Đăng kiểm

Siết chặt an toàn kỹ thuật cải tạo phương tiện

14/11/2023, 06:00

Tại dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 85/2014 quy định về cải tạo phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, Bộ GTVT đưa ra hàng loạt yêu cầu an toàn chung.

Quy định chi tiết kích thước xe ô tô cải tạo

Cụ thể, theo đề xuất tại dự thảo, xe tải tự độ có chiều dài lớn nhất từ 5 - 10,2m (tuỳ theo số trục xe); Chiều dài lớn nhất của xe khách nối toa là 20m và các loại xe khác là 12,2m; Chiều rộng không lớn hơn 2,5m; Chiều cao không lớn hơn 4,2 m đối với xe khách hai tầng và không lớn hơn 4,0 m đối với các loại xe khác.

Đề xuất quy định yêu cầu an toàn kỹ thuật xe cải tạo, đảm bảo chất lượng phương tiện - Ảnh 1.

Tại dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 85/2014 quy định về cải tạo phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đã bổ sung riêng một phụ lục quy định về yêu cầu an toàn chung cho xe cơ giới sau cải tạo (ảnh minh hoạ).

Khoảng sáng gầm xe không nhỏ hơn 120 mm (trừ xe chuyên dùng). Đối với các xe có thể điều chỉnh độ cao của gầm xe thì khoảng sáng gầm xe được đo ở vị trí lớn nhất.

Khối lượng cho phép lớn nhất trên trục xe là 10 tấn đối với trục đơn và từ 11-18 tấn đối với trục kép (tuỳ thuộc khoảng cách hai tâm trục), với cụm trục ba khối lượng cho phép lớn nhất từ 21 – 24 tấn (cũng tuỳ thuộc khoảng cách hai tâm trục liền kề nhỏ nhất).

Ngoài ra, xe ô tô cải tạo cũng cần đáp ứng các yêu cầu khác như: Xe và các bộ phận trên xe phải phù hợp với việc tham gia giao thông bên phải theo quy định.

Khối lượng phân bố lên trục dẫn hướng (hoặc các trục dẫn hướng) phải không nhỏ hơn 25% đối với xe khách (trừ xe ô tô khách thành phố) và không nhỏ hơn 20% đối với các loại xe khác (trong cả hai trường hợp xe không tải và xe đầy tải).

Bên cạnh đó, các hệ thống, tổng thành của xe phải đảm bảo các tính năng kỹ thuật khi hoạt động trên đường trong các điều kiện hoạt động bình thường.

Các xe chở người, xe chở hàng (nhóm ô tô tải) lắp thùng nhiên liệu chứa nhiên liệu lỏng phải đáp ứng các quy định tại QCVN 52:2013/BGTVT "Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kết cấu an toàn chống cháy của xe cơ giới".

Đối với xe khách có khối lượng toàn bộ thiết kế lớn nhất lớn hơn 5 tấn và có số người cho phép chở từ 22 người trở lên thì vật liệu sử dụng trong kết cấu nội thất phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại QCVN 53:2013/BGTVT "Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu an toàn chống cháy của vật liệu sử dụng trong kết cấu nội thất xe cơ giới".

Dự thảo cũng quy định bánh xe ô tô cải tạo phải có kết cấu chắc chắn, lắp đặt đúng quy cách. Lốp trên cùng một trục của xe sử dụng trong điều kiện hoạt động bình thường phải cùng kiểu loại. Lốp phải đủ số lượng, đủ áp suất, thông số kỹ thuật của lốp (cỡ lốp, cấp tốc độ hoặc vận tốc, chỉ số về tải trọng hoặc khả năng chịu tải trọng của lốp) phải phù hợp với tài liệu kỹ thuật, thiết kế của xe.

Lốp sử dụng cho từng loại xe phải đáp ứng các yêu cầu quy định trong QCVN 34:2011/BGTVT "Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lốp hơi dùng cho ô tô".

Về hệ thống phanh, dầu phanh hoặc khí nén trong hệ thống phanh không được rò rỉ. Các ống dẫn dầu hoặc khí phải được định vị chắc chắn và không được rạn nứt.

Ngoài ra, hệ thống phanh chính dẫn động khí nén phải đáp ứng các yêu cầu: Các van phải hoạt động bình thường; Sau 8 lần tác động toàn bộ hành trình bàn đạp phanh của hệ thống phanh chính, độ giảm áp suất trong bình chứa khí nén không được quá 392 kPa.

Đề xuất quy định yêu cầu an toàn kỹ thuật xe cải tạo, đảm bảo chất lượng phương tiện - Ảnh 2.

Đối với hệ thống nhiên liệu, hệ thống điện trên xe cải tạo cũng được bổ sung các yêu cầu an toàn một cách chi tiết, nghiêm ngặt (ảnh minh hoạ).

Yêu cầu nghiêm ngặt về hệ thống nhiên liệu, điện trên xe cải tạo

Dự thảo cũng quy định rõ bộ phận lọc và thông khí của thùng nhiên liệu hệ thống nhiên liệu (xăng hoặc diesel) trên xe ô tô cải tạo phải đảm bảo không bị rò rỉ, không được đặt bên trong khoang chở người và khoang chở hàng hóa.

Với hệ thống nhiên liệu khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) và nhiên liệu khí thiên nhiên nén (CNG), tất cả các bộ phận phải được định vị đúng và kẹp chặt chắc chắn; không rò rỉ LPG/CNG; không được có bộ phận nào của hệ thống LPG/CNG nhô ra khỏi bề mặt ngoài của xe trừ đầu nạp khí có thể được nhô ra không quá 10 mm;

Các bộ phận của hệ thống LPG/CNG phải cách ống xả hoặc nguồn nhiệt tương tự từ 100 mm trở lên trừ khi các bộ phận này được cách nhiệt thích hợp.

Đối với hệ thống điện, dây điện phải được bọc cách điện, chịu được nhiệt độ và độ ẩm, đặc biệt là dây điện nằm trong khoang động cơ. Dây điện phải được bảo vệ và kẹp giữ chắc chắn ở các vị trí trên thân xe tránh được các hư hỏng do bị cắt, mài hay cọ xát.

Các giắc nối, đầu nối và công tắc điện phải được cách điện. Ắc quy phải được lắp đặt chắc chắn. Ngăn đựng ắc quy không được thông với khoang hành khách, khoang người lái và phải được thông với không khí bên ngoài.

Về khung và thân vỏ, dự thảo đề xuất phải được lắp đặt chắc chắn; Không được bố trí giá chở hàng trên nóc xe khách các loại. Các giá để hành lý xách tay bố trí bên trong khoang hành khách (nếu có) phải có kết cấu chắc chắn, ngăn được hành lý rơi ra bên ngoài và khả năng chịu lực không được nhỏ hơn 40 kG/m2.

Xe tải, xe chuyên dùng, xe kéo rơ moóc và xe ô tô đầu kéo có khối lượng toàn bộ thiết kế lớn nhất từ 8 tấn trở lên phải lắp rào chắn bảo vệ ở hai bên xe

Thân xe không được có gờ sắc cạnh hoặc phần lồi ra gây nguy hiểm cho người cùng tham gia giao thông. Yêu cầu này có thể không áp dụng đối với một số loại xe ô tô chuyên dùng.

Thiết bị nối, kéo cũng phải được lắp đặt chắc chắn. Cóc hãm và chốt hãm không được tự mở.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.