Nhiều vụ cháy nguyên nhân do rơm rạ
Ngày 21/5/2023, chiếc ô tô 4 chỗ do một người đàn ông trú huyện Nghĩa Đàn điều khiển, di chuyển từ Yên Thành qua xã Quỳnh Tam (Nghệ An) theo tỉnh lộ 538. Khi đến địa phận dốc Truông Tràng (thuộc địa phận xóm 9, xã Quỳnh Tam) thì bất ngờ bốc cháy.
Vụ cháy xe ở xã Quỳnh Tam được nhận định nguyên nhân có thể do rơm rạ
Vụ cháy không gây thiệt hại về người song chiếc xe đã bị thiêu rụi. Nguyên nhân vẫn đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ song theo một số người dân nhận định có thể trong quá trình di chuyển, xe bị rơm cuốn vào trục, gây cháy.
Trước đó, vào tháng 5/2022, trên QL15B đoạn qua thị trấn Đồng Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh), xe ô tô nhãn hiệu Toyota Vios do một người đàn ông trú trên địa bàn điều khiển, đang lưu thông trên đường thì bất ngờ phát hiện khói đen bốc lên nghi ngút từ dưới gầm. Nguyên nhân được nhận định cũng có thể do tài xế bất cẩn, lái xe qua các khu vực có người dân phơi rơm, rạ trên đường nên bị rơm quấn vào động cơ. Cộng với thời tiết các tỉnh miền Trung nắng nóng bất thường gây cháy xe.
Một vụ cháy ô tô mà ở hiện trường có rất nhiều rơm rạ khô
Cùng tháng, một vụ khác được ghi nhận tại Nghệ An, do tài xế N.T.H. (SN 1985), trú ở xã Cát Văn, huyện Thanh Chương (Nghệ An) điều khiển xe ô tô nhãn hiệu Toyota Altis đang đi trên QL46 đoạn qua xã Thanh Liên, huyện Thanh Chương thì bất ngờ bốc cháy dữ dội. Chiếc xe ngay sau đó đã bị thiêu rụi hoàn toàn. Tại hiện trường xảy ra sự việc người dân phơi đầy rơm, rạ sau mùa gặt.
Trên đây chỉ là một vài vụ việc trong số nhiều trường hợp ô tô bị cháy được nhận định do rơm rạ. Có thể thấy, thời tiết nắng nóng, cộng với việc rơm rạ được người dân tận dụng mặt đường để phơi khô là nguyên nhân được nhận định dẫn tới một số vụ cháy xe. Một số địa phương cũng đã đưa ra khuyến cáo, nhắc nhở người dân không phơi rơm rạ ra đường để đảm bảo an toàn giao thông.
Bầu xúc tác khí thải bị nung đỏ rực do đã hỏng hóc
Tại sao rơm rạ có thể gây cháy ô tô?
Ông Lê Đức Nguyên, Giám đốc Việt Đức Autospa cho biết, rơm rạ khô là một trong những nguyên nhân dễ dẫn tới cháy xe, nếu phơi trên đường mà ô tô đi qua. Tuy nhiên, trên ô tô cũ, tỷ lệ sẽ cao hơn so với xe mới.
Bởi khi ô tô hoạt động, bộ xúc tác khí thải có nhiệt độ rất cao. Đối với xe mới, bộ xúc tác này hoạt động tốt không có tình trạng bị nóng đỏ rực khi trời nắng, nên ít nguy cơ gây cháy xe hơn.
Nhưng trên xe cũ, có thể bộ xúc tác khí thải này hoạt động kém hoặc thậm chí tắc, hư hỏng. Nhiệt độ cao của bầu xúc tác cộng hưởng nhiệt độ ngoài trời, khiến bộ phận này đỏ rực như thép nung trong lò, có thể bén lửa ngay khi gặp chất dễ cháy như rơm rạ, hoặc giẻ khô mắc dưới gầm xe.
“Không chỉ mùa nắng nóng mà khi sử dụng xe, để đảm bảo an toàn, hạn chế tối đa nguyên nhân cháy xe do rơm rạ, túi nilon… chủ xe hạn chế đi qua bề mặt đường đang phơi rơm rạ. Trong trường hợp bắt buộc, nên kiểm tra gầm xe sau khi đi qua đoạn đường có rơm rạ để tránh tình trạng rơm rạ bị mắc vào gầm xe có thể gây cháy.
Ngoài ra, nếu phát hiện bộ xúc tác khí thải nóng đỏ nên tiến hành sửa chữa hoặc thay thế để đảm bảo an toàn. Việc bảo dưỡng xe đúng định kỳ cũng là điều bắt buộc”, ông Nguyên nói thêm.
Trước đây, khi liên tiếp xảy ra nhiều vụ cháy xe, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã từng đưa ra khuyến cáo chủ hoặc người điều khiển phương tiện thận trọng khi đi qua khu vực có các chất dễ cháy như rơm rạ, rác nilon… Bởi, thực tế đã cho thấy nhiều trường hợp cháy xe do đi qua các khu vực phơi nhiều rơm rạ.
Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định: Phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 - 400.000 đồng đối với việc "phơi thóc, lúa, rơm, rạ, nông, lâm, hải sản trên đường bộ; đặt máy tuốt lúa trên đường bộ".
Ngoài ra, người vi phạm còn phải "buộc phải thu dọn thóc, lúa, rơm, rạ, nông, lâm, hải sản, thiết bị trên đường bộ". Nếu hành vi phơi thóc, lúa, rơm, rạ trên đường bộ có dấu hiệu cấu thành tội cản trở giao thông đường bộ thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận