Tàu chở xăng giả bị công an Đồng Nai bắt giữ ngày 7/2/2021. Ảnh: CA Đồng Nai
Đêm 6/2/2021, Công an Đồng Nai đã chủ trì phá án vụ làm xăng giả, thu giữ nhiều tang vật, gồm 2,7 triệu lít xăng giả, tàu biển, sà lan, xe bồn, hoá chất tạo màu cùng hơn 100 tỷ đồng tiền mặt.
Công an cũng xác định đường dây buôn lậu, làm xăng giả này do Phan Thanh Hữu và Nguyễn Hữu Tứ cầm đầu.
Đường dây đã sản xuất và bán ra thị trường khoảng 200 triệu lít xăng giả, bình quân mỗi ngày bán ra thị trường khoảng nửa triệu lít xăng giả.
Trước đó, trong các năm 2019 và 2020, lực lượng công an liên tiếp triệt phá các vụ án làm xăng giả quy mô lớn.
Đặc biệt vụ xăng giả do Trịnh Sướng (52 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Hưng - Petrol Mỹ Hưng, trụ sở tại Sóc Trăng) cầm đầu, công an thu giữ gần 3,3 triệu lít dung dịch các loại.
Trong đó có gần 2,2 triệu lít hỗn hợp đã pha chế thành xăng giả, hơn 430 nghìn lít dung môi chưa pha, 50 kg chất tạo màu, hàng chục tàu thuyền, xe ô tô, máy bơm và nhiều đồ vật tài liệu liên quan.
Trao đổi với PV Báo Giao thông - một thạc sỹ giảng viên bộ môn Cơ khí ô tô (Đại học GTVT) cho biết, nguy cơ phát cháy với các xe ô tô đổ xăng giả là hiện hữu, bởi nguy cơ chính là từ các loại dung môi pha chế vào xăng giả - gọi là chất kích “RON”.
Dung môi này khi pha trộn với xăng kém phẩm cấp, sẽ tạo ra trị số ốc-tan tương đương xăng RON95 nhưng không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng xấu đến hiệu suất động cơ, có thể làm hỏng động cơ.
"Thậm chí, các chất dung môi pha chế sai định lượng này còn ăn mòn các ống dẫn nhiên liệu, gây nứt - thủng ống dẫn vòi bơm. Dưới áp suất cao, nhiên liệu sẽ phun ra ngoài, gặp nhiệt là tự phát cháy", vị giảng viên nói thêm.
Các chất dung môi pha chế xăng giả bị công an thu giữ. Ảnh: TTXVN
Kỹ thuật viên ô tô Lê Văn Định, giám đốc một gara ô tô tại đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cũng nhận định, xăng giả là một trong các nghi vấn chủ chốt khi xác định nguyên nhân cháy xe ô tô.
Theo ông Định, có một loại dung môi là a-xê-tôn được sử dụng để pha chế vào xăng giả, và cũng là một thành phẩm trong quá trình chưng cất dầu mỏ.
Tuy nhiên, đây là loại hợp chất thường được sử dụng trong công nghiệp, pha trộn sơn, tẩy rửa, sản xuất gỗ, thuộc da… Vì có độ ăn mòn, tẩy rửa rất mạnh nên loại dung môi này có thể gây ăn mòn đường ống, vòi bơm nhiên liệu rất nhanh.
"Bởi thế, xăng giả là mối nguy rất lớn nhưng lại gây tai hại ngấm ngầm từng tí một, đổ loại xăng này một thời gian đủ dài mới gây ra tác hại ăn mòn, đến khi phát cháy thì cả chủ xe lẫn cơ quan chức năng rất khó xác định nguyên nhân", ông Lê Văn Định nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận