Hồ sơ tài liệu

Ông Putin: Từ sự lựa chọn bất ngờ trở thành người đưa Nga trở lại vị thế cường quốc

Từ chỗ chỉ là sự lựa chọn bất ngờ của Tổng thống đầu tiên của CHLB Nga Boris Yeltsin, với tài năng, lòng quyết tâm và tình yêu nước, ông Putin đã thành công trong việc khôi phục lại vị thế của nước Nga trong không gian hậu Xô Viết.

Sự lựa chọn bất ngờ

Nước Nga trong những năm cuối của thập niên 90 trước khi bước vào thế kỷ 21 là một nước Nga rệu rã với rất nhiều vấn đề cần được giải quyết triệt để cả về kinh tế, chính trị, xã hội sau hơn 10 năm kể từ khi Liên Xô tan rã. 

Vị thế đất nước cũng vì thế bị ảnh hưởng nghiêm trọng và vị Tổng thống đầu tiên của CHLB Nga khi đó, ông Boris Yeltsin đứng trước sự lựa chọn được cho là mang tính sinh tử: Tìm kiếm người thay thế chính bản thân ông để vực dậy nền kinh tế đất nước.

Ông Putin: Từ sự lựa chọn bất ngờ trở thành người đưa Nga trở lại vị thế cường quốc- Ảnh 1.

Tổng thống Nga Putin trong lễ nhậm chức hồi năm 2000 (Ảnh: AFP)

Và lúc đó, ông Yeltsin đã chọn Vladimir Putin. Động thái này khiến cả cộng đồng quốc tế và chính người dân Nga khi đó hết sức ngỡ ngàng không chỉ là tính thời điểm khi đưa ra quyết định chọn ông Putin là quyền Tổng thống Nga vào đúng ngày cuối cùng của năm 1999 mà còn bởi khi đó cái tên Vladimir Putin dù đã bắt đầu có chút tiếng vang trên chính trường Nga nhưng dường như vẫn còn quá trẻ và quá mới mẻ để có thể đảm đương cương vị tối quan trọng này của nước Nga. 

Cần nhớ rằng, khi đó Tổng thống Nga Putin mới 48 tuổi, trẻ hơn gần 12 tuổi so với chính người tiền nhiệm Yeltsin khi trở thành ông chủ Điện Kremlin.

Như vậy, ông Putin đã đảm nhiệm các nhiệm kỳ tổng thống 2000-2004, 2004-2008, 2012-2016 và 2016-2024 cùng một nhiệm kỳ thủ tướng 2008-2012. 

Chấn hưng kinh tế nước Nga

Sau 24 năm, theo Britannica, một trong thành tựu lớn nhất của ông Putin đó chính là chấn hưng nền kinh tế, đưa nước Nga từ chỗ là nơi cát cứ của những tài phiệt cấu kết với chính quyền trung ương để lũng đoạn đất nước đến chỗ có thể tự lực phát triển mạnh mẽ bất chấp các lệnh bao vây, cấm vận từ Mỹ và phương Tây liên quan đến vấn đề Crimea và cuộc chiến tại Ukraine.

Điều này có được là nhờ ngay từ khi lên nhậm chức, ông Putin đã tăng cường mạnh mẽ quyền kiểm soát của chính phủ lên 89 khu vực và các nước cộng hòa thuộc liên bang Nga, chia thành 7 khu vực liên bang mới được lãnh đạo bởi những người đại diện được chính Tổng thống Nga chỉ định.

Ông cũng thẳng tay loại trừ quyền lực của nhóm tài phiệt tài chính và truyền thông ở Nga bằng cách tiến hành điều tra hình sự và bắt giữ những đối tượng vi phạm pháp luật gây tổn hại đến nền kinh tế. Trong đó vụ bắt giữ Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Yukos Mikhail Khodorkovsky vào năm 2003 với cáo buộc tham những, trốn thuế và lừa đảo đã trở thành tâm điểm chú ý trên toàn thế giới và gây rúng động cả nền kinh tế Nga.

Bên cạnh đó, chính Tổng thống Nga Putin cũng là người đề xuất những ưu đãi về thuế dành cho các doanh nghiệp, tiến hành tái quốc hữu hóa một số ngành công nghiệp trọng điểm, tăng cường khai thác và xuất khẩu dầu thô – một trong những mặt hàng trọng điểm của Nga từng giúp kinh tế nước này khởi sắc trong giai đoạn 1999-2006 bất chấp tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hồi năm 1998.

