Nắng nóng có thể cộng hưởng nhiệt gây cháy ô tô
Chiều 18/5, trên QL32 qua xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội, xe ô tô 7 chỗ ngồi đang lưu thông thì bất ngờ bốc cháy dữ dội. Khu vực phát lửa được ghi nhận từ bên trong khoang động cơ.
Ô tô 7 chỗ đang lưu thông bất ngờ bốc cháy từ khoang động cơ tại Hà Nội chiều 18/5
Trước đó, ngày 17/5 cũng tại Hà Nội đã liên tiếp xảy ra 2 vụ cháy ô tô. Trong đó, một ô tô nhãn hiệu BMW mang biển kiểm soát 29A-781.XX đang lưu thông trên đường Huỳnh Thúc Kháng, hướng từ Láng Hạ - Nguyễn Chí Thanh thì bất ngờ bốc cháy. Tuy nhiên, đám cháy được dập tắt sau khoảng 30 phút kể từ khi phát hiện có khói, nhờ tài xế và người dân nhanh chóng sử dụng bình cứu hoả cầm tay và nước để dập lửa.
Đến trưa 17/5, một chiếc xe ô tô đang dừng đỗ trong khuôn viên của Trung tâm Thể dục thể thao quận Ba Đình bất ngờ bốc cháy. Phát hiện sự việc, bảo vệ của trung tâm đã dùng bình chữa cháy cầm tay để dập lửa nhưng bất thành.
Rất may tất cả các vụ cháy xe kể trên không gây thiệt hại về người. Nguyên nhân gây cháy vẫn đang được cơ quan chức năng điều tra, xác định song nhiều ý kiến cho rằng do thời tiết nắng nóng dẫn tới cháy xe.
Ô tô đang dừng đỗ trong khuôn viên của Trung tâm Thể dục thể thao quận Ba Đình bất ngờ bốc cháy
Trao đổi với PV Báo Giao thông, PGS. TS Đàm Hoàng Phúc, Giám đốc Chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô (Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho biết, về cơ bản nắng nóng không thể gây cháy ô tô bởi xe được thiết kế để vận hành bình thường ở điều kiện thời tiết nắng nóng. Tuy nhiên, khi thời tiết nắng nóng, cộng hưởng với một số nguyên nhân do cách sử dụng xe, sơ suất thì có thể sẽ dễ cháy hơn.
PGS. TS Trần Văn Như, Trưởng bộ môn Cơ khí ô tô (Trường ĐH GTVT) cũng cho biết, ô tô thông thường, dù xe xăng hay xe điện đều được thiết kế để có thể vận hành, không cháy khi điều kiện thời tiết nắng nóng, khắc nghiệt.
“Hầu hết nếu lửa xuất phát từ khoang động cơ đều do yếu tố sử dụng gây ra. Động cơ khi hoạt động, nhiệt độ bên trong khoang động cơ cao nhưng khi thời tiết bình thường sẽ dễ tản nhiệt hơn. Nhưng trời nắng nóng, nhiệt độ động cơ cao thì bên trong khoang động cơ sẽ rất nóng do tản nhiệt bị kém. Ô tô đấu nối dây điện, sử dụng băng dính điện thông thường có thể bị nhiệt độ cao tác động dẫn đến chảy băng dính. Khi đó, nguy cơ chập cháy do điện đấu nối không an toàn, dẫn đến cháy xe”, PGS. TS Như nhận định.
Có một số lưu ý giúp chủ xe phòng chống cháy nổ
Những lưu ý để phòng tránh cháy xe
PGS. TS Trần Văn Như cũng cho biết, nếu cháy bên trong khoang nội thất cũng do yếu tố sử dụng. Ví dụ để bật lửa bên trong xe nhiệt độ cao có thể phát nổ. Vì vậy không nên để những vật dụng dễ phát nổ bên trong xe khi đỗ dưới thời tiết nắng nóng.
Bên cạnh đó, để phòng tránh cháy xe, PGS. TS Đàm Hoàng Phúc lưu ý người sử dụng cần chăm sóc, bảo dưỡng xe đúng lịch, không độ chế, đấu nối dây điện ô tô.
Ngoài ra, một số chủ xe có thói quen để các vật trang trí bằng thuỷ tinh, trong suốt có dạng hình cầu, hay kính trên xe. Ở điều kiện có nắng chiếu vào, những vật dụng trên có thể trở thành thấu kính hội tụ gây cháy bên trong khoang nội thất. Vì vậy cũng cần chú ý không để những vật dụng này ở trên xe.
“Thêm vào đó, khi thời tiết nắng nóng, ô tô đi qua đường có rơm rạ cũng cần lưu ý bởi rơm có thể bị quấn, bám vào động cơ. Trời nắng nóng, hanh khô cộng với nhiệt độ động cơ cao có thể gây cháy rơm, dẫn tới cháy xe”, PGS. TS Phúc nói thêm.
Để chủ động phòng ngừa cháy nổ, Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC & CNCH) khuyến cáo, người sử dụng phương tiện không lắp đặt thêm các thiết bị, phụ kiện có tiêu thụ điện khác như thiết bị bảo vệ, còi, đèn,… hoặc nếu lắp thêm phải bảo đảm an toàn, không bị quá tải về điện.
Cùng với đó, phải tuân thủ quy trình vận hành, bảo trì, bảo dưỡng theo quy định và việc bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa nên thực hiện ở những nơi có uy tín, bảo đảm chất lượng. Chủ động kiểm tra phát hiện và khắc phục kịp thời các sự cố, hỏng hóc khi có dấu hiệu khác thường (khó nổ máy, có hơi xăng, có tiếng kêu, nhiệt độ của máy cao, có mùi khét).
“Khi để xe trong nhà, nơi trông giữ xe phải tắt khóa điện, đóng khóa xăng và để xa nơi có nguồn lửa, nguồn nhiệt. Sử dụng nhiên liệu (xăng, dầu) đúng chủng loại, chất lượng quy định; Không mua xăng, dầu ở các điểm bán không được phép kinh doanh.
Không để các chất dễ cháy, dễ bắt cháy trong xe, dưới yên xe, trong khoang động cơ; Chủ các phương tiện giao thông cơ giới từ 4 chỗ ngồi trở lên cần tự trang bị các bình chữa cháy phù hợp”, Cục Cảnh sát PCCC & CNCH nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận