra để đi chợ lại", chị kể.

Cùng chung nhiệm vụ nấu ăn, chị Trần Thị Oanh, cấp dưỡng tại gói thầu XL4 cho hay, dù bất kể thời tiết thế nào, hằng ngày lúc 5h sáng, chị phải chuẩn bị xong bữa ăn cho 50 công nhân. Để bữa ăn đúng giờ, đảm bảo dinh dưỡng, chị phải tranh thủ từng chút thời gian để lựa chọn thực phẩm kỹ càng. "Nếu xảy ra ngộ độc thức ăn thì tiến độ thi công sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều", chị chia sẻ.

Hà Vũ


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.