Để so sánh, có thể thấy, vào thời điểm Tổng thống Putin lên nắm quyền nhiệm kỳ đầu tiên, Nga chỉ có 12 tỷ USD dự trữ ngoại hối với nợ công ở mức cao, tương đương 92,1% GDP. Đến nay, Nga có hàng trăm tỷ USD dự trữ ngoại hối, nợ công Nga còn khoảng 21,8%.

Dự trữ vàng của Nga đã tăng gần 7 lần sau 24 năm, từ mức 343 tấn vào năm 2000 lên 2.332 tấn vào năm 2024, theo Trading Economics.

Trong 10 năm từ 1999 - 2008, GDP Nga tăng 94% và GDP bình quân đầu người tăng gấp đôi dù sau này vì ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 và căng thẳng với phương Tây bùng nổ từ năm 2014, đà tăng trưởng đã chậm lại.

Trong giai đoạn này, Tổng thống Nga Putin đã “tối ưu” những quyết sách nhằm vượt qua cuộc khủng hoảng của đồng rúp.

Những kết quả tích cực này được duy trì cho đến thời điểm hiện tại khi nền kinh tế Nga được Ngân hàng Thế giới ước tính tăng trưởng 2,6% trong năm 2023 và tiếp tục đà tăng trưởng trong 2 năm 2024 và 2025. 

Đây là con số hết sức đáng ghi nhận nếu biết rằng Nga gần như phải dồn hết nguồn lực cho cuộc chiến tại Ukraine. 

Hơn nữa, Tổng thống Nga Putin cũng đã thể hiện rõ sự linh hoạt của mình khi chủ động đặt trọng tâm phát triển kinh tế từ ngành công nghiệp quốc phòng giúp Nga tiếp tục đà tăng trưởng kinh tế bất chấp những diễn biến bất ổn đã được dự báo từ trước của nền kinh tế thế giới.

Đưa Nga trở lại vị thế cường quốc 

Về đối ngoại, từ chỗ một nước Nga rệu rã, ông Putin đã đưa đất nước trở lại vị thế cường quốc có tiếng nói quan trọng, cho phép Moscow tham gia giải quyết các vấn đề khu vực và quốc tế lớn. 

Trong một bài báo nhìn nhận về chặng đường ông Putin chèo lái đất nước, ông Dmitri Trenin - cựu Giám đốc Trung tâm Carnegie tại Moscow nhận định: "Kể từ năm 1999, ông Putin đã theo đuổi hai mục tiêu chính: Giữ gìn sự thống nhất của nước Nga và khôi phục vị thế cường quốc trên trường toàn cầu. Ông Putin đã đạt được cả hai".

Nước Nga giành lại tầm ảnh hưởng lớn hơn ở Trung Đông, bán hệ thống phòng không cho thành viên NATO Thổ Nhĩ Kỳ, hướng tới mở rộng tầm ảnh hưởng tại khu vực châu Phi.

Trong quan hệ với Trung Quốc, từ những năm 2000, ông Putin đã nỗ lực để đạt được giải pháp cuối cùng về các vấn đề biên giới với Trung Quốc và xây dựng mối quan hệ đối tác chặt chẽ và hiệu quả với quốc gia tỷ dân. Đến nay, hai bên đã xác định quan hệ đối tác không giới hạn. 

Ông Putin: Từ sự lựa chọn bất ngờ trở thành người đưa Nga trở lại vị thế cường quốc- Ảnh 5.

Năm 2023, trong chuyến công du Nga của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Nga và Trung Quốc đã ký kết 14 văn kiện trong nhiều lĩnh vực (Ảnh: AFP).

Một trong những minh chứng cho mối quan hệ tốt đẹp này chính là việc sau khi tái đắc cử nhiệm kỳ 3, hồi tháng 3/2023, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chọn Nga là nơi thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên và khẳng định đây là "sự chọn lựa chiến lược". 

Hai bên đã ký kết tới 14 văn kiện trong nhiều lĩnh vực, từ thương mại, công nghiệp đến khoa học và quân sự.

Cùng với Trung Quốc, ông Putin đặt mục tiêu phát triển quan hệ với Ấn Độ - một cường quốc mạnh tại châu Á và là đối tác chiến lược truyền thống của Moscow.

