Xã hội

Quảng Trị: Tháo gỡ khan hiếm nguồn đất đắp bằng cách nào?

19/07/2023, 22:37

Tỉnh Quảng Trị sẽ rút ngắn thời gian thẩm định và các nội dung liên quan đến hồ sơ cấp phép thăm dò, khai thác các mỏ đất san lấp.

Ngày 19/7, tại Kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh Quảng Trị khóa VIII, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Trị Nguyễn Trường Khoa cho biết, liên quan đến đất san lấp, từ kỳ họp năm ngoái đến bây giờ rất nhiều nội dung nói đến vấn đề này.

“Chúng tôi khẳng định, hiện nay không phải là vấn đề đất san lấp thiếu mà chính là cơ chế vận hành nó như thế nào?”, ông Nguyễn Trường Khoa cho hay.

img

Ông Nguyễn Trường Khoa, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Trị phát biểu tại Kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh Quảng Trị khóa VIII.

Nếu như có doanh nghiệp nào lên phản ánh với tỉnh là đất thiếu thì nhờ tỉnh chỉ về Sở TN&MT giải quyết và nếu không giải quyết được thì giám đốc Sở sẽ chịu trách nhiệm, nhưng đến nay chưa có doanh nghiệp nào có ý kiến...

"Vừa rồi, chúng tôi làm việc với Sở GTVT về 2 cầu tránh lũ trên Hướng Hóa, nếu không có mỏ đất san lấp thì chúng tôi phải cân đối được đất đào đất đắp của các công trình trên địa bàn Hướng Hóa để cung cấp”, ông Khoa cho biết thêm.

Theo ông Khoa, tại Kỳ họp lần thứ 18 có 2 mỏ đất cần phải thông qua HĐND tỉnh về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất là đất rừng sang đất khoáng sản. Sở TN&MT sẽ trình UBND tỉnh để xem xét ban hành quyết định giao mỏ theo quy định.

Cũng tại kỳ họp này, đất san lấp là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm.

Đơn cử, tổ đại biểu Gio Linh cho rằng, giai đoạn 2023-2025, nhu cầu đất san lấp cho các công trình xây dựng trên địa bàn huyện rất lớn, dự kiến hơn 1,3 triệu m3, trong đó năm 2023 là hơn 634,2 m3. Hiện, trên địa bàn huyện đã quy hoạch 18 mỏ đất san lấp, tuy nhiên ngoài 3 mỏ đất phục vụ cho cao tốc thực hiện theo cơ chế đặc thù theo Nghị quyết của Quốc hội hiện đang hoàn thiện hồ sơ.

15 mỏ đất còn lại chưa có mỏ đất nào được khai thác để phục vụ cho các công trình khác, do các mỏ đất chưa đảm bảo thủ tục theo quy định. Trong 15 mỏ đất trên, trong năm 2022 đã tổ chức đấu giá được 2 mỏ, tuy nhiên do đơn vị trúng đấu giá không hoàn thiện các hồ sơ thủ tục theo quy định nên 2 mỏ này cũng đã bị hủy bỏ kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản mỏ đất san lấp.

Tổ đại biểu Đông Hà cũng đề nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, sớm giải quyết tình trạng khan hiếm nguồn đất đắp phục vụ các công trình trên địa bàn thành phố.

img

Đường Hùng Vương kết nối hành lang kinh tế Đông - Tây chậm tiến độ, vắng bóng nhà thầu những ngày đầu tháng 7.

Báo cáo của UBND tỉnh Quảng Trị tại Kỳ họp về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2023 cũng cho thấy, đến nay tỉnh đã cấp phép khai thác tận thu từ các hoạt động nạo vét lòng hồ của 27 hồ thủy lợi nhưng hoạt động khai thác phụ thuộc vào thời tiết nên khối lượng không ổn định; chỉ khai thác theo thời vụ nhất định, không đảm bảo tính liên tục theo tiến độ dự án...

Bên cạnh đó, đối với các điểm mỏ đã được cấp phép (mỏ đất Hải Trường 2, mỏ đá Hải Lệ và mỏ đá Vĩnh Hòa) do cự ly vận chuyển xa, làm tăng chi phí vận chuyển nên không phù hợp tính toán xác định chi phí đầu tư theo quy định (đối với các dự án trên địa bàn TP Đông Hà và một số địa phương khác). Trong khi đó, tiến độ, thủ tục cấp giấy phép khai thác mỏ đất mới mất nhiều thời gian... đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện và giải ngân của nhiều dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh.

Tại báo cáo này, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho biết, một trong những nhiệm vụ, giải pháp trong những tháng cuối năm 2023 là phải tích cực phối hợp, rút ngắn thời gian thẩm định và các nội dung liên quan đến hồ sơ cấp phép thăm dò, khai thác các mỏ đất san lấp. Nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về lập, thẩm định và triển khai các dự án đầu tư có liên quan đến sử dụng nguồn đất san lấp. Nghiên cứu khoanh định một số mỏ đất vào khu vực không đấu giá để phục vụ các dự án đầu tư công.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cũng giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với Sở KH&ĐT, Tư pháp, các cơ quan và địa phương liên quan nghiên cứu khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản và thuộc hạng mục của các dự án phát triển hạ tầng giao thông, công trình thủy lợi, thủy điện; khắc phục thiên tai; xây dựng nông thôn mới của tỉnh để chủ động nguồn đất san lấp cho quá trình thi công triển khai dự án đúng tiến độ.

Cân đối đào đắp tại các dự án, công trình để bổ sung nguồn đất san lấp

Cũng tại Kỳ họp, trả lời kiến nghị của cử tri thị xã Quảng Trị về cơ chế đấu giá mỏ đất san lấp cũng như việc tháo gỡ vướng mắc khó khăn trong giải quyết nhu cầu đất san lấp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng cho biết, đất san lấp là vật liệu xây dựng thông thường và việc cấp phép đất san lấp được thực hiện theo Luật Khoáng sản năm 2020. Căn cứ Luật Khoáng sản và Quyết định của UBND tỉnh về việc phê duyệt bổ sung quy hoạch mỏ đất san lấp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở TN&MT tổ chức đấu giá 16 mỏ đất san lấp trên địa bàn tỉnh trong năm 2022.

Tuy nhiên, trong quá trình cấp phép các mỏ đất san lấp gặp phải một số khó khăn, vướng mắc, kéo dài thời gian đưa mỏ vào khai thác. Vì vậy, UBND tỉnh đã có chủ trương cho phép thực hiện cân đối đào đắp tại các dự án, công trình để bổ sung nguồn đất san lấp, kịp thời đáp ứng nhu cầu thực hiện dự án tại các địa phương, trong đó có thị xã Quảng Trị.

Hiện nay, UBND tỉnh đang chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung tổ chức thực hiện các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ cấp phép (trong đó đã cấp phép khai thác mỏ đất Hải Lệ 1); chuẩn bị phương tiện, máy móc để thực hiện các dự án nạo vét hồ chứa khi đảm bảo điều kiện; tranh thủ các nguồn vật liệu dôi dư từ các công trình để cân đối, phục vụ kịp thời nhu cầu của các công trình.

Đồng thời, tiếp tục tổ chức đấu giá, có phương án khoanh định các khu vực không đấu giá để phục vụ các công trình, dự án đảm bảo phù hợp với tình hình của từng địa phương, theo đúng quy định của pháp luật.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.