Đồng thời ông Putin cũng đẩy mạnh quan hệ với các nước ASEAN - một thị trường lớn và đang phát triển. 

Các mối quan hệ song phương và các định dạng đa phương như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, BRICS và RIC (Nga, Ấn Độ, Trung Quốc) đã tạo ra những điều kiện thuận lợi để Nga cho đến nay vẫn có thể duy trì được vị thế cân bằng với các nước mạnh hơn hoặc tiên tiến hơn, bảo vệ lợi ích của mình một cách hiệu quả, ông Dmitri Trenin đánh giá. 

Hình ảnh nước Nga cứng rắn 

Bên cạnh đó, dưới thời ông Putin hình ảnh nước Nga chuyển từ hướng muốn mở lòng hợp tác với phương Tây, trở nên cứng rắn hơn, thể hiện qua chiến dịch Chechnya; cuộc chiến ở Gruzia; việc Nga sáp nhập Crimea và hiện nay là chiến dịch quân sự ở Ukraine. 

Khi nhậm chức Tổng thống Nga lần đầu tiên, ông Putin khẳng định luôn mong muốn phát triển tốt quan hệ giữa Nga và NATO. Trước khi nhậm chức vài ngày, năm 2000, ông Putin bày tỏ Nga “vẫn là một phần của văn hóa châu Âu” và chính ông cũng “không loại trừ khả năng gia nhập NATO”.

“Tôi không thể hình dung nước Nga bị cô lập khỏi châu Âu và khỏi điều mà chúng tôi thường gọi là thế giới văn minh”, ông Putin tuyên bố.

Tuy nhiên, về sau, nhà lãnh đạo Nga cho rằng bất chấp những lời kêu gọi từ Moscow, NATO vẫn tiếp tục mở rộng về phía Đông.

Từ năm 2007, tại Hội nghị An ninh Munich, ông Putin đã đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh, trong đó cảnh báo sự mở rộng về phía đông của NATO làm gia tăng căng thẳng. 

"Việc mở rộng NATO không có bất kỳ mối quan hệ nào với việc hiện đại hóa bản thân liên minh, hay với việc đảm bảo an ninh ở châu Âu. Ngược lại, nó thể hiện một hành động khiêu khích nghiêm trọng làm giảm mức độ tin cậy lẫn nhau", ông Putin nói. 

Thực tế, kể từ năm đó, bốn quốc gia phía Đông Nam châu Âu - Albania, Croatia, Montenegro và Bắc Macedonia - đã được kết nạp vào NATO. Hơn nữa, vào năm 2008, một năm sau bài phát biểu tại Munich của Putin, một tuyên bố chính trị đã được thông qua với nội dung Ukraine và Gruzia cũng sẽ có thể gia nhập NATO.

Do đó, nhà lãnh đạo Nga đã xác định cảnh giác cao độ với sự mở rộng sang phía Đông của tổ chức này, coi đây chính là mối đe dọa đến an ninh quốc gia của Nga.

Ông Putin: Từ sự lựa chọn bất ngờ trở thành người đưa Nga trở lại vị thế cường quốc- Ảnh 6.

Tổng thống Nga Putin chia sẻ về tình hình Ukraine năm 2021, một năm trước khi ông tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt vào tháng 2/2022 (Ảnh: AFP).

Sự cảnh giác này đã lên đến đỉnh điểm khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine năm 2022.

Bất chấp sự hỗ trợ hậu hĩnh từ phương Tây đối với Kiev, cho đến nay, tình hình trên chiến trường Ukraine vẫn đang diễn biến có lợi cho Nga khi quân đội nước này giành được thắng lợi quan trọng ở Avdviika hồi cuối tháng 2 và nhiều địa điểm chiến lược khác.

Đánh giá của Giáo sư địa chính trị nổi tiếng người Mỹ John Mearsheimer hồi năm 2015: “Sai lầm lớn nhất diễn ra vào năm 2008 tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO tại Bucharest khi Georgia và Ukraine được mời gia nhập NATO” dường như cho thấy cả Mỹ và NATO đã đánh giá quá thấp quyết tâm của Tổng thống Putin trong việc bảo vệ an toàn, an ninh của Liên bang Nga cũng như không lường hết được những hệ lụy từ tham vọng mở rộng sang phía Đông một cách bất chấp của phương Tây.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.